VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
“Gìn vàng giữ ngọc cho hay”
(Ngày đăng: 02/10/2015   Lượt xem: 358)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa thì mối quan hệ con người và văn hóa truyền thống là cực kỳ quan trọng. Xét ở phương diện hội nhập sẽ thấy rõ chỉ nhờ có kế thừa từ truyền thống mới tạo ra được bản sắc văn hóa. Xét ở góc độ cá nhân văn hóa thì cây xanh không thể không có cội rễ, con người không thể không có cội nguồn. Nhân cách con người phát triển là nhờ được ươm trồng vào mảnh đất văn hóa dân tộc, được quang hợp bởi ánh sáng tiến bộ của thời đại. “Lá rụng về cội”, điều này lý giải bao người Việt gần như cả đời xa quê, khi tuổi già lại muốn trở về nơi quê cha đất tổ, có từ biệt cuộc đời cũng xin nằm lại với quê hương. Người ta nói đúng: Có thể đưa một đứa trẻ ra khỏi quê hương của nó nhưng không thể đưa quê hương ra khỏi đứa trẻ. Vì quê hương là cái nôi văn hóa, là hiện thân của văn hóa.

Với bất kỳ quốc gia nào thì văn học-nghệ thuật truyền thống luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống tâm hồn dân tộc. Vì ở đó là sự kết tinh tâm lý, tính cách dân tộc, là những bài học đạo lý được tích lũy, gạn lọc, lưu truyền từ ngàn đời, được bổ sung, hoàn chỉnh theo thời gian. Đó thực sự là những viên ngọc để con người hiện tại soi vào đó mà hoàn thiện nhân cách mình. Ở nước ta, những vở chèo cổ như: “Quan Âm Thị Kính”, “Kim Nham”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Lưu Bình-Dương Lễ”… những vở tuồng đồ như: “Sơn hậu”, “Tam Nữ đồ vương”, “Nghêu Sò Ốc Hến”… vừa là những mẫu mực nghệ thuật sân khấu vừa là những áng văn chương chuyển tải những ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Bài thơ “Tiếng đàn bầu” (thơ Lữ Giang, phổ nhạc Nguyễn Đình Phúc) không chỉ nói về tiếng đàn bầu mà còn có sức truyền cảm, lan tỏa, thấm đẫm chức năng “thanh lọc” tâm hồn con người của nghệ thuật truyền thống: “Tiếng đàn bầu của ta/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha…/Tiếng đàn bầu Việt Nam/ Ngân tiếng vàng trong sáng/ Ơi cung thanh cung trầm/ Rung lòng người sâu thẳm…”.

Văn hóa dân tộc luôn là điểm tựa cho đời sống tinh thần con người. Thiếu khuyết sự hiểu biết về văn hóa dân tộc sẽ dẫn đến nguy cơ khuyết thiếu về nhân cách văn hóa. Chúng ta tự hào có một nền văn nghệ truyền thống mang bản sắc Việt đã góp phần hun đúc nên một tính cách Việt.

Nhưng hiện nay có bao nhiêu thanh thiếu niên thiết tha với nghệ thuật truyền thống? Ngay ở các trường đại học chuyên về nghệ thuật có khi còn không tuyển đủ số sinh viên vào học các ngành nghệ thuật dân tộc. Một khi con người quay lưng lại với truyền thống tức là có nguy cơ con người cự tuyệt với cội nguồn!

Vì sao có tình trạng ấy? Nguyên nhân khách quan là, sự xâm lăng ồ ạt của văn hóa hiện đại: Điện ảnh, truyền hình, internet, điện thoại di động… Về chủ quan là sự thiếu chủ động trong việc giữ gìn, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể là chúng ta như chưa tạo ra cơ chế thích ứng của nghệ thuật truyền thống với kinh tế thị trường; chưa có kế hoạch cụ thể, hệ thống, lâu dài trong việc bảo tồn, giữ gìn di sản... Có một nguyên nhân mang tính bản chất của tiếp nhận nghệ thuật là mâu thuẫn giữa việc cần thiết phải giữ gìn nghệ thuật truyền thống nhưng lại thiếu giáo dục công chúng về nghệ thuật truyền thống. Mà lô-gích thông thường của giao tiếp là có hiểu thì mới yêu. Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm, của cảm xúc. Phải thấu hiểu và thấu cảm hình tượng nghệ thuật, phải có sự rung động thực sự của tình yêu thương hay nóng bỏng căm hờn mới có thể tiếp thu được tiếng nói nghệ thuật. Có người không hiểu chèo mà cứ bắt người ta xem chèo là trái với quy luật giao tiếp, càng trái với quy luật giao tiếp nghệ thuật. Khắc phục điều này, thiết nghĩ, các nhà quản lý, các nhà giáo dục nên sớm có kế hoạch đưa nghệ thuật truyền thống vào nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học, có thể là môn học riêng hoặc lồng ghép vào các môn học xã hội-nhân văn. Giới thiệu, hướng dẫn, gợi mở, khuyến khích mọi người tiếp thu, trân trọng, hiểu nghệ thuật để mọi người cùng gắn bó yêu nghệ thuật của cha ông mình-một kho tàng vàng ngọc tinh thần vô cùng quý giá.

 “Gìn vàng giữ ngọc cho hay”.

                                                                                                                        Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.458.524
Tổng truy cập: