Tin tức nổi bật
Gốc của lễ hội là tính thiêng liêng và bản chất tốt đẹp
(Ngày đăng: 11/03/2013   Lượt xem: 1508)
 

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền. - - - - - -

Sau khi đăng loạt bài “ Để lễ hội truyền thống hài hòa trong hiên đại”.  Báo CAND đã nhận được phản hồi của nhiều độc giả. Cuộc trao đổi sau đây với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền sẽ cung cấp thêm cho độc giả cách nhìn về lễ hội cũng như sự cần thiết trong các ứng xử với lễ hội trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên (PV): Việc tổ chức lễ hội hiện nay được ví “trăm hoa đua nở”, thế mà lại có nghịch lý là rất ít người hiểu đúng về lễ hội. Theo ông, nên hiểu lễ hội là gì?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Việc tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội hiện nay vẫn chưa được coi trọng. Những người làm chính sách về lễ hội hình như chưa quan tâm đến vấn này, họ chỉ quản lý để lễ hội thực hiện suôn sẻ, kết thúc lễ hội êm ả, thế là thành công rồi. Hiện nay, cái cần thiết đối với lễ hội ít nhất phải có: Hiểu biết lễ hội truyền thống là gì? Cương quyết thực hiện những ứng xử đối với lễ hội. Ứng xử có nghĩa là chấn chỉnh những tiêu cực trong lễ hội.

Hiện nay, người ta thường phân định “lễ” và “hội” là 2 phạm trù khác nhau. Nhiều người hiểu, “hội” là tổ chức vui chơi. Nhưng nghĩa cực kỳ đơn giản, “hội” là sự tập hợp. Lễ hội là sự tập hợp của một cộng đồng người nhất định để thực hiện những điều về “lễ”. Người ta nhầm lẫn “lễ” là cúng bái. Nhưng “lễ” có nghĩa lớn lao hơn nhiều. Triều đại phong kiến xưa, bộ Lễ gồm: ngoại giao, văn hóa..., rất rộng. “Lễ” là ứng xử với nhau sao cho có lễ.

PV: Vậy thì thưa ông, những mối ứng xử nào phải có trong lễ hội truyền thống?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Có 4 mối ứng xử cần phải có trong lễ hội truyền thống. Một là, mối ứng xử gắn với thần linh. Thần linh là gì? Trong bia ở chùa Bối Khê ghi: “Anh trí của đất trời là sông núi. Anh trí của sông núi là thần linh”. Thần linh tạo mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Với người Việt, thần linh đầy yếu tố tích cực. Thông qua thần linh, người ta cầu hạnh phúc, an lành. Thần linh là công cụ tinh thần để con người tồn tại, tạo ra sự cân bằng cho con người trong đời sống thực tế. Trong ứng xử với thần linh với ý nghĩa ghi trong tấm bia nêu trên, thần linh là Chân – Thiện – Mỹ để người ta hướng tới.

                                                                                       Theo: CAND online

Khi hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, đồng nghĩa với hướng tới hạnh phúc thì phải có hành động. Nhưng họ không tìm thấy thần linh ở xung quanh, ở dưới đất nên đặt thần linh lên cao nhất và họ tìm cách tiếp cận. Họ sử dụng hương nến có khói. Khói bay lên chuyển tải cầu mong muốn của con người – cầu thông linh. Đây là hình thức cúng bái. Cúng bái hay cúng lễ chỉ là một thuộc tính trong mối quan hệ với thần linh, để thông qua thần linh con người cầu viện mong ước. Cúng bái không phải bao trùm lên mọi cái gọi là “lễ”.

Mối quan hệ ứng xử thứ hai trong lễ hội nên được nhìn nhận từ việc chia ruộng đất từ thời xa xưa. Ruộng chia cho các đinh. Tiểu nông kéo con người ra, không đối lập nhưng lấy quyền lợi cá nhân làm trọng. Lễ hội giúp người Việt rời bỏ tính vị kỷ, hướng tới tính cộng đồng. Lễ hội là cái để người Việt quan tâm đến làng xã, cộng đồng, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng làng xã. Tạo nên tập thể vững chắc để bảo vệ làng xã.

Mối ứng xử thứ ba trong lễ hội là mối ứng xử với dòng tộc, họ hàng. Đến lễ hội, người ta bỏ qua cái tiểu gia đình để hướng tới đại gia đình. Từ đó, nhìn trật tự xã hội lớn hơn, đấy chính là quốc gia, dân tộc. Và mối ứng xử thứ tư trong lễ hội là ứng xử với chính mình. Lễ hội kéo con người ra khỏi cái cá nhân chủ nghĩa để nhập về với cộng đồng. Trong lễ hội, con người xả thân để khẳng định chỗ đứng của mình, thế mới có câu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Gốc gác cuối cùng của lễ hội là tinh thần yêu nước. Không có ý thức cộng đồng, không thể yêu nước được. Lễ hội ở Việt Nam góp phần duy trì tinh thần yêu nước.

PV: Thời gian gần đây, những “hạt sạn” trong lễ hội quả thật là đáng buồn...

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Lễ hội bị tàn phai vì nhận thức méo mó. Có những người phân định, “lễ” và “hội” là hai phạm trù khác nhau. Nên tăng cường “hội” mà giảm “lễ”. Theo tôi, giảm “lễ” là giảm đạo đức. Nhìn “hội” không phải là tập hợp mà là trò chơi, trò diễn là không đúng. Mọi trò chơi trong lễ hội cổ truyền đều thuộc về tâm linh. Ví dụ như chọi trâu. Chọi trâu gắn với thủy triều. Người ta làm lễ hội để nhắc thần mặt trời, thần biển bảo vệ bình yên cho mỗi lần ra khơi. Thế mà bây giờ, chọi trâu lại là một trò chơi, tính thắng thua thể hiện rất rõ. Bởi vậy, người ta nhìn nhận lễ hội ở hình thức đơn giản, gắn với thắng thua đời thường, không nhìn thấy ước vọng mênh mông mang tầm trời đất. Lễ hội bị tàn phá bởi thế.

PV: Theo ông, tại sao lễ hội lại bị tàn phai...

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Tinh thần lễ hội chưa được đẩy lên cao, chưa được tuyên truyền đầy đủ. Kinh tế thị trường khiến ước vọng cá nhân trở nên mạnh mẽ, người ta đi làm công đức hơn là nhân đức. Vì đi làm công đức là khoán với thần linh. Cá nhân đi lễ cho cá nhân họ, cho gia đình họ… Còn những điều cần cho cộng đồng chỉ mang tính hình thức. Những tiêu cực như “tốt lễ dễ kêu” làm tàn phai uy linh của thần linh, ví dụ như làm mâm cao cỗ đầy, chen lấn, dẫm đạp lên nhau để đặt lễ… Không ai dạy họ khi đến với thần linh phải như thế nào nên tùy theo chiều hướng nhận thức của từng người. Thế mới có chuyện, người ta đến với thần linh mà còn thuê khấn hộ. Thành tâm đi lễ không bài bản mới gần gũi với thần linh. Khi đi vào bài bản là sự thấp kém của nhận thức.

PV: Hiện nay, không ít kẻ lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng để kiếm tiền, ông nhìn nhận vấn đề  này như thế nào?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Đúng là có những kẻ lợi dụng tôn giáo để kiếm sống. Đấy là kẻ thù của tiến bộ. Nhiều khi họ tỏ ra ủng hộ chính sách Nhà nước nhưng thực chất, họ là người duy trì mê tín dị đoan, kiếm tiền cho cá nhân, thúc đẩy mê tín dị đoan. Các hành vi như đặt hòm công đức, khấn thuê, quay vòng lễ, đốt vàng mã vô tội vạ… là biểu hiện của việc này.

PV: Hiện tại, cơ quan quản lý văn hóa đang tiến hành việc quy hoạch lại lễ hội, ông nhìn nhận việc làm này như thế nào?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng nhiều tiêu cực phát sinh trong lễ hội. Trả lễ hội lại cho dân gian hay quản lý Nhà nước? Nếu để tự phát, sẽ trượt dài trên sự sai lầm dẫn đến nhiều tiêu cực không kiểm soát nổi. Quản lý Nhà nước để chống lại tiêu cực này nhưng đòi hỏi người quản lý phải hiểu biết về lễ hội, ý nghĩa sâu xa trong sinh hoạt quần chúng. Việc chấn chỉnh lại lễ hội đền Trần, đưa về tính thiêng liêng gốc và bản chất tốt đẹp là thí điểm để tìm con đường vừa thích hợp với truyền thống với phù hợp với hiện đại.

PV: Cám ơn nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền về cuộc trao đổi thú vị này

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

38
Đang xem:
72.466.213
Tổng truy cập: