Tin tức nổi bật
Bí ẩn 1001 chữ long trên đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam
(Ngày đăng: 16/02/2011   Lượt xem: 2766)
Sản phẩm "độc nhất vô nhị" ấy hình hài ra sao, vườn thư pháp gốm sẽ được thực hiện như thế nào, tôi đem thắc mắc đó hỏi ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). ông Thắng "ớ" người nói: "Chưa thấy Xí nghiệp gốm Chu Đậu báo cáo Tổng công ty. Mình lại nghĩ rằng, đó là ý tưởng của... phóng viên". Thế là tôi đi Chu Đậu.

Thiên biến vạn hoá...

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Lưu - Giám đốc Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã phân bua với PV ĐS &PL rằng: "Tôi đang định bí mật đến cùng, vậy mà PV... làm lộ hết. Vườn gốm thư pháp Chu Đậu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có 3 điểm nhấn là đĩa gốm 1000 chữ long; đĩa gốm 9 con rồng thời Lý, đĩa gốm Chiếu rời đô của Lý Công Uẩn... Đều được thể hiện trên sản phẩm gốm Chu Đậu có kích thước lớn nhất Việt Nam". Quả thực, tôi bất ngờ với cách lý giải của ông Giám đốc Xí Nghiệp có hình dáng, điệu bộ như một... nông dân thực thụ nhưng biết "gửi tình yêu vào đất" để "được hoa trái đầy cành". ông Lưu chỉ vào 2 đĩa gốm Chu Đậu nói: "Trong lòng đĩa rộng 1, 12m này chứa đựng 1001 chữ long. Còn đĩa này là 9 con rồng, biểu tượng của 9 đời vua nhà Lý. Điểm nhấn thứ 3 là Chiếu rời đô của vua Lý thì đang trong quá trình thực hiện, chưa có sản phẩm". Nói xong, ông bỏ mặc tôi với 2 sản phẩm "con cưng" của mình rồi tất tả đi làm việc khác. Đĩa gốm có hình 9 con rồng rất ưa nhìn, dễ đọc. Tôi phải "đánh vật" với chiếc đĩa 1001 chữ long. Bởi trên đĩa, ngoài chữ long còn có nhiều hình khác như người, cây, hoa, lá, chim, con gà, con trâu, cánh buồn, bản đồ Việt Nam... Trong suy nghĩ của tôi và tôi tin chắc chắn là của nhiều người khác nữa, đều nghĩ 1000 chữ long được thể hiện trên đĩa gốm Chu Đậu chỉ toàn là chữ Hán, giống nhau, được sắp xếp theo trật tự. Thế nhưng, trong lòng đĩa gốm Chu Đậu rộng 1, 12m này có 1001 chữ long hoàn toàn khác nhau. ở giữa đĩa gốm là một con rồng- tức chữ long lớn. Trên chữ long có một nét nhỏ, gọn quện vào. Nhà thư pháp Lê Thiên Lý, tác giả của 1001 chữ long trên đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất, độc đáo nhất Việt Nam giải thích: "Là sản phẩm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên chữ ở giữa đĩa phải là chữ long lớn - con rồng đại. Trên chữ long có nét nhỏ, quện vào đó là chữ Thăng, viết theo thư pháp của chữ long, thành Thăng Long - rồng đại." Thấy tôi, tẩn mẩn đếm những hình mặt người, cây, hoa, lá... rồi cộng, trừ, nhân, chia, ông Lý khẳng định: "Toàn là chữ long đấy. Hình người, vật, cây... viết theo nghệ thuật thư pháp của chữ long." Nghệ thuật của thư pháp là một nhưng có sự khác nhau, như thế mới độc đáo. Thư pháp chữ không phải là viết, là chép chữ Hán.

Một sáng tạo "độc nhất vô nhị" của thư pháp đương đại

Lý giải cho cái gọi là nghệ thuật thư pháp, Tiến sỹ văn hoá Nguyễn Văn Bính cho biết: "1001 chữ long khác nhau là một công trình đặc biệt, một sáng tạo độc đáo và tài hoa, độc nhất vô nhị của thư pháp đương đại Việt Nam và thế giới. Trong 1001 chữ long khác nhau này có đủ các thể truyền thống như Triện, Lệ, Khải, Thảo, Hành. Ngoài ra, có 2 thể mới do nhà thư pháp Lê Thiên Lý sáng tạo là Nhân diện thư và Vật điểu thư. Nhân là người mà vật là con vật, đồ vật. Đĩa gốm Chu Đậu 1001 chữ long khác nhau là một bức tranh chữ liên hoàn, kỳ thú về đất nước, con người, văn hoá, lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó là những sự vật, sự việc, con người diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta."
Xung quanh việc ông Lưu và ông Lý tái hội ngộ để cùng nhau thực hiện nghệ thuật thư pháp trên sản phẩm gốm Chu Đậu có vẻ rất tình cờ nhưng đó có lẽ là cái duyên "trời định". ông Lưu kể: "Tôi được đào tạo bài bản về hàng hải, về thuỷ thủ tàu viễn dương. Tôi đã thấm thía câu hát "chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào" khi lênh đênh trên biển với con thuyền. Tôi biết ông Lý từ khi còn là thuỷ thủ tàu viễn dương ở Hải Phòng. Rời xa tình yêu với biển, tôi về quê "gửi tình yêu vào đất". Sau nhiều năm, tôi gặp lại ông Lý ở triển lãm nghệ thuật thư pháp tại Vân Hồ - Hà Nội. Cuộc tái ngộ này và những gì ông Lý thể hiện ở triển lãm đã hình thành ý tưởng vườn thư pháp nghệ thuật gốm Chu Đậu trong tôi. Đĩa gốm 1001 chữ long sẽ có kích thước lớn nhất là 1, 5m. Chiếc đĩa 1, 12m chỉ là "bản nháp". ông Lưu tiết lộ chuyện "bếp núc" khi thực hiện đĩa gốm lớn nhất Việt Nam: "Lò nung có trị giá lớn gấp vài chục lần lò nung các sản phẩm gốm thường. Thời gian nung lâu hơn, tốn nhiều nguyên vật liệu hơn. Để đĩa gốm không có lỗi (tức không rạn, không vết nứt, dù chỉ là sợi chỉ) thì việc chọn nguyên liệu - đất sét có yếu tố quyết định đầu tiên, sau đến kỹ thuật giữ lửa khi nung."

Ông Lý phân trần về "cái khổ" khi tái ngộ với ông Lưu, rằng: "Cứ phải ăn, ở, ngủ ở Chu Đậu. Phải gò người treo trên cái dàn giáo để ép nhìn "bay" với cây bút khi viết trên đĩa gốm mộc. Cái giá của sự gò người ấy là nhiều nghìn đô đấy! ". "ông bán bản quyền cho ông Lưu được giá thế kia õ?" - Tôi hỏi. ông Lý tâm sự: "Giữa tôi và ông Lưu có sự giao kèo là tình yêu nghệ thuật thư pháp kết hợp với gốm Chu Đậu. Giá ấy là của một đại gia ở Hà Nội đưa ra. ông đại gia này gặp tôi và đặt vấn đề: Bác bán bản quyền 1000 chữ long khác nhau đó cho em. Em trả bác... vài trăm nghìn đô để dưỡng già. Sau đó, em mang 1000 chữ long này đến làng gốm Bát Tràng, nhờ các nghệ nhân vẽ lên sản phẩm gốm lớn nhất Việt Nam để em trưng bày ở nhà riêng. Thế đấy, đại gia ra giá chứ tôi không biết giá là bao nhiêu. Tôi nói: Anh đến gặp ông Lưu, ông Lưu bán cho anh bao nhiêu thì giá nó là bấy nhiêu". Nói xong, ông Lý và ông Lưu nhìn nhau cười lớn.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.409.645
Tổng truy cập: