Tin tức nổi bật
Ấm lòng “người giữ lửa” di sản
(Ngày đăng: 07/05/2013   Lượt xem: 1017)

Tỉnh Bắc Ninh vừa thông qua Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca Quan họ. Trong khi Bộ VHTT&DL mới kịp hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu nghệ nhân, và đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo này, thì những nỗ lực của Bắc Ninh đã làm ấm lòng nghệ nhân – những "người giữ lửa” cho di sản.



Cụ Ngô Thị Lịch, 86 tuổi (trái) và cụ Ngô Thị Nhi, 92 tuổi (phải)
là hai trong số 6 nghệ nhân dân ca Quan họ hiện còn sống
 ở làng Viêm Xá (Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh)

1. Tỉnh Bắc Ninh hiện chỉ còn 37 nghệ nhân dân ca Quan họ. Đây là những người đóng vai trò then chốt, đã và đang cống hiến trí tuệ, tài năng, tâm sức trong việc lưu giữ và truyền dạy những giá trị tinh hoa, độc đáo của di sản văn hóa Quan họ. Trong khi chờ được Nhà nước tôn vinh và ghi nhận ở cấp cao hơn thì ngày 9-4-2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định về việc phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh” (đợt 1) cho 41 liền anh, liền chị tiêu biểu, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng cho mỗi nghệ nhân. Sau 2 năm phong tặng, đến tháng 9-2012, UBND tỉnh phối hợp với Quỹ khuyến học Phạm Văn Trà tiếp tục tặng thưởng mỗi nghệ nhân 5 triệu đồng. 

Và mới đây tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca Quan họ. Việc làm này đã cho thấy nỗ lực của địa phương trong việc bảo vệ di sản dân ca Quan họ. Theo quy định, những nghệ nhân dân ca Quan họ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng đợt 1 sẽ được thụ hưởng đồng thời mức hỗ trợ hằng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu; được hỗ trợ mức phí tham gia BHYT hằng năm; được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức Nhà nước. Những nghệ nhân dân ca Quan họ sẽ tiếp tục được UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNUT) và được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không có chế độ đãi ngộ (mức trợ cấp hằng tháng, chế độ BHYT, chế độ mai táng phí…) thì nghệ nhân đó sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ của tỉnh với mức trợ cấp hằng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu chung cùng chế độ BHYT, chế độ mai táng phí. Đáng chú ý hơn, ngoài những nghệ nhân thuộc loại hình dân ca Quan họ, đối tượng điều chỉnh của Quy định này còn được tỉnh Bắc Ninh áp dụng với những nghệ nhân thuộc loại hình ca Trù trên địa bàn.

2. Bên cạnh loại hình Quan họ, thì hát Xoan cũng được tỉnh Phú Thọ rất quan tâm. Ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết: Với nghệ nhân, tỉnh Phú Thọ là tỉnh đầu tiên ban hành quy chế phong tặng nghệ nhân hát Xoan (từ năm 2010). Tỉnh đã xét đợt đầu có 34 nghệ nhân, trong đó Phú Thọ có 31 người, Vĩnh Phúc là 3 người. Vai trò của nghệ nhân được thể hiện trong chủ trương hát Xoan làng cổ. Tức là những nghệ nhân, diễn viên, hạt nhân phong trào hát Xoan ở những làng cổ thuộc hai xã Kim Đức và Phương Lâu vẫn hát tại không gian tại chính đình làng của họ với trang phục, điệu bộ, nhạc cụ đều theo lối cổ. Qua các nghệ nhân, công chúng sẽ hiểu tường tận loại hình văn hóa dân gian, một nghệ thuật có giá trị được tiềm ẩn từ thời Hùng Vương. Và thể hiện sự quan tâm thiết thực đối với những nghệ nhân khẳng định quan điểm về sự trân trọng, gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương Phú Thọ.

3. Trở lại với Dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu nghệ nhân của Bộ VHTT&DL. Có thể thấy, vấn đề này đã được bàn trong suốt nhiều năm qua mà vẫn chưa đi tới hồi kết. Tuy vậy, Nghị định này ra đời cũng là để đáp ứng sự mong mỏi của rất nhiều nghệ nhân. Chỉ tiếc là trong khi chờ đợi Nghị định quá nửa số nghệ nhân đã qua đời. Do vậy, yêu cầu sớm đưa Nghị định vào cuộc sống đặt ra ngày càng cần thiết.

Theo GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, tiêu chuẩn được xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT theo Nghị định có tới 8 tiêu chí. Chương III của Nghị định cũng nêu Hội đồng xét tặng danh hiệu gồm 3 cấp: tỉnh, bộ, Nhà nước. Nhưng theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là nghệ nhân ấy phải được cộng đồng suy tôn. Bởi nghệ nhân dân gian là những người hoạt động giữa cộng đồng nơi họ sinh sống, tài năng của họ được cộng đồng nuôi dưỡng, họ thường không nằm trong tổ chức, đoàn thể nào. Minh chứng cho cách làm hiệu quả này, GS Tô Ngọc Thanh cho biết: Hội đã phong tặng được cho 320 nghệ nhân dân gian. Tất cả đều nhờ các chi hội "chân rết” tại địa phương đề xuất. Và một khi đã do nhân dân đề xuất thì chẳng hề có kiện cáo hay những bất bình gì. Nếu muốn biết làng này nghệ nhân nào giỏi nhất, cứ hỏi người dân họ sẽ chỉ chính xác ngay. Nghệ nhân là người sống trong nhân dân. 

Bộ VHTT&DL dự kiến, trong năm 2013 sẽ ban hành Quy chế xét tặng nghệ nhân. Thực tế ở Bắc Ninh cho thấy, sau hai năm địa phương này tổ chức phong tặng, đến năm 2012 đã có 4 cụ ra đi, chỉ còn 37/41 nghệ nhân. Và cũng từ bấy đến giờ, không ai chắc liệu 37 nghệ nhân dân ca Quan họ có còn đủ cả? Những người còn sống nay tuổi đều ngoài 80 đến xấp xỉ 100, phần lớn sức khỏe yếu, mắt mờ, chân run… Chính vì vậy, cho dù vẫn cần thời gian để có một văn bản hợp lý, nhưng Nghị định phong tặng danh hiệu nghệ nhân của Bộ VHTT&DL cần phải được sớm thực hiện, không nên chần chừ, dùng dằng thêm nữa. 
                                                                                              Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.458.449
Tổng truy cập: