VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nghệ nhân làm sư tử đá "sống dở chết dở"
(Ngày đăng: 17/09/2014   Lượt xem: 341)
Không chỉ làng đá mỹ nghệ Non Nước ở Đà Nẵng ế ẩm, làng nghề đá Ninh Vân (H. Hoa Lư, Ninh Bình)  to nhất phía Bắc cũng đang sống dở chết dở.
Cơ sở anh Phạm Minh Tú vẫn phải tiếp tục gia công sư tử đá đã được đặt hàng mà không chắc chắn khách hàng có đến lấy không

Những linh vật từng là “vị cứu tinh” một thời nay nằm chỏng chơ trong xó. Còn nghệ nhân chế tác ra chúng thì buồn thê thảm, lo sợ mất lối làm ăn. Một không khí ảm đạm bao trùm lấy làng đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Chẳng còn cảnh mua bán, vận chuyển linh vật tấp nập như xưa. Tiếng đục chạm khắc khoải, tiếng thở dài ngao ngán, vẻ thất thần hiện lên từ gương mặt chủ xưởng đến thợ chế tác, thợ đánh bóng.

Thiệt hại tiền tỉ

Ông Đỗ Khắc Cường - phó chủ tịch xã Ninh Vân - cho biết xã Ninh Vân có khoảng 1.600 hộ chế tác đá, hình thành hơn 50 doanh nghiệp, 500 tổ hợp sản xuất đá mỹ nghệ với hơn 2.000 thợ chuyên, khoảng 1.000 thợ bán chuyên và 1.000 thợ từ các vùng khác về Ninh Vân làm đá.

Nhờ nghề làm đá đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập tương đối, bình quân lao động phổ thông 200.000 đồng/ngày, cũng có khi 500.000 đồng/ngày.

“Từ khi cập nhật thông tin từ Bộ VH-TT&DL, nguồn cầu không có nên ảnh hưởng ít nhiều đến làng nghề”.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu làng nghề rộng 11ha, ông Nguyễn Quang Diệu - trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - cho hay kể từ khi Bộ VH-TT&DL khuyến cáo các cơ quan chức năng không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đặc biệt là sư tử đá, tỳ hưu Trung Quốc, số thợ chế tác trong làng giảm đi đáng kể.

Trước đây cả làng có khoảng 3.600 công nhân làm đá nay giảm gần 20%, chủ yếu là giảm thợ phụ. Trong đó gần 100 xưởng chuyên chế tác sư tử đá ngoại đang ế ẩm, không có người mua. Ước tính thiệt hại lên đến tiền tỉ.

Ông Quang Diệu cũng cho hay khách hàng đến mua sư tử đá, nghê, tỳ hưu tại làng nghề Ninh Vân chủ yếu là người giàu ở Hà Nội, giới quan chức khắp nơi.

Gần một tháng nay, anh Phạm Minh Tú - chủ một cơ sở sản xuất linh vật làng Xuân Vũ - mất ăn mất ngủ, người gầy rộc đi vì “khủng hoảng kinh tế”.

Vào nghề chưa đến năm năm nhưng chế tạo linh vật đã mang lại cho gia đình anh Tú cuộc sống sung túc, thu nhập mỗi tháng cũng ngót nghét chục triệu đồng.

Trung bình một năm xưởng anh Tú làm ra 50-60 cặp linh vật, phân phối đi khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu sang cả châu Âu. Linh vật chế tác chủ yếu là sư tử đá, tỳ hưu, nghê lai Trung Quốc. Thế nhưng, giờ đây đời sống gia đình anh Tú chao đảo. Nhiều đơn đặt hàng sư tử đá gần hai tháng nay mặc dù đã xong nhưng chờ mãi không thấy người đến lấy.

Theo anh Tú, nếu như trước đây xưởng làm không hết việc, phải liên tục tuyển thợ phụ gia tăng sản xuất thì gần một tháng nay gần như ngưng trệ, không có việc làm. Hết đơn đặt hàng, linh vật ế ẩm, thu nhập về con số không, để tự giải thoát cho mình, anh Tú phải cho thợ phụ nghỉ nhằm giảm tối đa tiền công.

Còn thợ chính vẫn làm với hi vọng mong manh có người đến lấy. Vốn mua đá chế tác gần 100 triệu đồng đi vay nay chưa bán được cặp nào khiến anh Tú đang ngày đêm oằn lưng gánh lãi.

Chủ xưởng chế tác Định Phương, anh Trương Công Định cũng bần thần với thông tin từ Bộ VH-TT&DL truyền đi. Hôm qua, gia đình anh vừa đánh một xe hàng chở sư tử đá giao cho khách ở Nam Định đặt cách đây một tháng nhưng phải mang về vì họ từ chối không mua.

Anh Định nói trong tuyệt vọng: “Giờ linh vật cứ nằm đấy mà tiền vốn 200 triệu đồng coi như mất trắng, không bán được lấy đâu ra tiền để trả nợ đây...”.

Trông mong dân yêu linh vật Việt

Nhiều cơ sở đá mỹ nghệ làng nghề Ninh Vân chuyên chế tác linh vật ngoại đang loay hoay tìm hướng đi mới.

Ông Nguyễn Quang Diệu thông báo tin vui rằng hôm giỗ tổ nghề (16-8 âm lịch), làng nhận được một vài mẫu linh vật Việt do nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế vẽ lại. “Đây là dấu hiệu đáng mừng, mở ra một hướng đi mới cho những người làm nghề đá Ninh Vân chúng tôi trước nguy cơ phá sản” - ông Diệu phấn khởi.

Thế nhưng, theo anh Trần Công Định, khó làm mẫu linh vật được cho là thuần Việt. Những hình ảnh được cung cấp chỉ phản ánh được một chiều của linh vật, về hoa văn, tỉ lệ, họa tiết, bố cục, kích thước không có chi tiết cụ thể dẫn đến rất khó để làm một mẫu theo đúng chuẩn mực.

Anh Định cho biết: “Thời gian này xưởng tạm nghỉ sản xuất. Vài ngày tới tôi sẽ đi tìm các tài liệu cổ để có một bản chi tiết, chính xác nhất về kích thước, chi tiết họa tiết. Làm linh vật nói chung có thể chế hoa văn, họa tiết nhưng linh vật cổ Việt yêu cầu phải đúng với nguyên bản, chính xác đến từng chi tiết mới có hi vọng nhiều người ưa chuộng và đặt mua”.

Anh Định e ngại sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới bởi thợ phải mất một thời gian dài vừa học vừa làm.

Còn đối với anh Tú, không chỉ riêng mẫu linh vật Việt khó gia công mà chính tâm lý dè dặt, chưa thật sự yêu chuộng linh vật Việt của công chúng. “Tôi đang hướng sang làm nghê, voi, sư tử đá Việt nhưng cần phải có thời gian. Hiện tại, xưởng đang gia công một cặp sư tử Việt để quảng cáo, có thể khẳng định tiêu chuẩn 90% giống nguyên bản. Hi vọng đến đầu năm sau sẽ có nhiều doanh nghiệp, đình, chùa, người dân đặt mua để thợ làm linh vật đá chúng tôi tiếp tục được sống với nghề” - anh Tú hi vọng.

                                                                                         Theo : tuoitre.vn



Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.466.589
Tổng truy cập: