VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Chạm tới hồn Việt...
(Ngày đăng: 04/04/2018   Lượt xem: 333)

Sau 6 năm “lên” mạng xã hội, nhóm Đình Làng Việt (ĐLV) đã có lượng thành viên khá lớn và chất lượng. Hoạt động của nhóm góp phần làm sống lại không gian văn hóa nơi cửa đình. Điều đáng nói là hoạt động của nhóm nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng.

Khơi dậy nhiệt tâm của cộng đồng

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là người sáng lập ra nhóm ĐLV. Cách đây 6 năm, lúc mới thành lập, có một Việt kiều quốc tịch Anh tên là Quan Cao nhờ nhóm tìm hiểu một hình để hoàn thiện bản chú thích cho con diều của mình. Số là, ông Cao mê làm diều, thả diều và đã tham dự lễ hội thả diều quốc tế. Ông có con diều giấy làm theo hình tượng một cô tiên, ai nhìn vào cũng có cảm nhận đó là hình ảnh “rất Việt Nam”, thế nhưng để thuyết minh cụ thể thì không sao lý giải được, bởi tư liệu gần như không có. Trong lễ hội thả diều ở Pháp, con diều của Quan Cao khi bay lên đã thu hút sự chú ý của nhiều người Việt Nam, trong đó có anh Bình. Anh Bình tâm sự: “Quả thật, khi nhận lời nhờ cậy này tôi rất băn khoăn. Bởi hình ảnh cô tiên này vốn thấy nhiều ở sân khấu múa rối nước, nhưng nếu chú thích chỉ có vậy thì xem ra chưa ổn, mà rõ ràng dù là hình tượng trong môn nghệ thuật rối nước thì vẫn cần có sự nghiên cứu sâu sắc hơn nữa”.

Sự việc bẵng đi cho đến năm 2014, qua trang mạng xã hội của nhóm ĐLV có người phát hiện ra hình ảnh đó chính là hình tượng cô tiên được chạm khắc ở đình làng Phú Xuyên (xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Năm 2015, ông Quan Cao về thăm quê hương và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu. Sự việc hình ảnh cô tiên trên con diều vốn rất nhỏ của một cá nhân nhưng khi có sự nghiên cứu, làm sâu sắc thêm bản thuyết minh đã tạo ra hiệu ứng lan truyền, giúp bè bạn thế giới hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.  

Chạm tới hồn Việt...
Hát Xoan tại đình làng So do giáo phường của nhóm Đình Làng Việt biểu diễn. Ảnh: Đức Bình
Trong thực tế, nhóm ĐLV có nhiều hơn một việc làm ý nghĩa như vậy. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình tâm sự: “Khi nghiên cứu về mỹ thuật đình làng Việt Nam tôi tìm được nhiều điều hết sức thú vị và muốn chia sẻ những điều mình biết cho mọi người. Đình làng không chỉ là nơi lưu giữ đường nét kiến trúc, nghệ thuật dân gian mà còn là không gian văn hóa của rất nhiều loại hình diễn xướng, không ít trong số đó đã được thế giới công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như: Nhã nhạc, ca trù, quan họ, hát xoan… Về con người, trong nhóm ĐLV hiện có hơn 12.000 thành viên, trong đó bao gồm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực”. Cho đến nay nhóm đã tổ chức được nhiều hội thảo, tọa đàm, trao đổi về những lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đình làng; biểu diễn, trình diễn các loại hình diễn xướng ở đình làng được người dân nhiều địa phương nhiệt thành ủng hộ. Đáng mừng, mỗi thành viên của nhóm đều tự nguyện tham gia, chia sẻ những kiến thức của mình góp phần gìn giữ bản sắc đình làng Việt.  

Làm sống lại không gian văn hóa đình làng

Một điều đáng tiếc là cho đến nay, không gian văn hóa đình làng có nhiều mối đứt gãy. Thời Pháp thuộc, nhiều học giả đã nghiên cứu về đình làng, song tất cả chỉ dừng ở việc nghiên cứu kiến trúc bản địa. Đến năm 1972, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, mới cho ra mắt triển lãm điêu khắc đình làng đầu tiên. Đây cũng là tiền đề để nhiều thế hệ nhà nghiên cứu sau này có những nghiên cứu về mỹ thuật đình làng. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho biết: “Quá trình nghiên cứu về mỹ thuật đình làng, tôi và anh Trần Hậu Yên Thế chia sẻ rất nhiều phát hiện chung về không gian văn hóa đình làng. Chính không gian văn hóa này là nơi sản sinh và duy trì nhiều loại hình diễn xướng dân gian. Khi cùng nhau thành lập nhóm ĐLV, tôi và anh Thế đã có một lời hứa: Của dân gian sẽ trả về dân gian”.

Từ quyết tâm ban đầu đó, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng, đến nay, nhóm đã thành lập được một giáo phường và một câu lạc bộ áo dài nam truyền thống. Trong những dịp lễ, Tết, các thành viên của nhóm đều mặc áo dài theo đúng trang phục truyền thống của cha ông tiến hành cử lễ. Kịch bản tái hiện lại phần lễ này lúc đầu phải chắp nhặt từ các tư liệu Hán Nôm cho tới ký ức của người già trong các cộng đồng làng, xã. Đến nay, cơ bản “kịch bản” lễ đình đã thống nhất với các nghi lễ cáo, yết, rước, dâng lễ… được cử hành rất bài bản.

Nhóm đã tiến hành nghi lễ tại nhiều đình làng của không ít làng quê Bắc Bộ, trong đó tiêu biểu là đình làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) với ba năm liên tiếp tổ chức Tết Việt theo nghi thức truyền thống. Tết Đinh Dậu 2017, nhóm mời đại diện của nhiều sứ quán giới thiệu tới bạn bè quốc tế một không gian Tết nơi cửa đình, gây được thiện cảm của mọi người. Những thành tựu ấy mới là bước đầu, song với nỗ lực bảo tồn của cộng đồng, tin rằng không gian văn hóa đình làng Việt sẽ có thêm nhiều sức sống mới.
                                                                                                       Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.462.766
Tổng truy cập: