Tin tức nổi bật
(29-33) - Giữ nghề truyền thống Hà Nội - Lưu giữ giá trị giá trị truyền thống và hiện đại: Bài cuối: Hợp tác để cùng phát triển
(Ngày đăng: 18/08/2019   Lượt xem: 494)

Một đặc trưng của các làng nghề, thậm chí phố nghề của Hà Nội phát triển khá đơn lẻ và đơn độc trong quá trình hội nhập. Đâu đó đã có sự liên kết giữa các nghề với nhau nhưng khá manh mún và tự phát.


Mong mỏi sự hợp tác


Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người vẽ duy nhất dòng tranh Hàng Trống (Hoàn Kiếm) chia sẻ: Trong vẽ tranh dân gian, giấy dó có ứng dụng đặc biệt với tranh Hàng Trống. Tôi đã thử qua nhiều loại giấy, thậm chí thời bao cấp khó khăn, tôi phải làm tranh bằng giấy báo thừa mua được từ các nhà in, sau đó phải bồi thêm nhiều lớp, khắc phục bằng nhiều cách thì mới có thể làm tranh. Khi có điều kiện mang tranh ra nước ngoài triển lãm phải cuộn lại cho vào va li, khi mở ra thì bức tranh quăn như bánh đa làm “xấu” đi tác phẩm của mình. Sau này, tôi tìm đến với chất liệu giấy dó thì chất lượng tranh mới giá trị như trước đây, tranh không bị quăn hay bị ướt. 

Ông Phạm Khắc Hà- Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc vẫn lưu giữ nghề dệt lụa


Họa sỹ Lý Trực Sơn, từng giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã thủ nghiệm vẽ trang trên giấy dó vào những năm 1987-1988 và nhận thấy tính thấm nước, dẻo dai và kết hợp với thuốc nước tạo lên những bức tranh sống động. “Những năm gần đây nhiều họa sỹ nước ngoài cũng ưa chuộng chất liệu giấy dó của Việt Nam để thể hiện tác phẩm. Do đó, nhiều nghệ sĩ tìm về nơi sản xuất chất liệu giấy dó để đặt hàng. Có thể sản xuất số lượng ít nhưng thật chất lượng để cung cấp cho giới họa sĩ sẽ là một động lực để nghề giấy dó hồi sinh”, họa sĩ Lý Trực Sơn tâm sự.


Chị Ngô Thu Huyền, cháu gái cụ Điều tại làng Dương Ổ (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh), nơi vẫn còn sản xuất giấy dó cho biết: Hiện nhiều họa sĩ, trong đó có họa sĩ nước ngoài về đặt hàng làm giấy dó bởi tính chất dai, bền. Tuy nhiên, tùy từng đối tượng sử dụng, cơ sở cũng có những loại giấy phù hợp. Chẳng hạn, đối với giấy dùng để viết thư pháp phương tây, ban đầu thường bị ngòi bút cào xước hoặc do tính ngậm nước của giấy dó nên khi viết mực lên sẽ không ăn mực nên cơ sở sản xuất giấy chuyên cho dòng thư pháp. Hoặc cùng với cơ sở sản xuất hàng lưu niệm nghiên cứu loại giấy làm thiệp cưới, giấy mời thủ công… 


“Liên kết tạo các sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng sẽ là phương châm để duy trì, phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, phần lớn là do cơ sở tự làm trong điều kiện vốn ít, nhân lực hạn hẹp khó có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chị Huyền cho biết.


Trong khi đó, không như trước đây, chỉ làm dịp Tết Trung thu mới làm, giờ đây gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa làm mặt nạ giấy bồi quanh năm với các đơn đặt của khách hàng cả nước. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cho biết: "Nhiều nhà trường, đơn vị biết đến mặt nạ trung thu làm bằng giấy bồi vừa an toàn, vừa độc đáo mang bản sắc truyền thống. Nhiều đơn vị đặt mua các hình mặt nạ chưa qua sơn để làm trải nghiệm cho các em nhỏ với bộ môn mỹ thuật cũng như để tổ chức các chương trình, sự kiện. Nhiều du khách nước ngoài khi đến đây cũng đăng kí lịch để tham gia trải nghiệm làm mặt nạ tại nhà mang lại nguồn thu đáng kể”.


Trong thời gian gần đây, mặt nạ trung thu được khá nhiều du khách nước ngoài biết đến, họ sẵn sàng mua mặt nạ giấy để làm quà cho người thân. Cũng có đoàn khách du lịch đến trực tiếp gia đình nhà nghệ nhân Hòa để trải nghiệm. "Nghề truyền thống của gia đình là động lực để chúng tôi tiếp tục lưu giữ nghề này, qua đó quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống của người Hà Nội. Sự kết hợp với du lịch, với trường học, tổ chức xã hội đang mang lại cơ hội để mặt nạ giấy bồi có sức sống”, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.


Trong khi đó, nhà thiết kế trẻ Đắc Ngọc đã tham dự nhiều sàn diễn quốc tế chia sẻ tại chương trình trình diễn thời trang do Ban quản lý phố cổ tổ chức mới đây về ý tưởng đưa sản phẩm truyền thống vào các mẫu thiết kế. “Tôi đã tìm đến chất liệu tại các làng nghề truyền thống với chất liệu tốt theo ý tưởng nhưng không có. Do đó, mong muốn có sự hợp tác giữa các nhà thiết kế và những cơ sở làng nghề truyền thống để có thể tạo sản phẩm đặc trưng, ấn tượng để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa những sản phẩm truyền thống của Việt Nam”, Đắc Ngọc chia sẻ.


Kết hợp với làng nghề và du lịch


Vạn Phúc hiện có 64 hộ làm nghề dệt lụa và 100 hộ kinh doanh lụa; trong đó có 50 hộ vừa có xưởng dệt vừa có cửa hàng kinh doanh. Với quá trình đô thị hóa, nguồn tơ các xưởng dệt đang sử dụng là tơ nhập từ tỉnh Lâm Đồng. Còn nhuộm do yếu tố môi trường nên cũng đặt làm tại Hà Nam. 

Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào mở lớp dạy nghề thêu truyền thống


“Để giữa chất lượng lụa, phường quy hoạch khu bán tại Trung tâm bảo tồn truyền thống với 20 hộ với 60 cửa hàng. Theo đó, các hộ phải đóng ký quỹ, bán hàng chất lượng theo cam kết. Nếu hộ nào bán hàng kém chất lượng, bị phản ánh sẽ bị nhắc nhở trên loa phát thanh phường, đến lần thứ 3 sẽ phạt hành chính. Còn các hộ ngoài khu vực trung tâm, nguồn hàng nhập từ đâu do họ tự quyết bởi nền kinh tế thị trường không có quy định bắt buộc họ chỉ kinh doanh nguồn từ làng nghề. Đó cũng là cái khó trong việc xay dựng thương hiệu làng nghề. Với nhiều du khách kỹ tính, muốn trải nghiệm, sau khi đến cửa hàng, họ còn vào tận xưởng dệt tham quan. Trong những năm trở lại đây, khi trở thành điểm đến du lịch, các xưởng dệt không có đủ sản phẩm để bán ra bên ngoài mà chỉ đủ để bán tại cửa hàng mình”, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc chia sẻ. 


Tại một số cửa hàng dệt lụa truyền thống, để đáp ứng thị hiếu của du khách, cùng với dệt sản phẩm với màu sắc đa dạng, các cửa hàng liên kết với làng nghề thêu, vẽ trên lụa. Nếu có nhu cầu về may áo dài cho khách du lịch, cửa hàng liên kết nhà may may áo dài làm theo mẫu khách đặt. “Các mẫu thiết kế cũng chỉ do một số nhà may nghĩ ra. Còn thiết kế thời trang kết hợp với họa tiết khác thì còn rất hạn chế. Khi đã trở thành điểm du lịch, các hộ làng nghề cũng mong muốn có sự liên kết bài bản và sâu rộng hơn”, ông Hà chia sẻ.


Trong khi đó, nằm giữa tuyến phố đông khách du lịch, cửa hàng bạc của nhà ông Thành cũng được du một số đơn vị lữ hành giới thiệu đến bởi sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong những đường nét chạm khắc. Những vị khách đặt hàng thường có mẫu mã riêng để ông sáng tác sản phẩm theo ý tưởng của họ; trong đó phần lớn là những khách đến từ châu Âu, Nhật Bản. Hiện tên tuổi của ông được giới thiệu trong chỉ dẫn du lịch của Nhật để giới thiệu nét độc đáo của nghề truyền thống phố cổ Hà Nội. 


Còn nghệ nhân tranh thêu tay Nguyễn Thúy Đào, thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín cũng rất mong làng nghề trở thành điểm du lịch để khách trải nghiệm, nhận biết nét đẹp, giá trị công phu của thêu tay. Thôn có 60 hộ làm nghề thêu nhưng chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của một số đơn vị để xuất khẩu. Còn mở cửa hàng trên phố cổ hoặc các điểm du lịch cần vốn lớn. “Tôi cũng đã đi dự hội thảo trên huyện, thành phố và cũng nhắc đến mở điểm du lịch làng nghề nhưng vẫn chưa triển khai. Chúng tôi cũng mong muốn làng nghề tại xã Thắng Lợi trở thành điểm du lịch để tiêu thụ tại chỗ sản phẩm của mình. Dù tranh thêu tay hiện vẫn được nhiều thị trường đón nhận nhưng về bản chất thì những người thợ làng nghề đi làm thuê lấy công làm lãi nên nhiều người chỉ coi là nghề tay trái”, nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào chia sẻ.


Trong thời gian qua, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chương trình giao lưu văn hóa gắn kết giữa phố nghề - làng nghề. “Chúng tôi mong muốn thông qua các sự kiện vừa để quảng bá và cũng là vừa để các nghệ nhân, nhà thiết kế liên kết, hợp tác với nhau giữ nghề truyền thống và có hướng phát triển đáp ứng thị hiếu mới trong sự bảo tồn tinh hoa văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện quận Hoàn Kiếm có dự án cải tạo các đục thông ô gầm cầu Phùng Hưng thành điểm giới thiệu về các làng làng nghề đặc trưng Hà Nội, qua đó quảng bá sản phẩm và từ đó lan tỏa về các làng nghề. Và bản thân những người làng nghề cũng biết được giá trị thương hiệu và truyền thống của làng nghề để giữ gìn, giới thiệu và bán đúng những sản phẩm do mình tạo ra, có vậy mới giữ chân khách lâu dài”,  bBà Trần Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết.


Ông Phan Huy Cường, Trưởng phòng Quy hoạch, Phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Đề án phát triển du lịch làng nghề nằm trong tổng thể chung phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; trong đó đang tập trung quy hoạch phát triển làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng. Vấn đề liên quan đến hạ tầng du lịch do địa phương đầu tư, còn Sở Du lịch hỗ trợ kết nối thông qua tổ chức các đoàn khảo sát, quảng bá hình ảnh điểm đến và đào tạo các lớp du lịch cộng đồng.


Tham gia tổ chức nhiều chương trình sự kiện văn hóa, nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết: Nhu cầu của khách hàng, nhất là giới trẻ ngày càng đa dạng nên để tồn tại cần sự hợp tác của các làng nghề với nhau. Hiện nhiều làng nghề vẫn còn đang giữ nghề, không giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nên chưa thể tạo ra những sản phẩm đa dạng và có chất lượng tốt hơn nữa. Ví dụ về màu sắc của giấy nên đa dạng hơn, thay vì trắng đơn thuần như hiện nay thì nên có thêm hồng, cánh sen… Lụa kết hợp với thêu, vẽ và thiết kế quảng bá mẫu mã sản phẩm. Sự phát triển làng nghề gắn với với việc giữ được bởi tinh thần văn hóa mang màu sắc truyền thống. 


Nghiên cứu về sự phát triển của làng nghề thời gian qua cho thấy duy trì văn hóa truyền thống hoặc phát triển thương mại rất loay hoay. Sự phát triển của Bát Tràng đến Đồng Kỵ, Sơn Đồng… là nhờ sản xuất mẫu của các khách hàng nước ngoài nên sản phẩm đã không còn thuần Việt. Còn những người giữ nghề truyền thống khá chật vật. “Do đó, sản phẩm cũng phải thay đổi theo thị hiếu nhưng vẫn giữa được hồn cốt của văn hóa Việt là bài toán khó nhưng trước mắt là sự liên kết giữa các làng nghề, giữa doanh nghiệp với nghệ nhân, giữa làng nghề với du lịch sẽ mở ra những hướng đi mới cần chính sách tổng thể của cơ quan Nhà nước, của thành phố Hà Nội và lòng đam mê của người dân làng nghề”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.


Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam nhận định: Các chương trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Hà Nội, trong đó có làng nghề luôn được khách quan tâm. Vừa qua, khi một số doanh nghiệp triển khai các tour trải nghiệm phố cổ về máy ảnh cổ, thưởng thức cà phê trong phố cổ… được nhiều phản ứng tích cực… Từ phố cổ, du khách cũng rất muốn được trải nghiệm làng nghề để hiểu hơn về cuộc sống người dân làng nghề, được trải nghiệm làm sản vật và mua làm quà tặng. Để làm được điều này cần có sự hợp tác tổng thể từ hạ tầng, vệ sinh môi trường, dịch vụ đi kèm. Thực tế cũng đã có doanh nghiệp triển khai cho một số đối tượng khách có trình độ văn hóa cao kết hợp với các tour đạp xe, tuy nhiên để thành tuyến điểm đại trà cần sự hợp tác tốt hơn giữa chính quyền, cơ quan quản lý – doanh nghiệp du lịch dịch vụ và cộng đồng.

Ông Nguyễn Phương Khánh, Ban Mặt trận tổ quốc phường Bưởi cho biết: Tôi đã viết sách lại về nghề làm giấy dó của vùng Bưởi và đang trình UBND phường xin kinh phí in. Có lẽ cùng với sách và mô hình sẽ là những lưu dấu lại một làng nghề vang bóng một thời vùng ngoại ô kinh thành Thăng Long xưa. Còn phục hồi sản xuất cơ sở giấy dó tại vùng Bưởi tôi nghĩ sẽ rất khó bởi nơi sản xuất có quy trình xử lý nước thải đồng bộ. Nếu sản xuất nhỏ lẻ sẽ vô cùng phức tạp và dẫn đến ô nhiễm môi trường. Để khôi phục thì cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp, áp dụng cơ giới hóa để phục hồi nghề. Đơn cử như giã có thể lắp máy giã để giữ sợi tơ. Chứ cho nghiền thì thành bột sẽ mất độ dai của giấy. Có sự liên kết như vậy sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng cao, duy trì được văn hóa truyền thống

                                                                       Theo: vanhien.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.465.214
Tổng truy cập: