VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl: Các dân tộc thiểu số Việt Nam có sức hút đặc biệt
(Ngày đăng: 27/07/2015   Lượt xem: 829)
4 năm công tác tại Việt Nam, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ ANDREJ MOTYL đã đặt chân đến hơn 30 tỉnh, thành phố. Ông đặc biệt bị cuốn hút bởi văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, đến mức đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề tại nhà riêng, nhằm giúp mọi người hiểu hơn và quan tâm hơn đến nhóm đối tượng hấp dẫn này. Trước khi rời Việt Nam, nguyên Đại sứ Andrej Motyl đã dành cho PV Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trao đổi ngắn.

- Tại sao ông quyết định tổ chức các buổi nói chuyện giới thiệu văn hóa dân tộc thiểu số của Việt Nam tại nhà riêng?

- Đối với người đa số, ở bất cứ quốc gia nào, các dân tộc thiểu số có thể là gánh nặng nhưng cũng có thể một điều lành. Mỗi đất nước phải tự tìm cho mình phương cách nhìn nhận và đối xử với người thiểu số như phần cấu thành của đất nước đó chứ không phải những bộ lạc du ca. Nước Việt Nam các bạn có rất nhiều dân tộc thiểu số, đây là điều tuyệt diệu, và tôi tự nhủ rằng cách tốt nhất là mời đại diện các dân tộc ấy đến nhà nói chuyện, để được lắng nghe và tìm hiểu thêm về họ. Việc người nước ngoài như chúng tôi quan tâm đến các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có thể sẽ khuyến khích người Kinh quan tâm và hào hứng hơn đối với các dân tộc đầy hấp dẫn này.


Đại sứ Thụy Sĩ trong buổi giới thiệu văn hóa Mông
 Ảnh: Khánh Vân

- Việt Nam có tới 54 dân tộc, ông chọn Mông và Chăm để giới thiệu đầu tiên, phải chăng có lý do đặc biệt?

 “Các dân tộc thiểu số không phải những mảnh ghép nhiều màu sắc và kỳ cục, cũng không phải phụ lục, mà là một phần quan trọng không thể tách rời của đất nước họ cư trú. Một trong những mục tiêu của các nước đa dân tộc là phải tôn trọng, thúc đẩy và tôn vinh các dân tộc thiểu số, làm cho tinh thần này lan tỏa tới mọi người trong xã hội”.

- Việc tôi chọn lựa văn hóa Mông và văn hóa Chăm là nhờ những mối quen biết sẵn có giới thiệu, họ là giới trí thức, nghệ sĩ... và là những người vô cùng thú vị. Bởi vậy nên, không hề có ý định ưu ái dân tộc này hơn so với dân tộc khác. Nhưng trong thời gian công tác tại Việt Nam, tôi thường cùng gia đình đi chơi tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều người Mông sinh sống, và chúng tôi hoàn toàn bị họ cuốn hút. Họ là một dân tộc có đặc thù, không giống bất cứ dân tộc nào. Còn đối với người Chăm, họ có một nền văn minh lừng lẫy và Việt Nam cần biết cách khám phá di sản họ để lại, bởi người Chăm cũng mang trong mình dòng máu Việt. Các bạn là các bạn ngày nay bởi các bạn đã sống bên cạnh và cùng với người Chăm trong suốt nhiều thế kỷ. Người Việt Nam (người Kinh) cũng là một phần của người Chăm, Mông hay Churu, và ngược lại.

Thật tiếc là tôi đã kết thúc nhiệm kỳ 4 năm công tác tại Việt Nam (từ tháng 7.2015 - PV). Người kế nhiệm tôi sẽ tiếp tục công việc này nếu bà ấy thấy cần thiết. Thụy Sĩ thuộc nhóm G4, cùng với Canada, Na Uy và New Zealand, tức là những quốc gia từ gần 15 năm nay hoạt động tích cực vì người thiểu số. Chúng tôi, bằng cách này hay cách khác, luôn có những hoạt động vì lợi ích của người thiểu số, như hỗ trợ phát triển, quản lý công, hay tổ chức các sự kiện...

- Trong lời giới thiệu trước các buổi nói chuyện, ông luôn nhấn mạnh vai trò của các dân tộc thiểu số trong một đất nước đa dân tộc và những buổi trò chuyện như vậy cũng là một cách để các dân tộc thiểu số cất lên tiếng nói của mình. Ông hy vọng tiếng nói đó sẽ đến với ai?

- Tiếng nói của họ sẽ được dành cho đối tượng chính là những người chiếm đa số, nhưng cũng được gửi tới những dân tộc thiểu số khác, những vị khách đến thăm, thậm chí gửi tới chính đồng bào họ. Hòa nhập luôn là một công việc khó khăn đối với các dân tộc thiểu số. Dân tộc ấy tìm cách hài hòa với các dân tộc khác, nhưng đồng thời cũng muốn bảo tồn linh hồn của dân tộc mình. Đây là điều không dễ dàng trong một thế giới với nhiều cách thức xâm lấn (văn hóa) và trong nền văn minh internet có nguy cơ khuyếch trương những điều nhạt nhẽo.

- Theo ông, truyền thông có vai trò như thế nào trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa các tộc người trong cùng một quốc gia?

- Truyền thông có thể giúp đỡ các dân tộc thiểu số nở rộ hoặc tàn phá các dân tộc này bằng những hình ảnh mà nó truyền tải. Vậy nên, truyền thông có vai trò tối quan trọng ở đây. Một nhà báo có thể là nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hoặc là một người ba hoa đơn giản không muốn động não và biến vẻ đẹp cũng như sự đa dạng tuyệt vời và duy nhất trên Trái đất của chúng ta trở nên tầm thường.

- Xin cảm ơn ông và hy vọng ông sẽ sớm trở lại Việt Nam trong vai trò khách du lịch!

                                                                                     Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.465.001
Tổng truy cập: