VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Ngắm Tây Nguyên những năm 1950, tiếc nuối cho hiện tại
(Ngày đăng: 18/07/2014   Lượt xem: 370)
Khi ngắm nhìn 34 bức ảnh mô tả sinh động đặc trưng văn hóa của dân tộc Tây Nguyên những năm 1950 do nhiếp ảnh gia người Pháp Jean - Marie Duchange chụp, nhiều người không khỏi tiếc nuối cho một Tây Nguyên hôm nay đang đứng trước thách thức bảo tồn để những giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một.
 
Các cô gái Xơ Đăng với hình xăm bên miệng Ảnh: Jean - Marie Duchange
Các cô gái Xơ Đăng với hình xăm bên miệng.  Ảnh: Jean - Marie Duchange

Tây Nguyên những năm 1950: da ngăm đen, đóng khố, nhà rông 

34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông - mà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa đưa ra triển lãm vào chiều 10/7 chỉ là một phần của kho ảnh lên tới 200 bức về cuộc sống Tây Nguyên, do một người Pháp tên Jean - Marie Duchange chụp trong chuyến đi Tây Nguyên và gặp gỡ đồng bào dân tộc thiểu số tại đây từ tháng 6/1952 - 7/1955. Đại diện Bảo tàng cho biết, các hình ảnh vẫn còn chất lượng tốt do được ông Duchange và gia đình bảo quản cẩn thận.

Bộ ảnh được Jean - Marie Duchange chụp bằng máy Rolleiflex và Samflex (là các loại máy thuộc hàng tân tiến thời ấy - NV) với phim âm bản khổ 6 x 6. Lúc sinh thời, ông Jean - Marie Duchange từng bộc bạch, ông "không phải là nhà dân tộc học, cũng không phải nhiếp ảnh gia". Nhưng cảnh đẹp và con người của vùng đất Tây Nguyên đã khiến ông muốn cầm máy lên để ghi lại.
Tại triển lãm còn trưng bày chiếc máy ảnh tác giả đã dùng để chụp những bức ảnh về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 11/1/2015.

Đó là những hình ảnh của các tộc người bản địa với tập quán cư trú đặc trưng, những ngôi nhà sàn, nhà Rông, nhà Mồ với những bức tượng sống động. Đó là hình ảnh lễ đâm trâu, cảnh uống rượu cần, tấu cồng chiêng, những bức chân dung thiếu nữ trong trang phục dân tộc đặc sắc, đang làm đẹp, giã gạo, dệt thổ cẩm… Tất cả tái hiện một Tây Nguyên trong giai đoạn lịch sử thật sống động. 

Bộ ảnh cho người xem thấy được hình ảnh đặc trưng của các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ… trong trang phục hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX mà nay hầu như không còn tồn tại. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà Dài, nhà Rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà Mồ...) cũng được tác giả ghi lại một cách tỉ mỉ.

Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, nhiều thứ từng có trên vùng đất Cao nguyên miền Trung Việt Nam nay đã không còn. Trong hoài niệm ấy, những bức ảnh đơn sơ bỗng trở nên tuyệt vời và hấp dẫn trong mắt người xem.
 
Tây Nguyên ngày nay: da trắng, nhà bê tông, quên dần tiếng mẹ đẻ

Tiếc nuối những hình ảnh Tây Nguyên 50 năm về trước, ông Y Wái Byă - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực tế đời sống xã hội ở Tây Nguyên hiện nay đã có nhiều thay đổi. Những loại hình kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên như: nhà Rông, nhà Dài và nhà Mồ đang mất dần. Thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại, như nhà văn hóa cộng đồng bằng bê tông là một ví dụ.

Năm 2007, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 10.800 chiếc cồng chiêng. Tuy nhiên, đến năm 2010, chúng tôi kiểm tra lại chỉ còn trên 3.000 chiếc và đến năm 2012 chỉ còn 2.000 chiếc. Qua đó, có thể thấy được số lượng cồng chiêng đã bị suy giảm đáng kể.

“Những đêm hát kể sử thi, những nhạc cụ dân tộc và các hình thức hát dân ca, dân vũ… vẫn được duy trì nhưng thiếu linh hồn vì tâm lý và không gian diễn xướng bị thay đổi”, ông Y Wái Byă nói.

Ông cũng cho biết, về mặt trang phục, những năm 50 thì người Tây Nguyên mặc y như những tấm hình trên, nền kinh tế tự cung tự cấp, trồng bông dệt vải... đặc trưng màu đen và đỏ. Còn hiện nay, chỉ trừ khi có các lễ hội, có cuộc sinh hoạt chính trị xã hội yêu cầu người dân mặc quần áo truyền thống thì họ mới mặc, còn bình thường thì không.

Bây giờ phụ nữ Tây Nguyên da trắng, trang phục thay đổi. Hiện tượng quên dần tiếng mẹ đẻ đang diễn ra khá phổ biến, khiến mất đi tâm hồn và tính cách, xa rời những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người…”, ông Y Wái Byă nói thêm.

Bà Christine Ermer - Chuyên gia Bảo tàng Dân tộc học tại Pháp cho biết, cuộc sống, con người, không gian trong ảnh của Jean - Marie Duchange hiện không còn trong thực tế. Những nét văn hóa truyền thống, kiến trúc đã bị mai một đi nhiều. 

Nói về sự thay đổi của Tây Nguyên, chuyên gia dân tộc học người Pháp cho rằng, có những thay đổi do những nội tại của dân tộc đó nhưng cũng có những thay đổi do tác động bên ngoài. Tuy nhiên, để thay đổi giống người Kinh, giống văn hóa người Kinh thì thật tiếc.
                                                                                       Theo: giaothongvantai.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.467.005
Tổng truy cập: