VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Để người Việt xa quê biết nguồn cội
(Ngày đăng: 28/06/2015   Lượt xem: 772)

Học trò của GS-TS Trần Văn Khê ở các nước vẫn luôn tiếp bước con đường của ông, đó là truyền ngọn lửa yêu nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ

Xa quê hương nhiều năm, bây giờ, chị Phương Oanh - Ban Phượng Ca tại Pháp - đã có rất đông học trò theo học đàn tranh, cả người Việt lẫn người bản xứ. Chị Phương Oanh và Ban Phượng Ca luôn xem GT-ST Trần Văn Khê là người thầy lớn trong sự nghiệp truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ trẻ người Việt xa quê hương hiểu được giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc góp phần phổ biến sâu rộng những giá trị các di sản văn hóa của dân tộc được thế giới vinh danh để cùng nhau giữ gìn, phát huy và truyền dạy cho thế hệ mai sau.

Luôn thấu hiểu tâm nguyện của thầy

GS-TS Trần Văn Khê là thành viên của nhiều hội quốc tế về âm nhạc và nghiên cứu âm nhạc như: Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống, Hội đồng Quốc tế Giáo dục Âm nhạc, Hội đồng Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc, Hội Âm nhạc học, Dân tộc âm nhạc học, Hội Nhà văn (Pháp), Hội Dân tộc âm nhạc học Mỹ, Hội Nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nhật Bản, Hội Nghiên cứu âm nhạc Ấn Độ. Ông cũng đã tham gia giảng dạy, đào tạo gần 7.000 sinh viên, hướng dẫn gần 40 học viên cao học và nghiên cứu sinh về âm nhạc học. Do vậy, ông có rất nhiều học trò, kể cả người nước ngoài yêu quý âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Khi còn sống, GS-TS Trần Văn Khê thường tâm sự: “Tôi tuy thân sống ở nước ngoài nhưng tâm  luôn ở trong nước. Tình yêu đất nước thể hiện trong tiếng đờn của tôi, trong những món ăn Việt Nam hằng ngày mà tôi được ăn, nên lúc nào tôi cũng thấy mình gắn bó và gần gũi với quê hương, xứ sở. Tôi cố truyền đạt tình yêu đó đến các học trò của mình để các em tiếp bước cùng tôi”.

Ban Hướng Việt (Mỹ) và GS-TS Trần Văn Khê trong cuộc hội ngộ tại quê nhà. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Ban Hướng Việt (Mỹ) và GS-TS Trần Văn Khê trong cuộc hội ngộ tại quê nhà. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Nghệ sĩ đàn tranh Phương Oanh chia sẻ rằng sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, GS-TS Trần Văn Khê đã trở về nước với nhiều dự định tốt đẹp dành cho âm nhạc truyền thống, đó là tiếp tục làm công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ bạn bè trong và ngoài nước để cùng nhau góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống. Với thế hệ học trò ở các nước, ông vẫn luôn căn dặn hãy cố gắng phát huy những hiểu biết, những kiến thức có được để truyền đến các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trên xứ người để họ luôn biết cội nguồn dân tộc.

“Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thầy Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn “Đại từ điển âm nhạc thế giới”, được tặng Giải thưởng đặc biệt về âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Văn hóa - nghệ thuật của chính phủ Pháp. Tôi luôn tự hào về thầy!” - nghệ sĩ Việt Hải, ban nhạc cổ truyền Hướng Việt tại Mỹ, nói. Và anh, cũng như nghệ sĩ đàn tranh Phương Oanh, nghệ sĩ Đoàn Vinh (Ban Hát múa Nam Giao - Bỉ), nghệ sĩ đờn bầu Midori Thúy (Nhật)… vẫn ngày đêm làm tròn trách nhiệm thiêng liêng là duy trì hoạt động, nhân lên hiệu quả giảng dạy, truyền thụ âm nhạc dân tộc cho con em các gia đình kiều bào sống xa quê hương.

Tháng 11-2005, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức lễ mừng thọ GS-TS Trần Văn Khê tròn 85 tuổi và trao tặng ông Giải thưởng Đào Tấn - tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp lớn cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Khi đó, nhiều học trò của ông ở các nước đã gửi thư về chúc mừng và bày tỏ niềm hãnh diện về thầy, ví ông như “ngọn đuốc soi đường” để họ tiếp tục thực hiện những hoài bão của ông còn dang dở.

Thư viện sống của học trò xa quê

Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết dù tuổi cao, sức yếu nhưng dường như chẳng lúc nào GS-TS Trần Văn Khê chịu nghỉ. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông thường trả lời thư điện tử cho các học trò xa quê hương. “Với trí nhớ tuyệt vời được tạo hóa ban tặng, thầy đã nhớ như in những sự kiện, những bài giảng và hệ thống một cách khoa học những giáo trình giảng dạy, cú pháp ký xướng âm cho dàn nhạc ngũ cung để có thể trả lời, góp ý, phân tích cặn kẽ cho các học trò đang sinh sống, làm việc trên xứ người; giúp họ vun bồi thêm kiến thức cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy đàn tranh và các loại nhạc cụ khác” - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan nói.

Với phương pháp đào tạo của một nhà khoa học, cộng với sự kiên nhẫn và chuyên cần, GS-TS Trần Văn Khê đã trở thành một thư viện sống về âm nhạc truyền thống Việt Nam cho các thế hệ học trò. Bà Alienor Anisensel - ThS âm nhạc Đại học Paris 10 (Pháp), đã từng đến TP HCM thực hiện luận án tiến sĩ âm nhạc dân tộc về đề tài ca trù Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS-TS Trần Văn Khê - nói: “Thầy là một kho tàng sống đáng quý cho những sinh viên nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Việt Nam, trong đó có tôi”.

Đánh giá được tầm quan trọng của việc gieo mầm xanh cho âm nhạc dân tộc không chỉ với thế hệ học trò trong nước, GS-TS Trần Văn Khê còn gầy dựng một thế hệ người Việt xa xứ luôn trân quý cội nguồn thông qua công việc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cha ông; đồng thời góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho tương lai. “Họ yêu cội nguồn thông qua câu hát, ngón đờn và rồi một ngày nào đó sẽ quay về với quê hương, góp phần xây dựng đất nước” - nghệ sĩ Việt Hải đã thầm gọi tên thầy Khê mỗi khi chương trình biểu diễn của Ban Hướng Việt mở màn. Nhìn hàng trăm bạn trẻ đến xem, tán thưởng các thế hệ nghệ sĩ Việt trong các tiết mục hòa tấu đàn tranh, với anh: “Như ở đâu đó trong một góc khán phòng nơi xứ người, thầy Khê đang hiện diện, mỉm cười”.

Nhờ ông, sinh viên các nước biết âm nhạc Việt Nam

TS Alexander Cannon - chuyên gia về âm nhạc dân tộc Việt Nam, ĐH Western Michigan (Mỹ) - nói trên BBC rằng: “Cho đến nay, cuốn “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” (La musique vietnamienne traditionnelle) của ông vẫn là cuốn sách hoàn hảo nhất về âm nhạc Việt Nam. Sở dĩ sinh viên Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật biết về âm nhạc Việt Nam là nhờ những giảng dạy của ông... Với GS-TS Trần Văn Khê, âm nhạc là nguồn sống. Trong quá trình viết các bài về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi luôn đọc lại “La musique vietnamienne traditionnelle” hay là bài “Học chân phương mà đờn hoa lá” để nghe ông hướng dẫn. Những đóng góp của ông sẽ giúp mỗi nghệ sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam trong tương lai có thể thể hiện một phần tâm hồn ông qua nghệ thuật của mình”.

Còn TS Barley Norton, Khoa Âm nhạc Goldsmiths - ĐH London, cho rằng: “Ông Trần Văn Khê là một trong số ít học giả có khả năng truyền tải những tư tưởng phức tạp theo cách giải trí và thường là hài hước... Được nhìn nhận là “cha già” của những nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, những bài viết và băng đĩa phong phú của ông sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai trong nhiều năm nữa”. (Theo BBC)

                                                                                                  Theo: nld.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

32
Đang xem:
72.467.631
Tổng truy cập: