VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Làng nghề Việt trong không gian văn hóa ASEAN
(Ngày đăng: 23/11/2014   Lượt xem: 386)
Trong khuôn khổ những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” với chủ đề “Đoàn kết – Hợp tác – Phát triển” diễn ra từ ngày 21 đến 23-11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, có sự hiện diện của nhiều  làng nghề truyền thống đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.  

Nói đến giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam không thể không nhắc đến các làng nghề truyền thống. Nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc sinh sống trải dài theo các vùng miền của Tổ quốc, mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Tranh thêu tay truyền thống làng Quất Động, Hà Nội.

Trong khuôn khổ sự kiện những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, đan xen giữa các chương trình nghệ thuật là các không gian trưng bày, triển lãm, giới thiệu Du lịch, thể thao, ẩm thực, di sản văn hóa truyền thống của các nước ASEAN, không gian làng nghề truyền thống Việt với nhiều sắc màu phong phú đã thu hút rất nhiều khách tham quan, là cơ hội để du khách hiểu rõ hơn những nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền trên dải đất hình chữ S.

Nghề dệt truyền thống thông qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã dệt nên những sản phẩm không chỉ phục vụ cho đời sống gia đình mà còn góp phần tạo ra nét đặc sắc của cho mỗi dân tộc, có sức hút đối với khách du lịch quốc tế.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên.

Chị Phùng Thị Duyên, người dân tộc Pà Thẻn cho biết, từ nhỏ chị đã được mẹ truyền dạy cho nghề dệt. Nghề này cần sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì. Để có một sản phẩm đạt đến độ tinh xảo thì người thợ phải thể hiện sự sáng tạo trong từng sản phẩm, biết kết hợp màu sắc và hoa văn khéo léo.”

Chị Phùng Thị Duyên, dân tộc Pà Thẻn tỉ mỉ với tác phẩm của mình.

Nghề nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam. Nghệ nhân Đặng Văn Khương đến từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã mang đến những ngày “Đại đoàn kết ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” các hình tò he ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những sản phẩm này không chỉ thu hút sự chú ý của các em nhỏ mà còn níu chân nhiều du khách nước ngoài.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nặn tò he, cũng như những đứa trẻ khác trong làng nghề 300 năm tuổi, người đàn ông này đã sớm quen với những món đồ chơi là những quân tò he từ khi còn nhỏ. Ông Khương cho biết: Nguyên liệu nặn tò he là bột nếp, bột đao và gạo tẻ. Từ những nguyên liệu có sẵn của quê hương, người thợ làng Xuân La tạo ra cả một thế giới đầy mầu sắc, với đủ loại hình con giống khác nhau. Trước đây, những người thợ nặn tò he thường là những cụ già tóc bạc, thì nay, không ít bạn trẻ đam mê, gắn bó với nghề này. Những hình tò he thật sinh động, ngộ nghĩnh đã trở thành món quà độc đáo, là biểu tượng của nét đẹp văn hóa Việt Nam gửi tặng bạn bè đến từ các nước ASEAN.

Nghệ nhân Đặng Văn Khương tiếp nối nghề nặn tò he truyền thống của gia đình từ bé.
Bàn tay khéo léo.
Những quân tò he sinh động, rực rỡ sắc màu rất thu hút các em nhỏ.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống có tiếng. Các nghệ nhân trong làng kể rằng, nghề mây tre đan của làng đã có từ 400 năm trước với tên gọi là Phú Hoa Trang. Theo thời gian, nghề dần lan rộng đến từng thôn, xã. Với truyền thống lâu đời, ở Phú Vinh nhà nào cũng có người làm mây tre đan, mỗi người dân trong làng đủ mọi lứa tuổi đều tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề. Nguyên liệu chính tạo ra sản phẩm là cây song, cây mây.

Dân làng nghề thường sử dụng phương pháp thủ công để sấy mây tre trong lò kín, phương pháp này giúp loại bỏ lượng đường trong nguyên liệu, sản phẩm không bị mối mọt mà lại có độ bền chắc. Với cách tạo màu tự nhiên, không hóa chất đã giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.

Mây tre đan Phú Vinh.

Nằm ven sông Nhuệ, làng Lụa Vạn Phúc, Hà Đông nổi tiếng với tuổi nghề hơn 1.000 năm,  với các sản phẩm dệt cổ truyền như: The, sa, lụa, … chất liệu mượt mà, hoa văn, mẫu mã phong phú, toát lên vẻ sang trọng cho người mặc. Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Những sản phẩm lụa truyền thống giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lần này đã được nhiều du khách quốc tế yêu thích.

Gian hàng lụa Vạn Phúc.

 

Thư pháp cổ cũng được giới thiệu trong khuôn khổ sự kiện lần này. Thư pháp mang vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống. Từ các chất liệu truyền thống là mực tàu, giấy dó, thông qua nét bút điêu luyện, các ông đồ  đã thổi hồn vào những câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ, những câu thơ. Đến với nghệ thuật thư pháp chính là đến với thế giới của cái đẹp, người xem như trút bỏ những ưu tư thường nhật, lắng đọng những cảm xúc trước những chữ “Nhẫn”, "Tâm”, "Đức”, "Thiện”...

Thư pháp cổ.

Ngày nay, ngoài những chất liệu và dụng cụ thư pháp truyền thống, các nhà thư pháp đã dần quan tâm, tìm tòi hình thức thể hiện mới như vẽ trên nền chất liệu gỗ, đá, mành tre...

Trong quá trình giao lưu hội nhập, quảng bá những sản phẩm của các làng nghề truyền thống tại các hoạt động mang tính quốc tế sẽ là con đường ngắn nhất để tạo dấu ấn với người nước người về truyền thống văn hóa Việt.

                                                                    Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.465.551
Tổng truy cập: