Tin tức nổi bật
(99)- Để hồi sinh một làng tranh...
(Ngày đăng: 27/11/2019   Lượt xem: 457)
Thời hưng thịnh làng Tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện ThuậnThành, Bắc Ninh) có tới 17 dòng họ và hơn 150 gia đình gắn bó với nghề. Thế nhưng, đến nay cả làng tranh dân gian xưa ấy chỉ còn vỏn vẹn 3 gia đình duy trì nghề.

 
de hoi sinh mot lang tranh
Con cháu nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn đang miệt mài giữ nghề tranh. (Ảnh: Hà Anh)

Những người thợ làm tranh Đông Hồ còn lại như gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn nhớ làng xưa của họ có chợ tranh tấp nập dịp tháng Chạp với 5 phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26 đưa tranh theo thương lái, xuôi ngược khắp mọi nẻo đường đất nước. Đặc biệt, ngay từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, cả làng đã rộn ràng với các sắc màu của giấy điệp để chuẩn bị cho mùa tranh Tết...

Hiện nay, không khí xưa không còn nữa, nhưng trải qua 20 thế hệ, gia đình ông Chế giữ nghề truyền thống. Tất cả các con cháu của ông vẫn miệt mài duy trì nghề dù biết nguy cơ thất truyền làng tranh không còn quá xa vời...

Tìm người “giữ lửa”...

Với lịch sử phát triển hơn 600 năm cùng với các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng ở phía Bắc, tranh Làng Sình ở miền Trung và tranh dân gian Nam Bộ phía Nam, tranh dân gian Đông Hồ vẫn là sản phẩm văn hóa tinh thần giá trị của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Năm 2012, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều giá trị của dòng tranh này đã bị phôi pha, biến dạng, nhiều tranh và bản khắc độc đáo đã không còn nguyên bản, lưu lạc, thất tán trong dân gian.

Đi tìm nguyên nhân cho thực trạng này, GS.TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam nhận thấy là do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến, đặc biệt tục lệ mua tranh treo ngày Tết không còn như trước. Bên cạnh đó, thách thức đáng báo động khác chính là sự truyền dạy, truyền nghề của các nghệ nhân cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa này.

Cũng theo GS.TS. Trương Quốc Bình, nghề làm giấy gió ở Yên Thế (làng Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) đang mai một nên nguồn cung cấp nguyên liệu truyền thống chủ yếu để làm tranh dân gian cũng bị ngừng trệ. Chính sự thay đổi trong việc sử dụng vật liệu làm giấy và các loại màu vẽ công nghiệp cũng tạo nên biến đổi chất lượng màu đối với loại tranh dân gian truyền thống.

Không phủ nhận rằng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện còn đến nay chính là nhờ vào nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ nghệ nhân có lòng yêu nghề, chuyên tâm với vốn quý di sản của ông cha để lại. Trước thách thức của nguy cơ mai một, họ vẫn kiên trì “giữ lửa” truyền thống và khuyến khích các gia đình đang theo nghề hàng mã quay lại nghề truyền thống.

Có thể cảm nhận được tấm lòng ấy khi ghé thăm xưởng tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hay nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh với hàng nghìn bản khắc gỗ cổ tranh Hứng dừa, Đám cưới chuột, Lợn âm dương, Gà mẹ gà con, Gà đàn... được lưu giữ. Mặc dù làm tranh không thu lợi nhuận cao nhưng họ vẫn quyết tâm theo nghiệp tranh và một lòng hướng cho các con trung thành với dòng tranh quý của quê hương.

... và đầu ra cho sản phẩm

Thị trường tiêu thụ của tranh Đông Hồ hiện nay chủ yếu là khách du lịch, các nhà sưu tập tư nhân, viện nghiên cứu, trung tâm văn hóa, bảo tàng... với số lượng không lớn. Trong khi thị trường tiêu thụ trong nước đã bão hòa và thị trường quốc tế chưa mở rộng, người làng tranh còn thiếu vốn để đầu tư cơ sở sản xuất, nhà trưng bày để quảng bá sản phẩm...

Mới đây, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất hai giải pháp cho việc phát triển đầu ra cho sản phẩm của tranh dân gian Đông Hồ là đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu mới của thị trường và phát triển du lịch tại làng nghề. Để làm được điều này thì cần phải xây dựng thương hiệu cho nghệ nhân, bởi nếu tranh của họ có thương hiệu, giá sẽ nâng cao theo giá trị của sản phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm này, ông Ishii Seiki – một học giả đến từ Nhật Bản cũng cho rằng, nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản đã được thay đổi theo lối sống hiện đại. Mặc dù sản xuất hàng loạt là điều khó khăn, nhưng họ có thể cung cấp số lượng cần thiết ở mức giá tối ưu để có thể phát triển một doanh nghiệp chuyên sản xuất về các sản phẩm truyền thống.

May mắn là việc bảo tồn và phát triển làng nghề tranh dân gian Đông Hồ đang được UBND tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm, trong đó có việc đảm bảo đầu ra cho tranh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, Tỉnh đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy làng nghề tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014–2020 và sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc mua sản phẩm ở các làng nghề để tặng bạn bè trong nước và quốc tế, nhằm tăng thêm thu nhập, khuyến khích người dân gắn bó với làng nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, công việc cấp thiết mà tỉnh Bắc Ninh cần làm là quảng bá tranh Đông Hồ đến các nước trên thế giới; đưa nghệ nhân tham gia các lễ hội, trình diễn tại các tỉnh để quảng bá nghề tranh; tổ chức cho các nghệ nhân tham gia khóa nghiên cứu và học nghề làm tranh; lập hồ sơ công nhận nghệ nhân cấp tỉnh và trung ương, hỗ trợ kinh phí để các nghệ nhân sưu tập những bản khắc tranh dân gian Đông Hồ cổ truyền... Tất cả biện pháp trên đều nằm trong dự án xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia trình UNESCO để đưa tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất để khôi phục làng nghề chính là đầu ra sản phẩm. “Nếu Nhà nước và tỉnh quan tâm động viên về cả vật chất lẫn tinh thần và quảng bá làng nghề với bạn bè thế giới thì tôi chắc chắn làng nghề sẽ dần được khôi phục”, ông Chế nói.
                                                                   Theo: baoquocte.vn

Xem thêm:
>>Nghệ nhân tranh Đông Hồ - Nguyễn Hữu Quả với: “GÓC NGHỆ THUẬT CHIỀU THỨ TƯ”

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.463.787
Tổng truy cập: