Tin tức nổi bật
(73)-Giấc mơ nón lá... xuất ngoại
(Ngày đăng: 27/11/2022   Lượt xem: 258)

Cải tiến quy trình làm nón lá để tăng năng suất, sản lượng-đây có lẽ là điều không ít người nghĩ đến, nhưng thành công nhất chính là sáng kiến của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh (SN 1989) và Phan Thị Hiền (SN 1994), thôn Tân Đức, xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn). Với bằng độc quyền sáng chế khung nhựa cho nón lá, năng suất làm nón tăng cả trăm lần so với cách làm truyền thống, thành công của đôi vợ chồng trẻ là "quả ngọt" của tri thức, sự kiên trì trong quá trình lao động sáng tạo...

Nghề phụ
 
Làng Hạ Thôn (nay là xã Quảng Tân, TX. Ba Đồn) có lịch sử hình thành cách đây hơn 300 năm. Nghề làm nón ở đây có từ bao giờ, đến những người già nhất trong làng cũng không rõ. Họ chỉ nhớ, lớn lên đã thấy các bà, các mẹ, các chị tụm năm tụm ba chằm (may) nón, rôm rả chuyện trò những ngày nông nhàn. Trong làng, từ trẻ con đến người già, hầu như ai cũng biết chằm nón.
 
Trải qua hàng trăm năm phát triển, sản phẩm nón lá ngày càng đa dạng từ kiểu dáng, chất liệu, màu sắc... nhưng quy trình làm nón vẫn vậy, chủ yếu làm thủ công. Với nghề làm nón, có lẽ rất nhiều người đã nghĩ đến việc tăng năng suất nhưng chưa thành công hoặc chưa dám làm, kể cả những làng nghề nổi tiếng ở TP. Huế hay các tỉnh phía Bắc. Ở làng Hạ Thôn cũng vậy, nên khi nghe ý tưởng làm khung nón bằng nhựa, chằm nón bằng máy may công nghiệp, đến những thợ lành nghề nhất trong làng cũng lắc đầu nghi ngại...
 
Đầu năm 2017, sau 6 năm bươn chải làm rẫy cà phê ở Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh và Phan Thị Hiền về lại quê ngoại ở Quảng Tân phụ giúp bố mẹ thu mua nón lá trong vùng, lúc rảnh rỗi cũng chằm nón như nhiều người khác trong làng.
Hai vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh và Phan Thị Hiền, chủ nhân của sáng chế vành nhựa cho nón lá.
Hai vợ chồng trẻ Nguyễn Tuấn Anh và Phan Thị Hiền, chủ nhân của sáng chế vành nhựa cho nón lá.
Làm nón ở Hạ Thôn chủ yếu được chia làm 3 công đoạn chính: Đầu tiên là làm lá, lá làm nón có 2 loại là lá xanh (hái ở rừng Việt Nam) và lá buông còn gọi là lá dừa được nhập từ Campuchia. Lá làm xong được xếp vào khung. Khung nón truyền thống được làm từ những thanh nứa, tre khô và dẻo sau đó được vót nhỏ, uốn thành những vòng tròn có đường kính khác nhau, được bố trí đều đặn theo hình chóp nhọn. Tiếp theo là công đoạn chằm nón đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của người thợ để giữ cho các lớp lá không rách và giúp chiếc nón được phẳng. Chằm xong thì nức vành và may chóp.
 
Làm khung và chằm là công đoạn khó nhất và mất thời gian nhất trong quy trình làm nón. Mỗi người thợ lành nghề làm cật lực cũng chỉ được 2 chiếc nón/ngày với giá bán ra thị trường 50-60 nghìn đồng/chiếc. Làm nón khá kỳ công nhưng thu nhập chẳng đáng kể. Bởi vậy nên người dân chỉ xem đây là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập..
 
Biến ý tưởng thành hiện thực
 
Thấy công việc chằm nón vất vả, năng suất lại thấp, Phan Thị Hiền mày mò thử dùng máy may cũ của gia đình để may nón lá. Nhưng khung tre nứa quá cứng, lá nón dập nát hết, cẩn thận lắm cũng không tiết kiệm công sức được bao nhiêu. Hiền chợt nảy ra ý tưởng sao không làm khung nón bằng nhựa và liền bàn với chồng. Thấy ý tưởng của vợ "xuôi tai", Tuấn Anh hì hục tìm những thợ khéo nhất trong làng nhờ làm khuôn nón mẫu. Sau đó tỉ mỉ tính toán rồi thiết kế thành bản vẽ 3D. Nhưng lên ý tưởng rồi làm sao thực hiện được là cả vấn đề nan giải.
 
Hiền tâm sự, biết ý tưởng của 2 vợ chồng, người thân hai bên nội ngoại ra sức can ngăn, cho rằng viển vông, không thực tế. Phải hơn một năm thuyết phục, bố mẹ hai bên mới xuôi xuôi.
 
Có bản vẽ rồi thì phải tìm được chỗ làm khuôn, Tuấn Anh liền lặn lội đi khắp các thành phố lớn từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Nam Định... và sang tận Trung Quốc để tìm các cở sở sản xuất cơ khí đặt hàng làm khuôn. Nhưng đến đâu, cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. "Nhiều chủ cơ sở còn sửng sốt khi nghe mình trình bày ý tưởng, bảo không thực tế. Có những lúc nản thực sự, thậm chí hoài nghi mình bày việc, làm khổ chồng phải lăn lộn khắp nơi...", Hiền tâm sự.
 
Cuối năm 2018, trời không phụ lòng người, Tuấn Anh cũng liên hệ được với một cơ sở ở Hà Nội để gia công khuôn đúc vành nón nhựa. Chi phí để làm được mẫu khuôn khoảng 200 triệu đồng. Dần dà, mẫu khuôn đầu tiên ra lò nhưng thất bại, rồi mẫu thứ 2, thứ 3... Đầu năm 2020, khi mẫu khuôn đạt chuẩn thành công cũng cũng là lúc tiêu tốn đến đồng bạc vay cuối cùng của hai vợ chồng. Khuôn nhựa sau đó được sản xuất hàng loạt và chuyển về xưởng. Ròng rã 4 năm trời, với sự kiên trì không ngừng, cuối cùng sản phẩm khung nhựa cho nón lá đã hoàn thành.
 
Khuôn nhựa sau khi được xếp lá thì may bằng máy may công nghiệp, các mẫu nón chắc chắn, đều, đẹp hơn cả chằm thủ công. Trải nghiệm vành nón nhựa, chằm bằng máy, đến những người thợ khó tính nhất trong làng Hạ Thôn cũng phải gật gù thán phục đôi vợ chồng trẻ.
 
Nón lá xuất ngoại
 
Tháng 7/2021, sản phẩm vành nhựa cho nón lá của Công ty TNHH Sản xuất nón lá công nghiệp Thành Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền.
Hiện tại, để thuận lợi mở rộng thị trường, vợ chồng Tuấn Anh đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất nón lá công nghiệp Thành Sơn. Các cơ sở xưởng được đặt ngay trong làng Hạ Thôn. Trung bình mỗi ngày, mỗi người thợ đứng máy hoàn thiện khoảng 250-300 chiếc nón. Hiện nay, nhiều hộ dân trong làng và các vùng lân cận, ngoài cách làm nón truyền thống cũng nhận nguyên liệu và khung nón về gia công kiếm thêm thu nhập.
 
Tuấn Anh cho hay, sản phẩm nón lá công nghiệp tận dụng nguồn nhựa tái chế và kết hợp máy móc hiện đại giúp giảm thời gian, chi phí nguyên liệu, chi phí nhân công từ đó nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Nón lá khung nhựa được tạo ra vừa có độ bền, vừa giữ được nét đẹp truyền thống và hình dáng vốn có của chiếc nón lá truyền thống. Mỗi tháng cơ sở xuất bán khoảng 3-5 vạn chiếc nón với mức giá bình quân khoảng 20-25 nghìn đồng.
Sản phẩm vành nhựa cho nón lá được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền.
Sản phẩm vành nhựa cho nón lá được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền.
Cũng theo anh Tuấn Anh, nón lá Thành Sơn hiện đã xuất bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, các cơ sở làng nghề cũng nhập về để gia công, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt, nón lá làm bằng vành nhựa rất thích hợp để trang trí ngoại cảnh, phục vụ trong các hoạt động nghệ thuật.
 
Với việc không ngừng mở rộng thị trường, sản phẩm vành nhựa cho nón lá Thành Sơn cũng đã xuất hiện hàng nhái. Tuấn Anh cho hay, hiện đã có một số đầu mối ở Đà Nẵng làm giả, trong khi sản phẩm của mình được bảo hộ độc quyền. Đây cũng là điều khó có thể tránh khỏi, đòi hỏi mình phải không ngừng hoàn thiện sản phẩm, khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường.
 
"Biết đâu được, vài năm sau nón lá Thành Sơn sẽ xuất hiện ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều đó khó nhưng mình vẫn tin tưởng và ước mơ, anh nhỉ", Tuấn Anh cười chia sẻ, nụ cười đầy kiên nghị của anh giám đốc trẻ lớn lên từ làng.
                                   Theo:  baoquangbinh.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.462.606
Tổng truy cập: