VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
“Linh vật Việt” – hồn Việt trong cuộc sống hiện đại
(Ngày đăng: 24/11/2016   Lượt xem: 1009)

Ngày 22/11, triển lãm “Linh vật Việt” nằm trong chuỗi sự kiện nhằm kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 2016 đã khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội trên đường Phạm Hùng. Không chỉ trưng bày hàng trăm mẫu linh vật cổ, bức ảnh, hiện vật như rồng, phượng, nghê, voi, ngựa qua nhiều thế kỷ, được sưu tầm tại các di tích của Việt Nam, những mẫu vật này còn được số hóa thành những hình ảnh 3D sinh động, hiện đại.


Không gian triển lãm
Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh linh vật được sưu tầm tại các di tích, kết hợp với hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện. Lối trưng bày sinh động, hiện đại, kết hợp tương tác 3D về linh vật, triển lãm tạo được ấn tượng và sự hấp dẫn cho người xem. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, kế thừa, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nhận diện những giá trị mỹ thuật, giá trị văn hoá, giá trị biểu tượng của Linh vật và đưa Linh vật Việt xích lại gần hơn với công chúng, phát huy tinh thần yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
 
Tương tác 3D giúp người xem dễ dàng tiếp cận các mẫu linh vật
 
Nghệ nhân Lê Văn Nghị đang điêu khắc một con nghê từ gỗ
 
Linh vật của người Việt
 
Linh vật là một biểu tượng văn hóa quan trọng, là một trong những đề tài nói lên diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt. Những sinh vật huyền thoại này từ lâu đã có trong tâm thức con người Việt Nam, được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo.
 
Linh vật thường được miêu tả trong thần thoại, truyền thuyết và biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Đó là những con vật khổng lồ không hẳn có thực, mà được hội nhập bởi các bộ phận biểu hiện sức mạnh của nhiều loài. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên, có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ và đôi khi chỉ đơn thuần với ý niệm là cầu no đủ là mang lại niềm vui, hạnh phúc, may mắn cho con người, giúp canh giữ, trấn áp. Linh vật được dùng với mục đích trang trí, bày ở các cung điện, lăng mộ, đền miếu.
 
Trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, linh vật có nhiều loại: rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, chó, rùa, cá… do người Việt sáng tạo, hoặc giao lưu, tiếp biến từ các nền văn hóa bên ngoài, được sử dụng rộng rãi từ lâu đời, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh cũng như văn hóa dân tộc. Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp truyền thống văn hóa, lại mang đặc điểm, phong cách đặc trưng từ mỗi thời kỳ.
 

Các mẫu tượng Nghê với chất liệu gỗ mít
 
Tượng Nghê và Sư Tử
 
Voi là con vật có thật, quen thuộc với người Việt, từng xuất hiện trong các truyền thuyết như Sơn Tinh – Thủy Tinh hay hình ảnh lịch sử mang tính biểu tượng như Hai bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Loài voi tượng trưng cho sự kiên định, sức mạnh, sự an lành và bình an. Loài ngựa cũng được tôn vinh với các đặc điểm quý như trí nhớ tốt, lòng trung thành và chạy rất nhanh, thường gặp ở đền, miếu, lăng mộ của các vị quan lớn…
Hai loài linh vật chịu ảnh hưởng từ Phật Giáo nhiều nhất là Sư Tử và Rồng. Hình tượng Sư Tử trong điêu khắc du nhập vào Việt Nam qua Phật Giáo, được coi là linh vật bảo hộ cho đền, chùa hay các ảnh tượng. Trong đó, Rồng mang dáng vẻ đặc trưng nhất phải kể đến thời Lý – Trần, với tạo hình thống nhất, uốn lượn đều đặn, thắt túi nhỏ dần về đuôi. Rồng thời Lý – Trần xuất hiện ở nhiều di tích như Hoàng thành Thăng Long, chùa Thầy, chùa Bối Khê, chùa Phật tích, chùa Dạm…
 
Nghê lại là một hình tượng cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng nó là con Toan Nghê – loài vật thần thoại, con của Rồng. Có người cho rằng nó là loài Cẩu được thiêng hóa để phụng sự các vị thần. Đây là tạo hình đặc trưng của Việt Nam, xuất hiện ở rất nhiều công trình khác nhau với tần suất chỉ đứng sau Rồng. Với tạo hình gần gũi với loài chó nhà, ngoài chức năng canh giữ, Nghê còn mang biểu tượng cầu mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở.
 
 
 
 
Loài Phượng thời Lý – Trần thường được tìm thấy trong các mảng chạm hay điêu khắc trang trí trong kiến trúc, mang ý nghĩa linh vật, hay biểu trưng cho yếu tố nữ. Từ thời Lê, tạo hình Phượng có nhiều thay đổi theo lối dân gian gần gũi. Một số công trình có hình tượng Phượng đẹp là chùa Kim Liên (Hà Nội), đình Đình Bảng (Bắc Ninh)…
 
Hình tượng Hạc mang ý nghĩa biểu thị sự trường thọ, gắn với phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm. Hạc thường xuất hiện trên những bức phù điêu, gắn với một điển tích nhất định. Một linh vật khác là Hổ, con vật dũng mãnh, oai phong, sức khỏe phi thường, là chúa tể muôn loài và được coi là biểu tượng trấn giữ các phương.
 
Chim thần Garuda (Kim Sí Điểu) bắt nguồn từ Ấn Độ Giáo và ảnh hưởng sang Phật Giáo, được giao nhiệm vụ bảo hộ đao pháp. Garuda xuất hiện nhiều ở các kẻ góc, vệ đá trong chùa, đình… Ngoài ra, Việt Nam còn có các linh vật trang trí trên nóc mái công trình như lá đề đối xứng bằng đất nung tạo hình Rồng, Phượng; lá đề lệch bằng đất nung tạo hình Rồng, Phượng; Uyên Ương, con Kìm; con Náp; con Xô; đôi rồng chầu mặt trời, mặt trăng…
 
Ở nước ta hiện nay, trong di tích, bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân còn lưu giữ được rất nhiều hình ảnh linh vật trên tác phẩm tranh tượng, phù điêu…
 
 
 
Cần xử lý vấn đề linh vật ngoại lai
 
Thời gian qua, với sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nhiều biểu tượng linh vật thuần Việt bị lãng quên, thay vào đó, các sản phẩm linh vật ngoại lai không phù hợp thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa Việt lại trở nên phổ biến trong đời sống, xuất hiện rộng khắp các công trình đền, chùa, miếu, công ty, nhà riêng… Đó là các hình tượng như: sư tử Tàu, đèn lồng đỏ, đèn Nhật, tỳ hưu, những con vật ngậm tiền, đứng trên đống vàng… Việc các linh vật ngoại lai len chân vào đời sống người Việt thể hiện lỗ hổng kiến thức, thờ ơ với truyền thống, không hiểu về ý nghĩa của các hình tượng này.
 
Theo Họa sĩ, đồng thời là Nhà nghiên cứu các nghề thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều, vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu lên tiếng. Sau hàng chục năm sưu tầm các tài liệu cổ, các nhà nghiên cứu đã thu thập được những mẫu hình linh vật cổ và hướng dẫn các nghệ nhân tạo hình sao cho đúng, hoặc mang phong cách linh vật truyền thống, riêng có của Việt Nam. Triển lãm Linh vật Việt là kết quả bước đầu, nhưng rất khả quan.
 
 
 
 
Một số mẫu linh vật trong triển lãm
 
Họa sĩ cho biết, khác với linh vật nước ngoài, đặc trưng của linh vật Việt, hay đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam là sự thân thiện với thiên nhiên, môi trường, con người giao hòa với nhau. Trong nền văn hóa đó, các linh vật, pho tượng, hình trang trí… đều mang đậm hình ảnh thiên nhiên, hiền hòa, thậm chí khiêm nhường, khác với sự phô trương, uy nghi của văn hóa Trung Quốc. Linh vật Việt Nam không có sự đe dọa với người xem mà gần gũi, thân thiện, tuy là linh vật, nhưng cũng giống như một vật nuôi trong nhà. Đáng tiếc là trong thời gian gần đây, nhiều chùa bị tôn tạo, sửa chữa… làm mất đi nét văn hóa Việt. Chùa của Việt Nam ẩn sâu trong các làng nghề, thấp, nhỏ, gần gũi với dân nghèo chứ không phải nơi công đường uy nghi, to lớn.
 
Trước tình hình đó, tháng 8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tụcViệt Nam. Trong thời gian qua, cùng với các địa phương, ngành di sản thủ đô đã tuyên truyền vận động người dân không sử dụng biểu tượng không phù hợp, thực hiện Luật di sản văn hóa tại các di tích. Triển lãm lần này cũng nhằm đưa linh vật xích lại gần gũi hơn với công chúng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
                                                                              Theo: songmoi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.465.469
Tổng truy cập: