Tin tức nổi bật
Tò he cần một “mái che” để bán hàng
(Ngày đăng: 17/10/2012   Lượt xem: 1434)

(langnghevietnam.vn) - Với hơn 300 năm tồn tại và phát triển, làng nghề tò he Xuân La (Xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) nổi tiếng với những chú tò he ngộ nghĩnh, gắn bó với đời sống tâm hồn, tình cảm con người Việt Nam. Gần đây, đồ chơi hiện đại lên ngôi, tuy tò he vẫn tồn tại, nhưng những nghệ nhân tài hoa làm nên tò he phải vất vả, chật vật để giữ nghề, kiếm sống.

Từ “chim cò” đến “tò he”

Một trong những cháu nội của gia đình nghệ nhân Đặng Đình Ập vốn nổi tiếng ở làng Xuân La là nhà anh Đặng Đình Huynh sinh năm 1975. Anh Huynh hiện là Phó thôn Xuân La, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) tò he Xuân La, Hội viên Hội Di sản văn hoá Việt Nam. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, anh Huynh cho biết, tên gọi “tò he” cùng với xuất xứ, cụ Tổ của làng nghề tò he Xuân La vẫn đang còn là một ẩn số.

Người dân Xuân La xưa có câu “thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò”.

“Chim cò” chính là tên gọi xưa kia của nghề tò he. Khi nông nhàn, vào mùa lễ hội, nghệ nhân tò he Xuân

La lại đi chu du khắp thiên hạ kiếm sống. Từ tên gọi nghề chim cò chuyển thành nghề tò he từ bao giờ nay không ai biết. Người dân Xuân La, từ già đến trẻ nay chỉ biết rằng, ngày hội nghề tò he tổ chức chung với ngày hội thành Hoàng làng, rằm tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ ông Tổ nghề và tôn vinh nghề tò he.

Nguyên liệu làm tò he là thứ bột gạo nếp dẻo, trắng và thơm, kết hợp với phối màu tự nhiên của củ nghệ, lá trầu không, quả gấc chín, quả phèn đen… tạo nên những hình khối các con vật vô cùng bắt mắt và hấp dẫn.  

Dưới bàn tay, khối óc khéo tưởng tượng, uyển chuyển đến lạ kỳ của các nghệ nhân đã tạo ra vô số các con vật như 12 con giáp, bông hoa, những con vật ngộ nghĩnh, rất gần gũi với cuộc sống của người dân như trâu, bò, gà, lợn hoặc những nhân vật nổi tiếng như nàng công chúa, chàng hoàng tử, Thạch Sanh khoẻ mạnh nhân hậu, cô Tấm dịu dàng… trở nên vô cùng hấp dẫn, sinh động. Gần đây, để tò he sinh động hơn, các nghệ nhân đi đến đâu cũng sáng tạo thêm những chú tò he theo yêu cầu của khách hàng nhỏ tuổi, nặn những nhân vân yêu thích trong phim, truyện tranh.

Ruộng bề bề, nghề tò he vẫn sống

Ngày thường, nghệ nhân tò he là những người nông dân, canh tác trên cánh đồng Ao Láng rộng dài ngút tầm mắt. Như thế để thấy, diện tích đất nông nghiệp của Xuân La không phải nhỏ. Mỗi nhân khẩu được giao khoảng 1,65 sào ruộng, nhà nhiều có tới trên mẫu, nhà ít cũng dăm, ba sào, đó là con số mơ ước của nhiều làng quê thuần nông ở Bắc Bộ hiện nay.

Nay thì đã khác, thuỷ lợi ở đồng Ao Láng thuận lợi, hàng năm cánh đồng cho hai vụ bội thu. Ngoài nghề truyền thống, người dân Xuân La vốn năng động, còn có thêm nhiều nghề như chăn nuôi, đúc tượng, kinh doanh, dịch vụ nên hầu như không còn hộ đói nghèo.

Dầu no đủ, nhưng nghệ nhân đều ý thức sâu sắc về sản phẩm và tự có trách nhiệm phải sống chết để duy trì, bảo tồn nghề. Đã có thời kỳ, nghề tò he tưởng chừng mai một vì không có chỗ đứng, bị các loại đồ chơi rẻ tiền hiện đại cạnh tranh. Nhờ có chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề của Nhà nước, tò he vẫn sống và phát triển, bởi đó là nghề cha truyền con nối, thể hiện hồn cốt của làng Xuân La, đồng thời cũng là nghề mang thêm nguồn thu nhập.

Theo anh Đặng Đình Huynh, những lúc cao điểm làng có vài trăm người làm nghề. Nay số lượng nghệ nhân không nhiều, nhưng một số gia đình, dòng họ như Đặng Văn Tố, Đặng Đình Ập, Đặng Đình Chuyển, Đào Văn Tích... còn rất gắn bó với nghề. “Bản thân vợ và hai con trai, gái của tôi, đứa lớn 13, đứa nhỏ 11 cũng đã khá thành thạo tò he. Các cháu có thể nặn những con vật đơn giản rồi”- Anh Huỳnh khoe trong niềm tự hào.

Anh Huynh còn cho hay, hiện nay, vẫn còn hàng trăm nghệ nhân đang đi nặn, bán tò he trên khắp mọi miền đất nước. Cũng có người ra nước ngoài hành nghề. Nhiều nghệ nhân lão làng, tám, chín mươi, không đi bán nhưng thỉnh thoảng mang nguyên liệu ra nặn để dạy con cháu và cũng đỡ… nhớ nghề.

Người dân Xuân La cho biết, gần hai năm trước, trong buổi lễ đón nhận kỷ lục Guiness “Làng tò he duy nhất Việt Nam”, họ đã được chiêm ngưỡng 3 sản phẩm tò he khổng lồ gồm: Con rồng thời Lý cao 1m, dài 3m nặng 3 tạ; cụ rùa rộng 1,35m dài 1,45m, nặng 2 tạ rưỡi; mâm ngũ quả nặng 3 yến. Đó là niềm tự hào mà các nghệ nhân CLB đã làm nên để tôn vinh nghề tò he của làng.

Tò he cần “mái che” để bán

Rất nhiều nghệ nhân tò he như anh Đặng Văn Chính, chị Nguyễn Thị Tuân, Nguyễn Thị Thảo… mà chúng tôi tiếp xúc đều rất bức xúc vì khi đi bán tò he luôn bị xua đuổi. Vì to he là đồ chơi dân gian dành cho trẻ em, việc nặn, bán tò he phải lựa chọn địa điểm thích hợp, phù hợp nhất là ở các lễ hội truyền thống, chợ quê, công viên, bảo tàng, trung tâm vui chơi giải trí, vào các thời điểm lễ, hội, tết thiếu nhi… Trong con mắt của nhiều người có trách nhiệm ở nhiều địa điểm trên, tò he bị coi là loại hàng rong, gây mất trật tự, mĩ quan đô thị. Nghệ nhân thường bị các lực lượng chức năng xua đuổi, thu giữ đồ nghề rất bê tha, nhếch nhác.

Anh Đặng Đình Huynh chia sẻ:

- Là những nghệ nhân được Hội Di sản văn hoá công nhận hẳn hoi mà khi đi nặn, bán tò he, chúng tôi bị coi thường, bị đuổi. Những lúc ấy chúng tôi bị biến thành ‘trò hề’ trong mắt thiên hạ. Nhiều nghệ nhân tự ái bỏ nghề, chuyển nghề, thế thì anh bảo làm sao mà bảo tồn, phát triển nghề tò he trong thời buổi hiện nay, khi mà các loại đồ chơi trẻ em nhập lậu, không nhãn mác, rẻ tiền tràn ngập.

Ngoài các dịp được mời tham dự lễ hội, nghệ nhân tò he còn được mời giảng dạy, giới thiệu chính thức ở các tổ chức, cơ quan, trường học, tuy nhiên những dịp trên không nhiều, nghệ nhân tò he phải tìm đất làm nghề và giữ nghề. Vì thế, tò he rất cần được cơ quan chức năng hỗ trợ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật dân gian có một không ai trên thế giới này.

1 copy.jpg

Nghệ nhân trẻ Đặng Đình Huynh tự hào giới thiệu về những kỷ niệm cùng CLB

đi biểu diễn, hội thi nghệ thuật tò he. 2 copy.jpg

Các cháu thiếu nhi xúm xít bên hàng tò he của anh Đặng Văn Chính trong không gian

Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2012.

Bài, ảnh:  Đào Đức Hanh

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.463.851
Tổng truy cập: