Tin tức nổi bật
(29-33)- Khăn chầu áo ngự
(Ngày đăng: 05/09/2022   Lượt xem: 243)

Là phục trang, người ta mua về mặc lên nhưng đường kim, mũi chỉ, đường cắt, đường khâu lại mang một ý nghĩa lớn hơn. Đó là sự cẩn trọng, tận tâm và thành kính.
Hài đầu phượng được các thợ thêu làm để trưng bày ở làng Đông Cứu.  Ảnh: Trọng Chính.

Hài đầu phượng được các thợ thêu làm để trưng bày ở làng Đông Cứu.  Ảnh: Trọng Chính.

Bởi người khi bận áo, buộc khăn này vào có phải người thường gặp ở phiên chợ tổng hay trên các cửa hàng ở thị xã, hay các hàng trên phố đô thành đâu, khi ấy họ ngự giá. Khi ấy, mẫu, các quan, các chúa, các chầu, các cô, các cậu về mượn xác trong khăn áo ấy cơ mà. Đó là nghề may thêu nên khăn chầu, áo ngự trang phục dùng trong nghi lễ hầu bóng, một tín ngưỡng bản địa của người Việt.

Nghề may khăn áo hầu thánh truyền thống có từ lâu khiến cái làng bên sông Hồng này trở thành danh tiếng, tên Hoàng Xá (xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã trở nên quen thuộc với đám cất buôn ngoài thủ đô Hà Nội và các tỉnh xa. Xưa người trong làng thạo nghề, đàn ông, đàn bà, trai gái cho đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia các công đoạn tạo nên sản phẩm.

Sau này đám trẻ đi học, thoát ly và có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn nên chỉ còn những ai có duyên theo nghề. Và không cứ người làng này mà người làng khác cũng theo nhau biết nghề về đây xin việc làm tạo thu nhập. Cả con ngõ đường trục chính vào làng có nhiều biển hiệu để xưởng may thêu và bán mặt hàng khăn chầu áo ngự nhưng lớn nhất vẫn là xưởng nhà anh Mai Dần. Đây là ghép tên của hai vợ chồng anh.

Nhà anh Dần có cửa hàng lớn mặt đường, trong cửa hàng tất cả khăn áo, phụ kiện, trang sức của mấy chục giá chầu đều đầy đủ từ cái ghim cài cho đến khuyên tai. Hàng hóa size số chất ngất, chưa kể những mặt hàng phục vụ cho diễn xướng như nến, hương, tiền vàng, sớ sách cũng không thiếu. Thế nên không phải là ông chủ, bà chủ cửa hàng thì khó mà vận hành nổi cửa hàng.

Thế nhưng, cửa hàng mới chỉ là một phần, phía bên trong khu nhà xưởng của gia đình mới thực sự “hoành tráng”. Trong cùng là xưởng thêu, đúng giờ sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 14h giờ đến 16h 30 những dàn máy thêu hiện đại chạy liên tục dưới sự điều hành của những thợ lành nghề. Phía bên ngoài là chỗ đặt máy may, các chị em cũng miệt mài giáp nối may thân áo, tra tay vào cổ. Xưởng rộng cũng là chỗ cho cánh các chị, các bà thêu tay hàng đặt hay đính kim sa, đơm cúc.

Chỗ của ông chủ khiêm tốn hơn là một bàn cắt, xung quanh treo lủng lẳng những bìa giấy, mặt bàn lúc nào cũng thước, phấn, bìa hay vải sẵn sàng cho một đơn đặt hàng mới hay phục vụ cảm hứng sáng tạo của người sáng tác.

Để tạo ra một bộ trang phục hầu này không hề đơn giản, nhất là với những người cầu kỳ, muốn thửa những bộ đặc biệt. Họ có điều kiện kinh tế nên không muốn mua những bộ hàng may sẵn mà đặt may theo đúng số đo của mình, lại muốn hàng thêu tay chứ không phải thêu máy thì “tác phẩm” này không hề đơn giản.

Ông chủ sẽ phải đo và ngắm vóc dáng chủ nhân sẽ vận khăn áo. Ông cắt mẫu trên giấy, may thử trên vải. Khách cũng không ngại về mặc thử, xem có cần chỉnh trang gì không sau đó mới tiến hành thêu trên vải. Trải qua quá trình thêu tay có khi đến cả tháng trời mới xong, lúc này ông chủ mới tiến hành cắt áo.

Cắt xong vẫn những công đoạn như vắt sổ máy và khâu đính còn lại. So ra với hồi xa xưa thời các cụ chưa có sự tham gia của máy móc thì việc hoàn thiện một tấm áo này vẫn còn nhàn hơn nhiều. Nặng nhất vẫn chỉ là công đoạn thêu.
Hình thêu tinh xảo trên áo ngự.  Ảnh: Trọng Chính.

Hình thêu tinh xảo trên áo ngự.  Ảnh: Trọng Chính.

Lại nói rõ hơn về loại trang phục này, 36 giá đồng thì cũng phải có đến bấy nhiêu bộ trang phục với màu sắc, trang trí mà ở đây chủ yếu là thêu thùa, đính khác nhau. Thường thì những người hầu bóng này chỉ sắm khoảng gần 30 bộ coi như là tạm đủ, vì hầu thông thường cũng chỉ hầu đến khoảng chừng ấy giá.

Khăn đỏ để phủ là một vật dụng vô cùng quan trọng, được xem như là vật tiếp dẫn trong quá trình mẫu, chầu, quan về ngự.

Mỗi bộ trang phục đều được may thêu hay đính với những tích truyền đời và có một lý do riêng biệt. Rất có thể những người mới “ra đồng” chưa hề biết tại sao khăn áo giá chầu này lại có màu sắc và hình thêu như vậy, chỉ có người thợ may lâu năm và cũng có căn duyên với thánh mẫu mới biết điều đó.

Có thể nói đây là một dòng chảy của đức tin, người sau bước theo người đi trước và điều đặc biệt là khi diễn xướng mỗi người lại nhận được sự ban tặng hay còn gọi là sáng tạo riêng để bày tỏ đức tin, lòng biết ơn của mình với những bậc thánh, mẫu.

Trong ánh sáng của đèn nến và lửa, trong tiếng hát mê dụ của cung văn, trong khung cảnh rộn ràng của âm thanh huyền diệu những người tham dự như được đón nhận, được bay lên một cõi khác – cõi ấy được bảo bọc, được ban tặng, rất có thể nó khác xa hiện tại của mỗi người. Chính vì để tạo nên không gian thiêng này, để tiếp cận, đón nhận những ân điển quý báu đó nên người hầu đồng phải chuẩn bị và trang phục này đã góp phần làm nên sự hoàn mỹ cho nghi lễ.

Trang phục quan Hoàng Mười màu vàng uy nghi, từng vân mây đẹp, mũ miện kim sa lấp lánh. Trang phục ông Hoàng Bảy Bảo Hà màu tím, nét thêu điểm xanh, trên nền gấm hình thêu rồng như đang bay trong mây.

Trang phục quan Tuần Tranh màu xanh, đi với khăn xếp đỏ tạo nên nét nho nhã của ngài. Trang phục của mẫu Thượng Ngàn màu xanh, khăn cũng màu xanh, bà cai quản 81 cửa rừng trong ánh lửa reo vui cùng tiếng chim hót, vượn kêu màu áo xanh của bà ánh lên một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ như cây rừng tầng tầng, lớp lớp…

Người thợ may, thợ thêu ở làng này ngày đêm miệt mài tạo nên những trang phục với cách hiểu cách cảm khác nhau, với tay nghề và phần việc cũng khác nhau nhưng có một điểm chung là họ vô cùng say mê, tâm huyết và cùng gửi vào đó một đức tin.
Hoa văn trang trí cho thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người thợ thêu. Ảnh: Trọng Chính.

Hoa văn trang trí cho thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người thợ thêu. Ảnh: Trọng Chính.

Đạo Phật đến Việt Nam, mang theo tôn chỉ “lấy bất biến ứng vạn biến” chưa bao giờ có sự “át” tôn giáo hay tục thờ bản địa, nên đạo Mẫu của người Việt vẫn luôn song hành cùng đạo Phật và các tôn giáo khác. Chính vì vậy tục hầu bóng cũng còn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống.

Người làng khéo, khéo từ nghề tằm tang cho đến thêu thùa, may vá. Người con gái được đánh giá đảm hay vụng cũng có phần quan sát từ đường kim chỉ. Người làng nghề thì còn phải nói. Bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con, đường kim mũi chỉ thấm tháng năm, mùa vụ, thấm những câu chuyện mê dụ về giá chầu ở đền to, phủ lớn hay ở chính điện mẫu làng mình.

Thế nên, áo khăn này theo thời gian mà hoàn thiện, bay bổng. Bay trong giá người về ngự, bay trong uy linh của quan, trong nét đẹp của chúa của chầu. Tay người làng thêu làm ra cả. Những khung thêu mắc lên, thêu qua ngày nắng mùa hạ, qua ngày rét mùa đông để kịp cho thợ cắt, thợ may và gióng lên xống áo.

Đức tin, khung cảnh, âm nhạc, trang phục là một sự kết hợp hoàn mỹ để người ta chạm đến, người ta thoát khỏi, để người ta đón nhận những năng lượng mới, năng lựợng tích cực để nuôi đức tin, để sống và đi tiếp. Để người với người thân ái, chan hòa hơn ngay lúc này đây và cả về sau.

Cách làng Hoàng Xá, xã Thống Nhất không xa là xã Dũng Tiến cùng trên địa bàn huyện Thường Tín nghề thêu cũng đang phát triển mạnh, làng Đông Cứu cũng là một địa chỉ cho những ai quan tâm đến những sản phẩm thêu thùa này.

Khách xa đi dọc đê sông Hồng vừa hưởng gió mát vừa rẽ qua những làng xã bên sông hay băng qua những cánh đồng đều có thể bắt gặp những cảnh thôn quê đẹp như cổ tích và thăm thú, tìm hiểu về những làng nghề danh tiếng của mảnh đất được mệnh danh trăm nghề này.

Câu chuyện của những nghệ nhân và những ông chủ phất lên thời hội nhập luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Mỗi bước thăng trầm của nghề đều in dấu phận người, in dấu những thế hệ người làng nghề trong đó. Đó cũng là một phần của văn hóa làng.

Áo mặc, khăn vấn, khăm trùm, khói hương, lời ước nguyện, âm nhạc dẫn lối... Những người thợ thêu, thợ may, có khi có mặt, có khi không, nhưng họ đã góp phần tạo nên không gian huyền diệu này. Một không gian của đức tin, của tình mẹ, của sự bảo bọc. Một không gian thuần Việt, được thêu dệt từ những cặm cụi và bay bổng, như cũ xưa mà lại hiển hiện ở hôm nay.

Huyền diệu, lấp lánh một đức tin, một vẻ đẹp, một dấu ấn văn hóa Việt trong hình thức diễn xướng đậm chất Việt.
                                            Theo: daidoanket.vn

Xem thêm:

>>Ký sự làng nghề - Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục - Giữ lửa niềm đam mê với nghề vẽ tranh bằng kim chỉ
>>Tranh thêu Phúc Hưng muốn đưa thương hiệu vươn xa

>>Nhớ tổ nghề thêu Quất Động
>>Thêu ren Quất Động và công cuộc xây dựng...
>>Ký sự làng nghề - Tranh thêu Tiền Tiến – độc đáo nét truyền thống giữa lòng Hà Nội
>>Người thợ thêu giỏi giàu tâm huyết với nghề
>>Phát triển thương hiệu tập thể cho nghề thêu
>>Hiệp hội Thêu ren Hà Nội: Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và phát triển
>>Đến với Nghệ nhân làng thêu Quất Động
>>Ký sự làng nghề - Tranh thêu Tiền Tiến – độc đáo nét truyền thống giữa lòng Hà Nội
 >>Nghệ nhân thêu Lê Văn Nguyên: “GÓC NGHỆ THUẬT CHIỀU THỨ 4” VỚI NGHỀ THÊU TRUYỀN THỐNG


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.459.877
Tổng truy cập: