VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Về Mường Ảng, xem kho báu
(Ngày đăng: 29/08/2014   Lượt xem: 285)
Kho báu gồm nhiều đồ bạc, đồ vàng mới tìm thấy, đang lưu giữ tại Công an huyện Mường Ảng, được phát hiện do lở một bờ đất ta luy trong khu vực dân cư. Những đồ vật này thuộc thời nào và quý đến mức nào là câu hỏi mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đặt ra với chúng tôi.
Các hoa tai mạ vàng.
Vượt bao con đèo quanh co lưng chừng núi một màu xanh thẫm, chúng tôi đến Mường Ảng, vùng đất cách biên giới Việt - Lào chừng hơn 20km. Theo các cán bộ văn hóa tỉnh Điện Biên, ở Mường Ảng, cơ quan chức năng vừa thu được một kho báu nhiều đồ vàng bạc có giá trị, cần giám định để đưa về Bảo tàng tỉnh, nếu đó là đồ cổ mang ý nghĩa di sản.

Theo người dân xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng, do đất lở bờ ta luy ở khu vực dân cư, một cụm đồ vàng và bạc đã lộ ra ở vách. Ngay lập tức, việc này đã được báo cho xã và huyện. Nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí Công an và Phòng Văn hóa huyện Mường Ảng, chúng tôi đã được xem nhóm đồ này.

Quả đây là một bộ sưu tập đồ cổ hiếm gặp, gồm có nhiều đồ bạc, đồ kim loại màu vàng (có thể là mạ vàng), đồ đồng.
Trước tiên là nhóm hoa tai màu vàng, có tất cả 28 chiếc, hình trụ rỗng. Một đầu to, một đầu nhỏ và thân hơi loe. Các tài liệu so sánh dân tộc học cho thấy, đây là những hoa tai xuyên qua lỗ ở phần dái tai, có thể là hoa tai mạ vàng, vì chôn lâu trong lòng đất vẫn không mất màu và cũng không bị gỉ xanh như đồng. Chỉ cần thấy số lượng hoa tai lớn như vậy, cũng có thể đoán định sự giàu có của chủ nhân các đồ vật này.

Đồ bằng bạc chiếm đa số. Có 2 chiếc ấm đồng bằng bạc, đầy đủ nắp và vòi. Hoa văn chạm khắc hình cánh sen, hình chim bay, hoa lá khắp thân ấm. Vòi ấm được cách điệu hình cổ chim. Có một chiếc âu bằng bạc, kích thước lớn, được chạm khắc tinh xảo các hoa văn cánh sen, hoa lá, ô trám. Ngoài ra, còn có một số đồ bạc nữa như bát, chén. Có chiếc bát được chạm khắc hình rồng 3 móng và cả chữ Hán "Trường Sinh". Bên cạnh đồ sinh hoạt, trong sưu tập còn có 3 chiếc vòng bạc có xoắn thành nhiều vòng nhỏ quấn ở một đầu, quen thuộc với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Có một chiếc vòng cổ bằng bạc trang trí những đường khía chìm vòng quanh thân.

Đồ đồng ở đây cũng là đồ trang sức. Vòng đeo tay có tới 16 chiếc có mặt cắt ngang hình tròn.

Một bộ đồ sinh hoạt và trang sức bằng những chất liệu quý lại được tìm thấy trong lòng đất, cùng một cụm với nhau, cho thấy, khả năng đây là nơi chôn giấu của cải. Rất ít khả năng đây là đồ tùy táng chôn theo người chết, vì không có dấu tích của xương cốt cũng như quan tài, biên mộ…

Chủ nhân của bộ đồ quý này ắt hẳn phải cực giàu có, đứng vào hàng thủ lĩnh của cộng đồng. Vì sao lại có sự chôn cất kho báu này? Cũng khó đoán định. Nhưng một điều có thể đoán chắc rằng, sau khi chôn, chủ nhân hy vọng sẽ có ngày trở về đào bới, tìm lại kho báu quý giá này. Tuy nhiên, vì một hoàn cảnh nào đó, chiến tranh, chết đột tử mà không kịp trăng trối hoặc dặn dò con cái... Dẫu sao, người sở hữu kho báu cũng được an ủi phần nào, bởi kho báu không vĩnh viễn nằm trong lòng đất mà đã có dịp được phục vụ cộng đồng với tư cách là một di sản.

Ấm bạc trang trí hình hoa văn cánh sen, hình chim bay.
Chiếc âu bằng bạc trang trí hình cánh sen.
Có thể đoán được niên đại của bộ sưu tập đồ cổ quý báu này, dựa vào hoa văn so sánh với các sưu tập khác. Đó là loại hoa văn lá sen kép. Lại có thể so sánh hoa văn hình rồng khắc trên một chiếc bát bằng bạc nữa. Bước đầu có thể đoán định được rằng, có thể niên đại của nhóm cổ vật này vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, tức là cách đây vài trăm năm.

Qua đồ vật của kho báu này, cũng có thể suy đoán, đây là các đồ dùng và đồ trang sức của một số dân tộc ít người vùng Tây Bắc nước ta. Họ rất thích đeo đồ trang sức bằng bạc. Tuy nhiên, để có thể kết luận chính xác kho báu thuộc tộc người nào, lại là vấn đề không dễ dàng, cần nhiều tư liệu so sánh hơn nữa.

Dẫu sao, bộ sưu tập này cũng đã là một di sản độc đáo của các dân tộc ở miền biên giới nước ta. Qua đó, chúng ta biết một thời người dân tộc thiểu số vùng này đã thích trang sức ra sao, cái ước vọng của họ được thông qua hai chữ "Trường Sinh" (sống lâu) thật đơn giản.

Một điểm đáng chú ý nữa là sự trang trí rất nhiều mô típ hoa văn cánh sen, vốn biểu tượng của hoa văn Phật giáo trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, đã chứng tỏ người chủ của những đồ này mộ đạo Phật, hay ít ra người chế tạo ra nó cũng là người rất thích trang trí hoa văn dạng Phật giáo.

Bộ sưu tập nói trên khá hiếm trong địa bàn Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Thường thì chúng ta chỉ gặp một số vòng tay, ấm bạc, vòng cổ ở trong một số ít đồ gia truyền của các dân tộc hay đây đó, người dân vẫn đang sử dụng lưu truyền từ xưa để lại. Nhưng đây là một kho báu thực sự, cùng một niên đại chôn giấu, nói lên cùng một sở thích tộc người.

Mường Ảng, nơi đào được bộ sưu tập đồ quý này, đang là nơi mà bà con dân tộc Thái cư trú chủ yếu (hiện nay, người Thái chiếm đến hơn 70% dân số toàn huyện). Những hiện vật quý này cũng có thể của một thủ lĩnh địa phương người Thái nào đó chăng? Cần biết rằng, vùng núi Mường Ảng đã có người Thái cư trú từ rất lâu đời, trước thời điểm mà các cổ vật trên được chế tác.

Rất mong, bộ sưu tập kho báu quý giá về mặt lịch sử tộc người này sẽ nhanh chóng được mang về Bảo tàng Điện Biên, để mọi người tham quan về các đồ dùng và trang sức thời xưa, cũng như nghệ thuật trang trí hoa văn tinh xảo trên đồ bạc, nâng thêm lòng tự hào của các dân tộc miền biên giới nước ta.
                                                                             Theo : bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.467.215
Tổng truy cập: