VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Người Ma Coong và chuyện thi nhau… đập trống
(Ngày đăng: 20/02/2017   Lượt xem: 423)
Trống vỡ càng sớm thì bà con càng gặp nhiều điều may. Ảnh: L.T
                             Trống vỡ càng sớm thì bà con càng gặp nhiều điều may. Ảnh: L.T

Đập trống xua đuổi quái vật

Với mục đích cầu cho bà con được may mắn, có sức mạnh vượt qua tai họa..., cứ đến mùa trăng mới vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm, đồng bào người dân tộc Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) lại tổ chức lễ hội đập trống.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm sau dịp Tết cổ truyền, đúng ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, người Ma Coong giữa đại ngàn Trường Sơn lại tưng bừng tổ chức lễ hội đập trống, một lễ hội mang đậm bản sắc dân gian.

Theo các già làng nơi đây kể, từ xa xưa, vùng đất của người Ma Coong bỗng xuất hiện một con khỉ già nắm giữ trong tay một cái trống thần. Cứ vào mùa thu hoạch, bao nhiêu lúa, ngô, của cải dân bản đều bị khỉ già ăn hết. Đời sống người Ma Coong vì thế mà triền miên đói khổ.

Trước tình trạng này, dân bản đã họp nhau lại, quyết tâm lập mưu để đánh đuổi con khỉ quái ác kia. Chọn đúng tối 16 tháng Giêng, ánh trăng sáng vằng vặc, khi khỉ già đánh chén no đủ rồi ngủ say như chết. Trăng sáng soi rõ từng hòn cuội trên suối, chủ làng sai người bí mật vào hang đá, lấy trộm trống thần mang về rồi đốt lửa, lập bàn thờ cúng Giàng và nổi trống. Nghe tiếng trống tiếng chiêng, khỉ già trốn biệt vào rừng và chết, đời sống người dân được cải thiện hơn.

Từ đó, cứ đến đêm 16 tháng Giêng Âm lịch, lễ hội đập trống trở thành một hoạt động tâm linh theo suốt hành trình tồn tại của người Ma Coong trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và duy trì cho đến bây giờ.

Nhiều du khách đến tham gia lễ hội uống thử rượu cần.
Nhiều du khách đến tham gia lễ hội uống thử rượu cần.

Vật thiêng của lễ hội là trống. Đã thành một quy ước thần bí, tang trống phải được làm từ cây gỗ Chi cúp (một loại cây rỗng ruột) và được gìn giữ từ năm này sang năm khác, từ mùa rẫy này qua mùa rẫy khác, từ đời này sang đời khác. Nó chỉ được thay thế khi không thể sử dụng được nữa.

Trước khi thay thế, phải được chủ đất đồng tình và làm lễ cúng Giàng xin phép. Còn mặt trống được làm bằng da trâu hoặc da bò, mỗi năm được thay một lần vào trước ngày lễ hội. Tấm da trâu, bò này sau khi được lấy sẽ phơi khô, để nguyên lông, bảo quản thật kỹ càng, cất giữ ở nhà chủ đất một cách cẩn trọng như cất giữ một báu vật.

Đến ngày 16 tháng Giêng, công việc chuẩn bị lễ hội bắt đầu từ việc chủ đất hướng dẫn thanh niên trai tráng trong làng bịt mặt trống vào tang trống cũ.

Về mâm cỗ cúng thì mỗi bản có một mâm cúng riêng. Trong mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu hiêng, thịt gà, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác và một bát gạo. Cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm (đây là khúc ngăn của những con suối chảy qua xã Thượng Trạch và núi rừng Trường Sơn). Đặc biệt, chỉ những người có uy tín, già làng, trưởng bản mới được làm mâm cúng.

Khi trăng vừa nhú lên trên rặng núi sau lưng bản làng, các mâm cúng Giàng sẽ được mang ra sắp đặt để chuẩn bị làm lễ. Sau khi các chủ đất và các già làng, trưởng bản quỳ trước mâm cúng của mình, chủ lễ sẽ bắt đầu khấn vái Giàng, xin Giàng phù hộ cho bản làng có mùa màng xanh tốt, cuộc sống yên bình. Sau ba lần cúng vái là đến tục uống rượu cần. Những người có chức sắc và già cả được mời uống trước. Sau đó lần lượt mọi người đều được uống thoả thích.

Trống vỡ càng sớm càng nhiều may mắn


Mâm cúng Giàng của một bản làng chuẩn bị cho lễ hội.

Mâm cúng Giàng của một bản làng chuẩn bị cho lễ hội.

Khi phần hành lễ kết thúc, mọi người sẽ ùa vào giành lấy cái dùi để đập trống. Ai cũng có thể vào đập trống, không phân biệt già trẻ, gái trai, người Kinh hay người Ma Coong, ai có sức thì cứ cầm gậy đập trống.

Tiếng trống cứ thế vang dồn dập, nhiều người đến tham dự cũng ngả nghiêng theo điệu nhảy. Mọi người vừa đập trống vừa vui vẻ hô to: “Roa lữ! Roa lữ Giàng ơi!” (Sướng quá! Vui quá trời ơi!).

Theo quan niệm của người Ma Coong, năm nào trống đánh vỡ càng sớm thì năm đó dân làng càng gặp được nhiều may mắn. Mặt trống được đập thủng thể hiện sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ bản làng.

Lần đầu tiên dến tham gia lễ hội, anh SiMon, du khách đến từ Ailen cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến tham dự lễ hội đập trống này. Tôi thấy lễ hội này rất độc đáo, mang một nét đặc sắc riêng của nơi đây”.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: “Lễ hội đập trống là ngày hội lớn của bà con nơi đây. Nó mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn nhà nhà ấm no, con cháu có sức khỏe đến trường. Lễ hội này cũng là dịp để bà con 18 bản làng của xã Thượng Trạch tụ tập, tìm hiểu se duyên nên vợ nên chồng. Đây là nét đẹp của bà con đồng bào dân tộc phía Tây Quảng Bình cần được cần được bảo tồn và phát huy”.

Đinh Xon, một già làng ở bản Cà Roòng 1 (xã Thượng Trạch) cho biết: “Những nghi lễ này sẽ đem đến sự tốt lành và may mắn cho các gia đình. Việc làm rẫy, làm nương được lúa đầy bồ, ngô đầy sàn, mong cho gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc”.

                                                                                      Theo: giadinh.net.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.463.965
Tổng truy cập: