VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Ngẫm từ một hội làng thuần Việt ở Hà Nội
(Ngày đăng: 05/03/2015   Lượt xem: 349)
Chẳng có tuyên truyền quảng bá, những hội làng thuần chất văn hóa Bắc Bộ vẫn tồn tại, lôi cuốn và chinh phục.

Đầu xuân, anh bạn tôi qua nhà chúc Tết. Chuyện trò dông dài, thấy tôi quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống nên anh rủ tôi 12 tháng Giêng (2/3) về quê anh ở thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) dự hội làng.

Đúng hẹn, 4h chiều ngày 12 tháng Giêng, chúng tôi bắt đầu lên đường. Nói là về quê nghe nó xa xôi, nhưng từ siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng đi theo cao tốc Hòa Lạc, chỉ vẻn vẹn có 11 km đã đến nơi. Dọc triền đê, hoa bưởi, hoa nhãn nở rộ, không khí buổi chiều xuân đượm nồng hương quê, khiến ai đấy đều thích thú hạ kính xe và hít căng lồng ngực.

Đến đầu thôn An Hạ, đã thấy không khí nhộn nhịp của làng vào hội. Người lớn, trẻ em nô nức đi xem đứng chật cả đường. Len lỏi mãi mới qua được đám đông về đến nhà. Bà mẹ bạn tôi đon đả chạy ra đón khách, cụ cứ hỏi đi hỏi lại sao về muộn thế, để cả nhà chờ. Rồi cụ giục, cô con gái dọn cơm để đãi khách. Tôi bảo mới có hơn 4h chiều vẫn còn sớm.

Bà cụ nói: “Các con ăn đi rồi còn kịp xem rước kiệu. Bạn tôi cười, đấy anh xem, cụ ra ở với con cháu ngoài Hà Nội, thế mà không thoải mái đâu, cứ mong ngóng sao cho đến thứ Sáu, rồi nhanh nhanh chóng chóng về quê. Bà cụ phân trần, muốn gần con gần cháu thì phải ra thôi, chứ ở quê sướng lắm, không bị giam bởi 4 bức tường, ra đóng vào khép đến mệt. Về quê thoáng đãng, cây cối vườn tược, bà con họ hàng chạy qua chạy lại hỏi thăm vui lắm”.

 
Ảnh minh họa
Trước khi ăn, nghe bà cụ, chúng tôi đi lướt một vòng quanh làng để cảm được không khí lễ hội. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, được treo đèn kết hoa. Hai bên đường nhà nào nhà nấy, đều lập bàn thờ với mâm lễ được trang trí rất đẹp. Thôi thì đủ các loại sản vật địa phương, hoa tươi, quả tốt, nhà nào cũng muốn dâng đức thánh một mâm lễ  thịnh soạn nhất. Tiếng trống tế, cùng với giai điệu lưu thủy kim tiền vang ra như thúc giục, mời gọi mọi người đến hội. Kiệu thánh được rước từ đình làng lên Quán, hai nơi cách nhau chưa đến 500 m thế mà các cụ bảo sáng nay rước phải mất gần 3 giờ đồng hồ.

Mọi người trong làng từ khắp nơi đổ về, gần có, xa có gặp nhau tay bắt mặt mừng. Trong sân đình nhiều gia đình, các cụ trong bộ áo đỏ mừng thọ, cùng các các con các cháu đi lễ đình, ai nấy đều hân hoan. Lễ thánh xong các cụ còn giảng giải cho con cháu về truyền thống của ngôi đình mấy trăm năm tuổi, cũng như những nét văn hóa riêng của thôn An Hạ.

Dạo một vòng quanh làng, anh em chúng tôi bấm nhau về, bà cụ đã dọn sẵn mâm với đủ các món khác nhau, cụ vừa mời vừa kể chuyện, đây là  thịt lợn sạch, nhà tôi phải vào tận Hòa Bình mua. Nhà hai anh em đụng chung, để cho con cháu ăn thoải mái. Đây là món lòng dồi, giả cầy, còn kia là món xào xả ớt và hấp. Hội làng ở đây vui lắm, còn vui hơn cả Tết cơ, Tết có thể con cháu đi làm ăn xa chưa kịp về nhưng hội làng phải tập trung đầy đủ trai, gái, dâu, rể.

Anh bạn tôi bắt đầu cầm điện thoại liên tục gọi cho người thân vừa gặp gỡ trên đường ra đình. Loáng một cái, mọi người kéo đến trò chuyện rôm rả. Rồi khi rượu đã ngà ngà, dăm ba câu quan họ, một vài làn điệu chèo cũng được mọi người hát lên từ đáy lòng với tiếng xênh tiếng phách là đũa và bát, thật ấm áp vô cùng.

Bạn tôi trầm tư kể, ngày trước làng An Thượng này nghèo lắm, làng thuần nông không có nghề phụ gì. Ra Giêng làng bên mở hội, mình vẫn nhớ như in cái cảm giác mọi người náo nức đi xem, tiếng trống hội tưng bừng thúc giục, thế mà thanh niên mười tám, đôi mươi làng này này vẫn phải ra đồng. Nói thật, cảm giác lồng ngực thì nóng ran, rạo rực còn chân tay thì cứ đờ ra chẳng muốn làm gì, ai cũng muốn đi xem hội, ai cũng muốn được chơi xuân. Bà cụ cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Cụ bảo đã có tiếng reo hò rồi đấy các con ra mà xem kiệu bay.

Đường làng buổi tối rực rỡ đèn hoa, hỏi ra mới biết các gia đình tự nguyện bảo nhau mua đèn lồng Việt Nam rồi kết lại, nhà nào phụ trách đoạn đường ấy. Một cụ ông, mặc áo the, khăn xếp đứng cạnh tôi kể rằng có những cuộc vận động đóng góp có cả triện của Ủy ban hẳn hoi, ấy thế mà rất nhiều nhà không hưởng ứng, nhưng để quyên góp chuẩn bị hội đình thì mọi nhà đều tham gia.

Mấy chục thanh niên cả nam lẫn nữ được lựa chọn làm kiệu giai kiệu, gái kiệu đều khỏe mạnh, khôi ngô, xinh đẹp, cứ nhìn họ tự nguyện tham gia và dâng hiến cho hội làng mới thấy con người khi có niềm tin thì sẽ vượt qua tất cả. Mỗi kiệu 8 người rước và 8 người sẵn sàng lao vào thay thế khi bạn mệt. Kiệu bay có nghĩa là kiệu chạy 1 vòng xoay tít, vòng lên, lộn xuống, ngả bên này nghiêng bên kia. Thế mà cả trai, cả gái dù mệt lả, mồ hôi toát ra đầm đìa, bị xô bên này, bị đẩy sang bên khác, quần áo xô lệch nhưng tay vẫn giữ chặt kiệu như giữ gìn một báu vật, như giữ gìn thể xác của chính mình. Các kiệu rước cứ chạy đi, chạy lại nhiều vòng, trong tiếng trống tiếng phách, trong sự cổ vũ của mọi người.

Chứng kiến hình ảnh này, sống mũi tôi cay xè, đây không còn đơn thuần là cái kiệu, đây là niềm tin, sức mạnh, đây là tình yêu quê hương, đất nước mà họ gửi trao và cống hiến. Khi con người đã tự nguyện thì hồn cốt văn hóa tốt đẹp đó được nhân lên gấp bội, nó sẵn sàng nhấn chìm bất cứ cuộc xâm lăng, dù là bằng vũ khí hay văn hóa. Trải bao thăng trầm, văn hóa làng xã không hề bị lay chuyển. Dân tộc Việt Nam vẫn bảo tồn và duy trì tiếng nói và bản sắc đến tận hôm nay.

Hội làng truyền thống đích thực là dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi và thực hiện lễ nghĩa với nhau, để con cháu hướng về cội nguồn, để cho mọi người thể hiện cái tôi và được tham gia cống hiến vào công việc làng xã. Hội làng giữ nguyên giá trị truyền thống là một không gian văn hóa, một diễn đàn giáo dục đậm đà bản sắc, trực quan và dễ cảm thụ nhất. Thật đúng như các cụ đúc kết rằng nếu còn làng là còn nước.

Kiệu rước càng tiến gần tới khu vực đình làng An Hạ, tôi càng nghe rõ điệu hát văn "Nhớ quê" của tác giả Dân Huyền do NSND Thanh Hoài thể hiện, trong đó có câu: "Tình quê đẹp lắm ai ơi/Mãi còn lưu dấu quãng đời xa xăm/Hỏi người có nhớ quê chăng/Còn quê thì vẫn hằng mong người về". 

Chẳng có tuyên truyền quảng bá, những hội làng thuần chất văn hóa Bắc Bộ như thế này vẫn tồn tại, lôi cuốn và chinh phục. Khác hẳn với những lê hội được mông má, lai căng, nhạt nhẽo và mang đậm màu sắc thương mại.
                                                                        Theo : vov.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.464.886
Tổng truy cập: