VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Ký sự làng nghề - Sống động bức tranh văn hóa dân tộc Cao Lan
(Ngày đăng: 03/07/2012   Lượt xem: 1495)

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân tới bản Khe Nghè, xã Lục Sơn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, chính là một sức sống mạnh mẽ đang trỗi dậy ở thung lũng bốn bề là núi rừng. Sức sống ấy đâu chỉ bởi bạt ngàn màu xanh tươi mới, mà nó còn là sự chuyển mình đổi thay của đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.

Bản Khe Nghè trải dài trong một thung lũng gần chục kilomet với 65 hộ dân và gần 300 nhân khẩu, là người dân tộc Cao Lan cùng sinh sống. Trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây còn chưa nhạt nhòa những ngày tháng vô cùng khó khăn, thiếu đói, đứt bữa là chuyện của những ngày chưa xa, bởi đất canh tác ít, chỉ có trên 50 ha trong tổng số 820 ha đất tự nhiên. Thế nhưng giờ đây, Khe Nghè đang thay da đổi thịt mỗi ngày. Thu nhập bình quân của dân bản đã tăng lên, 100% các em nhỏ của bản được cắp sách tới trường. Đặc biệt có lẽ chưa bao giờ nét văn hóa dân tộc bản địa lại được nhân dân ý thức gìn giữ, phát triển như hôm nay.

Có lẽ lâu lắm rồi tiếng khung cửi dệt vải mới lại được vang lên trong mỗi nóc nhà của bản Khe Nghè. Chị Tống Thị Lâm - Chủ nhiệm câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của bản, không thể nghĩ rằng, sẽ có lúc nào đó chị không ngồi bên chiếc khung cửi để nối lại cái nghề mà mẹ chị gắn bó cả cuộc đời này. Niềm tự hào với nét văn hóa truyền thống cùng gắn với ý thức giữ gìn và phát huy, hơn bao giờ hết được chị cảm nhận thật rõ ràng. Chính vì thế không chỉ giữ nghề mà chị còn truyền lại cho con gái, con dâu của mình, để đứa con gái khi lấy chồng về miền xuôi vẫn mang theo cái nghề truyền thống của bà của mẹ truyền lại. Chị còn quyết tâm “bây giờ dù có khó khăn thế nào thì cũng không thể bỏ nghề dệt nữa”.

111111111.jpg

Bản Khe Nghè hôm nay lại vang lên tiếng khung cửu của các bà các chị

Ngày nay, trong bản Khe Nghè vẫn còn lại gần 30 cụ già giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, như cụ Trạc Thị Ngọn (74 tuổi), Trạc Thị Phúc (77 tuổi ), Tô Thị Thọ (71 tuổi), Đàm Thị Lan (65 tuổi)… Họ chính là những nghệ nhân nhiệt tình đang cố gắng truyền dạy nghề cho những thế hệ sau trong bản. Từ năm 2006, với những chính sách hỗ trợ của nhà nước, nghề dệt thổ cẩm Khe Nghè đang được sống lại sau hơn hai mươi năm bị mai một, thất truyền. Câu lạc bộ dệt thổ cẩm được thành lập đã thu hút đông đảo các chị em phụ nữ tham gia. Không chỉ có người già, phụ nữ mà còn có cả những trẻ em gái cũng tập se sợi, cầm kim tái hiện lại những mẫu hoa văn xưa. Nghề dệt thổ cẩm tuy chưa thể làm giàu nhưng giúp chị em có thu nhập những lúc nông nhàn, giúp con cháu giữ được màu chàm truyền thống của dân tộc, để chúng biết nâng niu trân trọng những giá trị tinh thần mà cha ông đã để lại.

222222.jpg

Những khung dệt được dựng tập trung ngay giữa trung tâm bản

Hòa với tiếng khung cửi vang khắp bản làng là những làn điệu dân ca Cao Lan ngọt ngào, trữ tình cũng được sống lại trong đời sống tinh thần của người dân bản Khe Nghè. Tiếng hát ví, hát lượn lại vang lên trong những đêm sáng trăng, những buổi nông nhàn rủ nhau lên nương, lên rẫy và những khi được ngồi quây quần bên nhau. Bà Trạc Thị Ngọn năm nay đã ở cái tuổi “cổ lai hy”, song tiếng hát của bà vẫn trong trẻo lắm. Bao nhiêu năm nay bà vẫn không thể nào quên được những câu hát giao duyên, câu ví, câu lượn đã ngấm vào máu thịt của bà, đã cho bà thêm sức sống đến ngày hôm nay:

Thin sẩng sắt shênh cọ cọ pẹc

Táy hổi sanh nhằn cọ cọ quai

Shội chao lậc cốc nình hành liu

Mới tắc cọ nhằn púi tơi quai”.

(Muôn vàn ngôi sao sáng trên trời

Trái đất mọi người cũng xinh tươi

Bốn biển chân trời em đi hết

Mới thấy được anh đẹp nhất đời).

Giờ đây mỗi khi được hát lên những lời ca quen thuộc ấy, bà Ngọn lại được trở về với một thời con gái miền đồi rẻo cao, đó là một vùng trời kỷ niệm không bao giờ mờ phai, nuôi dưỡng tinh thần sống của bà và biết bao thế hệ người Cao Lan nơi này. Lớp những người cao tuổi còn giữ và hát được nhiều bài dân ca Cao Lan như bà Ngọn lại truyền cho những người trẻ tuổi. Cứ như thế, dân ca Cao Lan được người dân bản Khe Nghè truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dòng chảy chưa bao giờ đứt quãng.

Có thể nói những năm gần đây nét văn hóa dân tộc Cao Lan tại bản Khe Nghè xã Lục Sơn huyện Lục Nam đã và đang được bảo tồn và phát huy tích cực, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nơi đây. Tiếp cận với văn hóa hiện đại song vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình. Đó là bức tranh đẹp đẽ và sôi động ở bản Khe Nghè.

Vu Hạ

          

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.465.864
Tổng truy cập: