Tin tức nổi bật
(18)- Người "gieo tâm hồn" cho cát
(Ngày đăng: 01/06/2023   Lượt xem: 154)

Từng thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như body art, điêu khắc, ký họa và vẽ sơn dầu... cuối cùng anh tự nghiên cứu, tìm hiểu và trở thành một trong số rất ít họa sĩ Việt Nam tiên phong trong loại hình tranh cát động (phân biệt với tranh cát tĩnh, thực hiện trong các bình, chai, lọ...). Chỉ dùng 10 ngón tay, tạo nên những đường nét có hồn cộng hưởng cùng với âm nhạc và cả sự hứng khởi, anh đã “phiêu” khi trình diễn...

Kỹ thuật viên quân sự với tâm hồn nghệ sĩ và đam mê hội họa

Họa sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Văn Nhân (nghệ danh Nguyễn Thế Nhân) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Người sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật Tranh cát động chủ đề về Lịch sử - Văn hóa - Xã hội nhiều nhất Việt Nam” vào ngày 20/5 vừa qua.
7.jpg -1

Họa sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Thế Nhân.

Nhà riêng của ba cha con anh ở đường Nguyễn Du, quận Gò Vấp. Tóc dài, hàm râu cũng dài và một thân hình to bề ngang, săn chắc, anh giống võ sĩ hơn một nghệ sĩ. “Tranh cát động là niềm đam mê vô bờ của tôi, tôi có thể ngồi, đứng cả ngày cho một nội dung nào đó, mà quên tất cả xung quanh…”, anh cười tươi, chia sẻ.

Nói dễ hiểu, tranh cát động mang tính trình diễn với nguyên liệu là cát và ánh sáng. Bằng cách sử dụng đôi bàn tay và các ngón tay thuần thục, người họa sĩ thể hiện những nét vẽ phóng khoáng, hình họa tiết giản, logic kết hợp với nhạc nền cùng với sự thăng hoa của chính họa sĩ - nghệ sĩ để kể một câu chuyện, gửi gắm những thông điệp, những bài học giàu tính nhân văn, tạo cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Thực tế loại hình nghệ thuật này đầy những khó khăn, đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tác phẩm trình diễn xong là biến mất, có lưu lại cũng chỉ là clip hoặc ảnh chụp. Có lẽ đây chính là lý do mà rất ít họa sĩ theo đuổi.

Từ nhỏ anh đã đam mê vẽ. Nhà nghèo ở quê Nam Định, điều kiện tiếp xúc với hội họa khó khăn, anh thường dùng que tre vẽ trên nền đất hoặc dùng than củi vẽ lên mặt sân kho hợp tác xã. Nói chung là chuyên bắt chước và… “vẽ bậy”!

Năm 1977, anh nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, năm 1978, anh được điều đi học Trung cấp Cơ điện Hải quân tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Một năm sau, anh được đơn vị cử đi Liên Xô tiếp nhận bộ khí tài tên lửa đất đối hải do Liên Xô viện trợ, được đào tạo thành kỹ thuật viên động cơ Turbine phản lực. Học xong thì về nước, phục vụ tại Lữ đoàn Tên lửa đất đối hải 679 (Vùng 1 Hải quân). Trong quân ngũ, anh có điều kiện tham gia các khóa học về hội họa căn bản. Tại đơn vị, anh thường tham gia vẽ tranh tường, khẩu hiệu, sáng tác tranh về chủ đề biển đảo…

Đam mê hội họa đã khiến anh quyết định rẽ ngang. Năm 1983, anh phục viên về quê rồi vào TP Hồ Chí Minh mở tiệm vẽ, sau nâng lên thành Công ty Quảng cáo trang trí Thời đại tại quận 3. Tiếp xúc nhiều hơn với môi trường nghệ thuật, Nhân có thêm điều kiện tự học hỏi, tìm tòi và thỏa sức sáng tạo. Đến năm 2011 thì anh chuyển hẳn sang biểu diễn và sáng tác tranh cát động.

Nhân hồi tưởng: “Năm 2009, tình cờ tôi được một người bạn gửi cho xem một video vẽ tranh cát động của nữ nghệ sĩ Kseniya Simonova, kể về cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga trong thế chiến thứ 2. Chỉ với những hạt cát vô hồn, cô ấy đã làm lay động trái tim hàng ngàn khán giả, trong đó có tôi. Tôi lập tức bị loại hình nghệ thuật này mê hoặc”.

Những ngày đầu anh đã tìm xem video và tự mày mò tìm hiểu. Thời điểm đó, cả nước chưa có ai theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Nghiên cứu và thử nghiệm, làm đi làm lại những chiếc hộp đèn với đủ các kích cỡ, anh mới chế tạo được chiếc hộp đèn đúng ý với ánh sáng làm nổi rõ, không làm nhòe hay lóa những “nét vẽ” cát.

“Tôi đã thử nghiệm rất nhiều loại cát, từ cát dùng trong xây dựng, cát biển đến thứ cát để các nghệ nhân vẽ tranh cát tĩnh… nhưng đều không được. Dùng cát trong công nghệ thổi cát làm sạch bề mặt của nhà máy đóng tàu cũng không xong. Hạt cát quá to so với yêu cầu. Tôi đã thử cho vào cối giã, cho vào túi vải đập hay cho vào máy xay sinh tố… nhưng đều thất bại”.

Một lần về quê ở Hải Hậu (Nam Định), ra bãi sông Hồng chơi, anh ngạc nhiên thấy loại cát ở đây không quá to, không quá nhỏ và rất đều hạt. Nhân xúc một bao lọc, rửa thật sạch, phơi khô, sàng kỹ, sau đó cho lên chảo rang để khử trùng, khử mùi. Khi "phiêu" lên mặt kính nó không nảy lên. Khi “đi” nét nó giữ nguyên định dạng. Khi tải nền mỏng nó cho một lớp mờ như sương... Anh cũng không ngờ mình đã tìm ra bảo bối, chính là loại cát của quê hương.

“Phép màu” trong tranh cát động

“Phép màu” trong tranh cát động của Thế Nhân là “diễn hình hiểu ý”. Trong 5 đến 7 phút, người họa sĩ - nghệ sĩ phải vẽ rất nhiều hình ảnh khác nhau. Có những khuôn hình chỉ được thực hiện trong vài giây, nhưng phải tải được những điều sâu sắc, ý nghĩa. Biểu diễn minh họa cho bài hát “Hồng Hà tự khúc”, anh vẽ một dòng sông ngoằn ngoèo. Rồi từ dòng sông ấy, anh vẽ thêm những chi tiết khác để “biến hình” thành một con rồng đang bay lên, biểu trưng cho niềm tự hào về nền văn minh sông Hồng, trong đó có Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
5.jpg -0
Phần biểu diễn nghệ thuật Tranh cát động đẹp mắt và giàu ý nghĩa của họa sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Thế Nhân tại Sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52 (tổ chức ngày 20/5).

Thời dịch bệnh COVID-19, anh đã thực hiện tác phẩm trên nền nhạc bài hát “Việt Nam ơi, đánh bay COVID” của nhạc sĩ Minh Beta. Hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp được thể hiện trên cát và bỗng dưng bị virus Corona tàn phá. Tác phẩm tranh mở đầu bằng hình cờ Tổ quốc và những cánh tay vung lên, bày tỏ người dân Việt Nam cùng đoàn kết, đồng lòng chiến đấu với “giặc” Corona. Tác phẩm được kết thúc bằng dòng chữ trên cát “Việt Nam chiến thắng”.

“Trước tiên là tìm ra ý tưởng rồi tự tìm hiểu tư liệu, thông tin, hình ảnh lên kịch bản nội dung cho tiết mục của mình. Sau đó, tôi phải vẽ phác họa chi tiết theo thứ tự các cảnh mà mình sẽ trình diễn với cát. Tiếp đó là chọn nhạc phù hợp với từng tiết mục kịch bản, thậm chí từng cảnh diễn. Khi diễn thì phải chỉnh cho ánh sáng phù hợp với từng cảnh, từng phân đoạn… Nói chung là loại hình nghệ thuật này đòi hỏi người họa sĩ - nghệ sĩ phải có tổng hòa các kỹ năng về hội họa, âm nhạc, ánh sáng và cả trình diễn nữa”, người họa sĩ - nghệ sĩ giải thích đầy hào hứng.

Anh đã chủ động bỏ tiền ra mua hàng trăm bản nhạc để tránh vi phạm bản quyền khi trình diễn. Anh cũng đã thành lập Câu lạc bộ Tranh cát động Việt Nam, mở các lớp dạy vẽ, truyền đạt kinh nghiệm và sự đam mê cho các bạn trẻ. Đến nay tranh cát động đã được công chúng biết đến nhiều. Nguyễn Thế Nhân cũng thường xuyên được nhiều đơn vị trong và ngoài nước mời biểu diễn tại các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, các lễ kỷ niệm phục vụ cộng đồng hay quảng bá ra mắt sản phẩm mới…

Các Đài Truyền hình thì tin tưởng đặt sản xuất những chương trình Tranh cát nhiều tập: “Suối nguồn yêu thương” của VTV, “Kể chuyện Bác Hồ” của Truyền hình Nhân dân, “Hạt cát diệu kỳ” cho truyền hình các tỉnh miền Tây. Đặc biệt, Chương trình “Người Việt - Nước Việt” cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VoVline) với những tập phim phản ánh truyền thống lịch sử, văn hóa và dân tộc giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ... được khán giả, độc giả cả nước và kiều bào ở nước ngoài quan tâm theo dõi.

Tại Hội nghị APEC lần thứ 25, anh vinh dự được Bộ Thông tin Truyền thông mời biểu diễn Tranh cát động tại đại tiệc dành cho 21 vị nguyên thủ quốc gia và phu nhân cùng hơn 800 quan khách vào tối ngày 10/11/2017 ở khách sạn Sheraton - Đà Nẵng). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên 62 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Họa sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Thế Nhân mong muốn một ngày nào đó bộ môn nghệ thuật Tranh cát động sẽ có chỗ đứng chính danh như các bộ môn nghệ thuật tạo hình khác trong hệ thống giáo dục của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. “Việc tôi được xác lập kỷ lục, được công nhận thực sự là niềm vui lớn của tôi. Nhưng đường vẫn còn dài”, họa sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Thế Nhân xúc động…
                                  Theo; cand.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.466.711
Tổng truy cập: