VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Không gian văn hóa Phật giáo trong văn hóa truyền thống của người Việt
(Ngày đăng: 18/01/2018   Lượt xem: 407)

Đã từ lâu những tư tưởng của nhà Phật đã ăn sâu vào nếp sống và suy nghĩ của người Việt trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa nhận thức và văn hóa tinh thần. 

Phật giáo là một trong những tôn giáo phổ biến nhất đã và đang tồn tại tại Việt Nam từ trước tới nay. Bởi vậy ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt là rất rõ nét và sâu đậm. Bên cạnh tư tưởng Nho giáo và Lão giáo, tư tưởng  Phật giáo có sự lan tỏa và thấm sâu trong tất cả các lĩnh vực trong đời sống của người Việt. Đó là một nét rất đặc biệt trong văn hóa Việt Nam tạo nên một sự giao thoa văn hóa độc đáo trên cơ sở Tam giáo đồng quy. Trong bài viết này chúng ta chỉ nhấn mạnh vào sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đến đời sống tinh thần của người Việt.

Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện tự nhiên, lịch sử và vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới đặc biệt là hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi vậy nền văn hóa nước ta cũng chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh này. Trong thực tế lịch sử, từ đầu Công nguyên Phật giáo đã xâm nhập vào nước ta cũng từ hai nền văn hóa này. Nếu như Ấn Độ được coi là cái nôi của Phật giáo, thì Trung Quốc là đất nước mà Phật giáo phát triển tương đối nhanh chóng và sâu rộng. 

Hiện tại ở Việt Nam có hai tông phái Phật giáo chính là phái Bắc Tông mang ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc và phái Nam Tông mang nhiều đặc tính của Phật giáo Ấn Độ. Nhưng trong quá trình phát triển Phật giáo tại Việt Nam dần dần mang một màu sắc văn hóa khác trong tư tưởng người Việt. Nó không chỉ là mang sắc thái Phật giáo Ấn Độ hay của Trung Quốc, mà nó đã thâm nhập vào tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của dân tộc Việt Nam và đã trở thành bản chất và bản sắc của dân tộc Việt Nam. 


Chùa làng (hình minh họa)

Không gian văn hóa Phật giáo có ảnh hưởng rất sâu đậm trọng đời sống tinh thần của người Việt trong rất nhiều lĩnh vực. Có thể khẳng định rằng Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc với nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị như: kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, đồ thờ cúng,… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học và nhiều nghi lễ Phật giáo khác. 

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh ông Bụt hiện lên như một vị thần hiền từ, luôn cứu khổ cứu nạn và do đó, trong dân gian đã có câu nói không biết tự bao giờ: “Hiền như Bụt”. Bụt chính là một sự hiện thực hóa hình ảnh của Đức Phật trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Bụt được người Việt “Việt hóa” từ danh từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật). Ông Bụt hiền lành là một kết quả rất đặc sắc của Phật giáo hội nhập vào nền văn hóa dân gian Việt Nam. Người Việt Nam sợ thần thánh, ma quỷ,... nhưng lại không sợ ông Bụt, bởi vì ông Bụt tuy có quyền năng vô hạn “Phật Pháp vô biên” nhưng luôn cứu giúp con người. Người Việt Nam luôn hình dung một ông Bụt giàu lòng thương người, đặc biệt là người cô đơn, bị ức hiếp…

Bên cạnh đó sự ảnh hưởng của Phật giáo đã chuyển hóa giới tính Bồ Tát Quan Thế Âm từ nam tính của Ấn Độ sang nữ tính ở Việt Nam. Bồ Tát Quan Thế Âm trong Đại thừa Phật giáo từ Ấn Độ là một vị Phật đàn ông. Theo quan niệm, Phật hiển hiện ở khắp mọi nơi và không chỉ đản sinh làm đàn ông mà tùy theo từng trường hợp có thể là nữ giới. Vì vậy, Bồ Tát Quan Thế Âm chuyển từ trong tiềm thức nhân dân mà trở thành Phật Quan Âm…


Ông Bụt (hình minh họa)

Một trong những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo là ngôi chùa, rất đặc biệt mà cũng rất gần gũi, gắn bó với người dân Việt. Chùa đã hòa nhập vào làng xã mà biến thành chùa làng. Chùa làng là chùa của làng, nhiều nơi lấy tên làng để đặt tên cho chùa và thường không phải là chùa của sư, tuy rằng vẫn có sư trụ trì chùa. Chùa đã vào làng thì theo lệ làng và được người dân gọi bằng cái tên dân làng ưa thích gắn liền với những đặc thù của từng địa phương. Vai trò của ngôi chùa làng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân vì ngôi chùa góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho dân làng, trong đó phải kể đến vai trò to lớn của nhà sư: “Chùa có sư như nhà có nóc”:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông."

Phật giáo cũng đi vào đời sống văn học dân gian của người Việt Nam rất tự nhiên. Hình ảnh của ông Bụt đã đi vào văn học dân gian trong các chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt… một cách vô cùng gần gũi, đã thể hiện được tư tưởng từ bi hỷ xả của nhà Phật, và cũng để khẳng định một chân lý: cái thiện luôn luôn thắng cái ác trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Trong quan niệm dân gian Việt Nam, Bụt có sức mạnh vô biên, thần thông quảng đại, thường xuyên giúp đỡ những người hiền lành, lương thiện và bị áp bức. 

Ngoài ra trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng được biểu hiện ở hình thức cầu siêu hoặc rước chân nhang lên chùa. Sở dĩ tục thờ cúng tổ tiên được người Việt vận dụng ảnh hưởng Phật giáo là do tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có một xuất phát điểm là hướng về cội nguồn. Khi đem Phật giáo vào tục thờ cúng tổ tiên và ngược lại, người Việt chỉ muốn tìm đến chỗ dựa tinh thần có tính chất hệ thống cho tâm linh của người đã khuất và người đang sống.

Trong ca dao, tục ngữ, thơ ca những tư tưởng và hình ảnh của nhà Phật cũng xuất hiện một cách rất sinh động: 

"Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân.
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài.
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài mà ra.
Xem trong biển nước Nam ta
Phổ Môn có Ðức Phật Bà Quan Âm". 
(Trích truyện "Nam Hải Quan Âm")

Người Việt Nam thường tin rằng kiếp người hiện tại là sự tiếp nối của kiếp trước và là điều kiện tạo quả ở kiếp sau vì vậy họ luôn có tâm niệm trau dồi thiện tâm là để tạo phúc ở kiếp sau:
"Người trồng cây hạnh, người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau ".
(Ca dao)

Đồng thời cũng luôn mong muốn lánh xa phiền muộn khổ đau để an tâm hưởng cuộc sống thanh tâm an lạc hạnh phúc.
"Ở hiền thì lại gặp lành,
Ở ác gặp dữ, tan tành như chơi."
(Ca dao)

Giáo lý nhân quả của nhà Phật cũng được biến thành những nguyên tắc sống đẹp "làm việc gì cũng phải nghỉ đến hậu quả":
"Quả báo ăn cháo gãy răng,
Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày".
(Ca dao)

Tinh thần "Kinh báo phụ mẫu ân" của đạo Phật cũng được sử dụng một cách rộng rãi trong cao dao, tục ngữ:
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
(Ca dao)
Hay 
"Lâm râm khấn vái Phật trời,
Xin cho cha mẹ sống đời với con".
(Ca dao)

Trên đây là một vài nét sơ lược về những ảnh hưởng tích cực của không gian văn hóa Phật giáo trong đời sống văn hóa truyền thống từ trong nếp sống, nếp nghĩ và hành động của  người Việt Nam. Nhưng từ đây cũng cho chúng ta thấy được sự ảnh hưởng rất sâu và rộng của đạo Phật trong đời sống, đặc biệt là đời sống tinh thần  của  người Việt từ xưa đến nay.

                                                                                        Theo: vanhien.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.466.336
Tổng truy cập: