Tin tức nổi bật
(49)-Những nghệ nhân cuối cùng giữ nghề gốm Chu Ru
(Ngày đăng: 27/11/2021   Lượt xem: 438)

Xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nổi tiếng với làng nghề gốm Chu Ru. Đây chính là nghề truyền thống của người Chu Ru, đặc trưng của cao nguyên Lâm Viên giàu bản sắc văn hóa. Gốm không những đã giúp họ lập làng mà còn giúp họ trở nên giàu có, đó chính là cái nôi mà đồng bào đang cố gắng bảo tồn.

Bà Mali thực hiện công đoạn đánh bóng gốm.
Bà Mali thực hiện công đoạn đánh bóng gốm.

Nghề gốm lập làng

Đến giờ không ai biết rõ nghề gốm có từ bao giờ, nhưng trong tiềm thức của bà Mali (64 tuổi, trú thôn K’răng Gọ xã Pró, huyện Đơn Dương), làm gốm đã trở thành một công việc thường nhật. Bắt đầu làm gốm từ năm 12 tuổi, lên 16 tuổi, Mali đã có thể làm mọi loại gốm to nhỏ, “bà tôi, mẹ tôi làm gốm, cho đến bây giờ tôi vẫn duy trì nghề gốm như máu thịt.

Làng gốm Chu Ru mà người ta hay gọi, nếu đúng phải là làng gốm K’răng Gọ, theo tiếng đồng bào thì từ “Gọ” trong K’răng Gọ có nghĩa là gốm, ám chỉ ngôi làng chuyên về làm gốm, cái tên này cũng là để phân biệt với các nhánh người Chu Ru khác”.

Bà Mali nhớ lại: “Trước đây cả làng tôi làm gốm, thuở mới lập làng, cả thôn chỉ có hơn chục hộ, nghèo lắm, không có cơm, có sắn để ăn. Cũng nhờ cái gốm này mà làng có cái ăn, có cơ ngơi đến giờ. Mậu Thân năm 1968, chiến tranh khốc liệt, dân làng bỏ chạy tứ xứ, nghề gốm cũng mất từ đó”.

Lật lại những dòng kí ức xưa cũ, bà Mali hồi tưởng: “Mẹ tôi luôn nhắc đi nhắc lại, làng mình trải qua hai lần “sinh tử”, đó là nạn đói năm 1945 và thời kì kháng chiến chống Nhật. Nạn đói diễn ra, cả làng phải cùng nhau đi ăn xin, mong sống qua ngày, sau đó ông bà mới nghĩ ra làm gốm để đổi lấy lương thực. Trong chiến tranh chống Nhật chúng đốt “trụi” cả làng, nghề gốm chính là kế sinh nhai duy nhất cùng tồn vong với làng”.

Trước đây người dân vùng đồng bào dân tộc Chu Ru có Lễ hội Cá cược, mỗi năm vào dịp nắng sau Tết, mọi người sẽ lên núi Cút Ku Rur, tại vùng đất có tên Trôm Ụ, người dân của mỗi làng sẽ đưa các sản phẩm làng mình làm ra để trao đổi với làng khác, làng nào mang được nhiều sản phẩm lên để trao đổi sẽ giành chiến thắng. Bên thua sẽ bị trói chân và phạt uống rượu.

Sau giải phóng, năm 1979 bà Mali cùng một số hộ khác trở lại làng và tiếp tục duy trì nghề làm gốm. Với bà, nghề gốm không còn là công việc để duy trì cuộc sống nữa, mà đó chính là tâm huyết cả đời, là lời hứa giữ nghề, giữ linh hồn của làng cho con cháu, “tổ tiên mình đã sống được nhờ làm gốm, nếu giờ mình bỏ nó thì phũ quá”. Chồng mất sớm, nhờ có gốm mà bà Mali nuôi lớn 13 người con.

Để làm được một sản phẩm gốm K’răng Gọ phải trải qua nhiều công đoạn như: Đào đất rừng về phơi khô, giã đất thành bột, sàng đất để lấy phần đất mịn, nhồi đất mịn với nước thành hỗn hợp dẻo, tạo hình, phơi khô, đánh bóng, đánh trong, nung gốm. Mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ, nếu làm qua loa thì gốm sẽ không bền.

Gốm của người K’răng Gọ khác tất cả loại gốm khác ở chất đất, chỉ có đất ở vùng đồi Pró này mới đủ tiêu chuẩn để làm, trước khi lấy đất phải làm lễ cúng một con gà, một gùi rượu xin chủ đất, đặc biệt là tổ tiên của chủ đất đã qua đời, nếu không làm thế thì làm gốm sẽ không thành công.

Trong quá trình lấy đất phải đào bỏ phần đất mặt, chỉ lấy lớp đất ở giữa, không nông, không sâu, chất đất mịn, không quá nhão cũng không quá khô. Gốm của người K’răng Gọ đặc biệt chắc, vì trong đất có khoáng vàng non, hiện tại chỉ có một số mỏ còn có thể lấy đất làm gốm. Chất đất tốt cộng với việc được nung ở nhiệt độ cao giúp sản phẩm gốm bền được lâu.

“Gốm Chu Ru được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng khuôn hay bàn xoay. Mọi hoa văn, hình khối đều được nắn bằng tay tạo nên đường nét rất nhẹ nhàng, tự nhiên, rất khác biệt”, nghệ nhân Mali chia sẻ. Nhiều du khách Nhật Bản đã đến xem bà Mali làm gốm, họ ấn tượng nhất bởi vẻ đẹp mộc mạc, mềm mại này, cũng vì thế người ta còn gọi gốm này là gốm mộc.

Gốm Chu Ru phải phơi thật khô rồi mới nung được, trước khi nung phải nướng qua sàn đất, để hơi nước bốc lên mặt sàn sẽ được khô ráo, nếu gốm còn ướt hay lò nung còn ẩm gốm sẽ tróc, nổ bung hết trong quá trình nung. Loại gốm này được nung bằng củi lớn, lửa to, nhiệt độ càng cao bao nhiêu sản phẩm càng chắc, đẹp bấy nhiêu.

Gốm K’răng Gọ có hai màu chủ đạo là đỏ và đen. Gốm nung xong sẽ có màu đỏ đất tự nhiên, nếu muốn có màu đen chỉ cần nhúng qua vỏ trấu, chờ khoảng 2 phút màu gốm sẽ tự động chuyển thành màu đen bóng.

Nghệ nhân Mabi (67 tuổi, chị gái bà Mali) cho hay: Trong văn hóa người K’răng Gọ đồ dùng bằng gốm rất quan trọng, hầu như mọi vật dụng đều được làm từ gốm. Không những vậy mỗi loại sản phẩm gốm sẽ phục vụ một nhu cầu khác nhau, như trong bếp núc, nồi dùng để nấu cơm, nồi hầm xương, nồi nấu cháo, kho cá,... mỗi loại sẽ có hình dạng khác nhau và được dùng cho mục đích riêng biệt.

Trước đây, khi trong nhà hết lương thực mỗi nhà sẽ gom sản phẩm gốm làm được lại, rồi cả làng sẽ cùng nhau đi đến những làng khác để đổi gốm lấy lúa gạo. Bà Mabi nhớ rất rõ, mỗi lần cùng bố mẹ đi đổi gạo sẽ đi bộ từ 1 đến 2 ngày đường rừng, có khi đi tới tận Lâm Hà, Đam Rông,...

Để phù hợp nhu cầu của khách hàng, bà Mali đã trang trí thêm nhiều hoa văn lên sản phẩm gốm của mình, như hình vẽ hoa cỏ, voi, trâu,... Hiện nay nhiều người đã biết đến làng gốm Chu Ru, xã Pró, nhiều đoàn khách từ Vũng Tàu, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Sài Gòn, Hà Nội vào tận nhà để tham quan và mua hàng, sản phẩm vừa làm ra đã có khách đặt mua, nhiều lúc không còn cả hàng mẫu cho khách xem.

Những nghệ nhân cuối cùng giữ nghề gốm Chu Ru ảnh 1

Một số sản phẩm do nghệ nhân Mabi (chị gái bà Mali) chế tác.

Làm sống dậy nghề gốm
Điều bà Mali buồn nhất là nhiều người trẻ trong làng không mấy mặn mà với nghề gốm này, người ta thích làm thuê, làm mướn để kiếm nhiều tiền hơn là làm gốm. họ không hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn cái nghề gốm này chính là bảo tồn báu vật mà ông cha để lại.

Đến nay cả làng gốm K’răng Gọ chỉ còn ba chị em nhà bà làm gốm. Đó chính là tâm huyết cả đời của chị em bà, từ lời dặn dò của tổ tiên. Không chỉ duy trì nghề, ba chị em bà Mali còn đang truyền lại các kĩ thuật làm gốm cho các con, các cháu bà và những người thích làm gốm trong làng. Nhiều cô giáo, học trò từ Vĩnh Long, Cà Mau,... cũng đến học nghề.

Năm 2014, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long về quản Giáo xứ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương), sau quá trình tìm hiểu về văn hóa bản địa, cha xứ đã bàn bạc với bà con để duy trì nghề gốm này.

Cha Hưng Long cho biết: “Nghề gốm ở Pró đã có từ rất lâu, nhưng chỉ ở hình thức nhỏ, làm chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Với ý tưởng bảo tồn, “thắp lửa” nghề gốm, tôi đã bàn bạc để giáo xứ hỗ trợ các nghệ nhân tiếp tục làm nghề, gợi ý để phát triển mẫu mã, đồng thời hỗ trợ về tiêu thụ để bà con có động lực duy trì nghề truyền thống”.

Ngay tại nhà thờ Giáo xứ Ka Đơn, nhiều sản phẩm gốm mộc như: Tô, bình hoa, chậu, ấm trà,... được trưng bày đẹp mắt để du khách có thể tham quan. Năm 2016 Giáo xứ đã xây dựng một ngôi nhà trưng bày nhiều sản phẩm văn hóa của người Chu Ru như: gốm, khèn, chiêng, đồng la,... đây chính là nơi để mọi người gìn giữ và tìm lại cảm hứng về vẻ đẹp văn hóa của đồng bào Chu Ru.

Anh Ja Tứ, cán bộ văn hóa xã Pró, huyện Đơn Dương cho biết, để giúp bà con bảo tồn, phát triền nghề gốm Chu Ru xã đã động viên bà con tiếp tục làm nghề, bên cạnh đó xã còn vận động các bạn trẻ tìm hiểu, học hỏi cách làm nghề gốm truyền thống qua các lớp dạy do xã vận động, hỗ trợ.

Thời gian tới, xã cũng sẽ lên kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới theo hướng du lịch văn hóa truyền thống, xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm truyền thống, trong đó có gốm Chu Ru, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa.

                                         Theo:  baophapluat.vn

Xem thêm:
>> 
Làng gốm cổ duy nhất của người M’nông Rlăm với quy trình sản xuất thủ công và cách nung gốm lộ thiên.

 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.464.828
Tổng truy cập: