Trong không khí hào hùng của kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024), chúng tôi vinh dự được trò chuyện cùng NNND Phan Thị Kim Dung - 1 trong 10 công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2024.
|
Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung (bên phải) truyền dạy miễn phí hát chèo cổ, điệu xẩm, hát văn cho các thế hệ sau với mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ảnh nhân vật cung cấp
|
Khuyến khích cải biên nhưng phải giữ nguyên hồn cốt
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nghệ thuật truyền thống, Phan Thị Kim Dung (sinh năm 1951) từ bé đã thấm nhuần tiếng hát chèo cổ, điệu xẩm, hát văn từ người cha – nghệ nhân Phan Đức Hậu, một nông dân thành Nam (nay là tỉnh Nam Định) yêu say đắm các loại hình âm nhạc dân tộc.
Người cha ấy đã cần mẫn dạy dỗ con gái từng nhịp, từng câu, từng cách nhả chữ tinh tế trong mỗi làn điệu hát cổ. Chính từ những năm tháng tuổi thơ đó, Kim Dung nhận ra rằng, nghệ thuật truyền thống không chỉ là sự say mê mà còn là trách nhiệm phải bảo tồn.
Không chỉ vậy, ký ức về những ngày tháng được học hát bên cạnh nghệ nhân Hà Thị Cầu – nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí bà. Bà chia sẻ: "Hát xẩm là tiếng lòng của người dân lao động, mộc mạc nhưng sâu sắc, chứa đựng cả niềm vui và nỗi buồn của kiếp người. Hát xẩm còn loại hình nghệ thuật từ dân gian, giản dị trong từng câu hát, nhưng giữ được cái hồn của nó mới là điều khó nhất”.
Là người nghệ nhân giàu kinh nghiệm, NNND Kim Dung cho rằng, cái gốc của xẩm không phải nằm ở sự dễ dãi của ca từ mà là ở cốt cách và sự tinh tế trong từng lời ca, nhịp điệu. Nếu không giữ gìn cái cốt lõi ấy, nghệ thuật xẩm sẽ dần phai mờ trong lòng người.
|
Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung trong lễ biểu dương điển hình tiên tiến "Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" giai đoạn 2018 - 2023. Ảnh nhân vật cung cấp |
Theo NNND Kim Dung, trong nhịp sống hiện đại, nhiều người trẻ đã tìm đến nghệ thuật truyền thống với mong muốn cải biên, làm mới để phù hợp với thị hiếu khán giả. Điều này là đáng trân trọng vì nó giúp nghệ thuật không bị lạc hậu, nhưng cải biên quá mức có thể dẫn đến đánh mất cái gốc. Bà từng chứng kiến nhiều bạn trẻ khi hát xẩm đã cố gắng thêm vào những yếu tố sáng tạo, nhưng lại quên mất tinh thần mộc mạc, chân thực của loại hình này.
"Hát xẩm phải tròn vành rõ chữ, phải truyền tải được cái hồn của dân tộc. Nếu biến tấu quá, nó sẽ không còn là hát xẩm nữa", NNND Kim Dung nhấn mạnh.
NNND Kim Dung đã dành nhiều năm cuộc đời để dạy dỗ biết bao thế hệ học trò, từ những em nhỏ chỉ mới 7-8 tuổi cho đến những người lớn tuổi đam mê nghệ thuật. Đối với bà, mỗi lần dạy học là một cơ hội để trao truyền lại những giá trị cổ truyền mà bà đã học được từ thế hệ trước.
Bà dạy các em từ những bước cơ bản nhất, nào là cách lấy hơi, nhả chữ, trường độ cho đến cách cảm thụ cái sâu lắng của từng lời ca. Khi nhìn thấy những gương mặt trẻ say mê, miệt mài học hát, bà như thấy hình ảnh của mình ngày xưa, ngồi dưới chân người thầy, miệt mài học từng câu hát cổ.
“Các con tiếp thu rất nhanh, có lúc tôi cảm thấy vui vì thấy mình không cô đơn trong hành trình này. Nhưng tôi vẫn luôn dặn dò các con phải học từ gốc, không được phép thái quá. Bởi nghệ thuật truyền thống phải được giữ nguyên vẹn cái cốt cách”, NNND Kim Dung bày tỏ.
Trăn trở tìm người kế cận
Dẫu truyền dạy cho bao nhiêu thế hệ học trò, NNND Kim Dung vẫn canh cánh một nỗi lo, đó là tìm kiếm người kế cận không chỉ có tài năng, mà quan trọng hơn là phải có tâm với nghệ thuật truyền thống.
Theo bà, hát xẩm, chèo cổ và hát văn là những loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ và cả niềm đam mê. Nhưng thật không dễ để tìm được những người trẻ có thể bước tiếp trên con đường mà bà và các nghệ nhân thế hệ trước đã đi. Và nỗi trăn trở ấy theo bà đi suốt những năm tháng dạy học, dù hằng năm có rất nhiều học sinh được tuyển chọn từ các trường học địa phương để theo học.
|
Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung truyền dạy cho các em nhỏ ở câu lạc bộ Dân ca ở làng Mọc Quan Nhân. Đây là điểm hẹn văn hóa quen thuộc của những nghệ sĩ không chuyên yêu thích làn điệu dân ca. Ảnh nhân vật cung cấp |
“Hát xẩm, chèo cổ hay hát văn không chỉ đơn thuần là biểu diễn, mà đó là sự truyền tải cái hồn của dân tộc. Nếu người học không hiểu và yêu mến văn hóa truyền thống từ gốc, họ sẽ không thể truyền tải được cái tinh túy ấy”, NNND Kim Dung cho biết.
Với NNND Kim Dung, việc bảo tồn nghệ thuật không chỉ là việc dạy hát mà còn là việc truyền đạt tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Nghệ thuật truyền thống không chỉ là một phần của quá khứ, mà nó còn phải sống động trong hiện tại. Nếu không truyền được lửa yêu thương cho thế hệ trẻ, thì nghệ thuật đó sẽ dần bị lãng quên. Đối với bà, dù xã hội có thay đổi, dù hiện đại hóa có chiếm lĩnh đến mức nào thì văn hóa dân gian vẫn có chỗ đứng nếu chúng ta biết cách bảo tồn và phát triển.
Để khuyến khích giới trẻ tham gia bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian, những người nghệ nhân như NNND Kim Dung thường tổ chức các buổi giao lưu biểu diễn nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của các loại hình nghệ thuật này. “Khi người trẻ cảm nhận được cái đẹp trong từng câu hát, từng điệu múa, họ sẽ yêu nó. Từ đó, nghệ thuật dân gian sẽ không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là hơi thở của hiện tại và tương lai”, NNND Kim Dung bày tỏ.
NNND Kim Dung cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính đã luôn hỗ trợ và tạo điều kiện để bà có thể truyền dạy nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ.
Theo đó, hằng năm, Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân đều đến từng trường học để tuyển sinh các em học sinh có năng khiếu và mong muốn học nghệ thuật truyền thống.
|
Các em nhỏ đến lớp vì niềm yêu thích, chăm chỉ học hỏi, tham gia các chương trình biểu diễn ở làng, diễn giao lưu ở thành phố và giành không ít giải thưởng lớn nhỏ. Ảnh nhân vật cung cấp |
NNND Kim Dung cũng tận tâm dạy cho các em những bài hát phù hợp với lứa tuổi, để các em có thể tự tin biểu diễn trong các buổi chào cờ đầu tuần trước toàn trường. Dù hát xẩm là thể loại khó, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của bà, các em đã nỗ lực không ngừng và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Đặc biệt, bà thường chọn những bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước và các vị anh hùng dân tộc, giúp các em không chỉ tiếp thu kỹ thuật tốt mà còn thấm nhuần tinh thần tự hào dân tộc.
NNND Kim Dung không giấu nổi niềm xúc động khi được công nhận là một trong những Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Bà khẳng định, vinh dự này không chỉ là thành quả của riêng mình, mà còn là sự tri ân đối với những bậc tiền bối đã dạy dỗ và hướng dẫn bà trên con đường nghệ thuật, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng trong hành trình bảo tồn văn hóa dân tộc. Với bà, danh hiệu này là một động lực to lớn để tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm đam mê và tình yêu với di sản văn hóa dân tộc.
Dù đã bước sang tuổi xế chiều, NNND Kim Dung vẫn tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ. Bà không chỉ dạy hát, truyền nghề mà còn tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian. Bà tin rằng, những nỗ lực nhỏ bé của mình sẽ góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn lại quãng đường đã qua, NNND Kim Dung cảm thấy tự hào vì những gì mình đã cống hiến.
Với tài năng và những đóng góp của mình, NNND Phan Thị Kim Dung đã được trao tặng nhiều giải thưởng, Huy chương Vàng, Bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian; Danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
Năm 2015 được Nhà nước phong tặng bà danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất ở loại hình hát Xẩm.
Từ năm 2018 đến nay, bà Phan Thị Kim Dung tiếp tục được tặng nhiều khen thưởng: Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân tặng Giấy khen đã có thành tích trong xây dựng và phát triển Hội Người khuyết tật;
Năm 2019, bà được Chủ tịch UBND quận tặng Giấy khen đã có thành tích “Giữ gìn bản sắc và văn hóa dân tộc”; Giải A1 trong Liên hoan hát văn và hát chầu văn do Cục Văn hóa cơ sở tặng.
Năm 2022 được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
|