VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Làng kính... hại mắt
(Ngày đăng: 22/09/2014   Lượt xem: 463)

Làng Lịch Động (xã Đông Các, H.Đông Hưng, Thái Bình), nhiều năm nay được giới buôn kính xem là trạm trung chuyển kính dởm lớn nhất miền Bắc. Đủ loại kính được sản xuất nơi đây, sau đó bán ra các tỉnh miền Bắc với giá rẻ “không thể tưởng tượng”.


Cửa hàng kính mắt san sát tại Lịch Động

Kính lão giá... 2.000 đồng !

Vừa đặt chân tới Lịch Động, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà trưng biển hiệu kính mắt san sát nhau, bên trong cửa hàng là những kho chứa chất đầy kính mắt đủ loại. Tại cơ sở lắp ráp kính mắt M.Đ ở gần khu chợ Lịch Động, trên nền đất hàng ngàn hộp mắt kính đủ các loại kính râm, kính lão, kính cận xếp la liệt choán hết cả lối đi. Trong kho, hàng trăm kiện hàng đựng các phụ kiện gọng, mắt kính vẫn còn nguyên tem mác Trung Quốc xếp chồng chất lên nhau. Khu vực gia công kính mắt nằm kế bên lúc nào cũng có 2 - 3 người làm việc.

Các công đoạn gia công kính mắt thời trang giá rẻ vô cùng đơn giản. Đầu tiên, một nhân viên cắt phôi để tạo hình mắt kính, sau đó chuyển qua nhân viên dùng máy mài nhẵn đường viền. Thao tác cuối cùng là lắp mắt kính vào gọng rồi bỏ vào bao bì ni lông. Bình quân hơn 1 phút, một chiếc kính râm đã được hoàn thành từ dây chuyền này.


Khu vực gia công lắp ráp kính râm giá rẻ từ gọng, mắt kính nhập từ Trung Quốc

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi ngày, cơ sở M.Đ sản xuất hàng trăm kính các loại, chủ yếu bán buôn cho các mối quen ở khắp các tỉnh miền Bắc. Ông chủ tên Đ. cho biết phụ kiện để lắp ráp kính mắt chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. “Hàng rẻ 2.000 đồng/cặp mắt kính; gọng 3.000 - 4.000 đồng/chiếc, còn hàng đắt thì 20.000 - 30.000 đồng/cặp mắt kính; gọng 10.000 - 15.000 đồng/chiếc”, ông Đ. cho hay.

 

“Muốn bao nhiêu, loại nào cũng có”

Được sự giới thiệu của “người trong ngành”, chúng tôi tiếp cận được với T., đầu nậu có ngót nghét chục năm buôn kính ở Lạng Sơn, chuyên nhập hàng từ Trung Quốc và bán lại cho dân buôn kính ở Lịch Động. Theo lời quảng cáo, T. có xưởng chuyên sản xuất và lắp ráp kính mắt ở Lũng Vài (Bằng Tường, Quảng Châu) - nơi được coi là “thủ phủ” sản xuất gọng, mắt kính quy mô lớn ở Trung Quốc. Mặc dù người gốc Trung Quốc nhưng T. nói tiếng Việt rất sõi. “Tìm tới đây là rẻ nhất rồi, không có cửa nào rẻ hơn đâu. Muốn bao nhiêu cũng có, kính mắt loại nào cũng có, cứ qua cửa khẩu anh giao hàng”, T. nhiệt tình mời. Anh ta tự giới thiệu, so với giá bán buôn từ các chủ kính ở Lịch Động, mức giá của T. rẻ hơn từ vài nghìn tới vài chục nghìn mỗi chiếc. Thậm chí, theo lời T., anh ta còn bán gọng, mắt kính theo cân ký. Tuy nhiên, đây là hàng bị lỗi, tay nghề phải thành thạo thì mới gia công được kính hoàn thiện.


Ngoài kính thời trang, các lò ráp kính ở Lịch Động còn làm cả kính cận, kính lão, kính mắt trẻ em. Thế nhưng, quá trình tìm hiểu tại đây chúng tôi không hề thấy thiết bị đo đạc chuyên dụng nào; trên mắt kính tuyệt nhiên không có thông số về chất lượng sản phẩm hay bảo hành...

Tại Lịch Động, ngoài những cơ sở lắp ráp, nhiều người còn nhập kính mắt nguyên chiếc rồi vận chuyển đi khắp các tỉnh thành trong cả nước tiêu thụ.  Giá một chiếc kính mát rẻ tiền bán cho người đi đường ở mức 50.000 - 70.000 đồng thì nơi này nhập về nguyên chiếc chỉ 10.000 - 12.000 đồng/chiếc; nếu nhập mắt, gọng kính rời về lắp ráp, tính cả gia công còn rẻ hơn: 5.000 - 7.000 đồng/chiếc. Cá biệt, cơ sở của ông Đ. bán buôn loại kính lão chỉ... 2.000 đồng/chiếc.

“Tìm đến cửa hàng của chị là đúng nhất rồi, kính mắt giá rẻ loại nào cũng có", bà chủ cửa hàng N. miệng quảng cáo, tay lấy các loại kính cho khách xem và báo giá: kính râm đen rẻ nhất 5.000 - 7.000 đồng/chiếc, kính trẻ em 8.000 đồng/chiếc... Thấy khách chưa ưng ý, bà này lôi ra một xấp kính giả, nhái theo hàng hiệu, từ Rayban, Wansha, Gucci, đến Chanel..., tất cả đều đồng giá 50.000 - 60.000 đồng/chiếc.

“Xã ủng hộ, mình vào làm không thuận”

 Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Đông Các, thừa nhận trên địa bàn có nhiều hộ kinh doanh kính mắt. Tuy nhiên về số lượng, nguồn gốc xuất xứ thì ông Quảng trả lời “không biết được” với lý do “địa phương không quản lý và không có chức năng quản lý ngành đó”.

Theo ông Quảng, mỗi đợt kiểm tra lực lượng quản lý thị trường (QLTT) không liên hệ với xã nên không biết được việc có phát hiện hàng không nguồn gốc, xuất xứ hay không (!?).

Trong khi đó, ông Phí Nhật Tỏ, Đội trưởng Đội QLTT H.Đông Hưng thông tin trên địa bàn có 12 cơ sở kinh doanh lớn, còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thể tính hết. Về nguồn gốc kính mắt, ông Tỏ nói: “Không biết nhập ở đâu vì phần lớn hàng kính nhập về là hàng không có nhãn mác”.


Ông Đ. đang gia công kính tại cơ sở ở Lịch Động

“Những lần kiểm tra hóa đơn đầu vào cho thấy chủ yếu hàng kính được nhập qua tiểu ngạch. Trước đây tại Lịch Động, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện tiêu hủy số lượng lớn kính mắt không nguồn gốc hóa  đơn chứng từ”, ông Tỏ nói và “phân bua”: “Có lần công an kinh tế và QLTT cùng vào phát hiện hàng dỏm nhưng khó xử lý, phức tạp lắm. Nghề buôn kính giải quyết việc làm cho lao động địa phương nên xã ủng hộ để phát triển, mình vào làm không thuận”.

Cũng theo ông Tỏ, từ đầu năm 2014 tới nay Đội QLTT H.Đông Hưng chưa phát hiện xử phạt vụ nào liên quan tới kính mắt dỏm vì... chưa kiểm tra lần nào.

                                                                                         Theo : thanhnien.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.464.606
Tổng truy cập: