Tin tức nổi bật
Khởi nghiệp từ di sản
(Ngày đăng: 26/04/2019   Lượt xem: 502)
 

Trang phục truyền thống của người Việt do Công ty Ỷ Vân Hiên phục dựng.

Khi Nguyễn Ðức Lộc thành lập Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên - doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, phục chế và đưa trang phục cổ ra thị trường, nhiều người đã bảo đó là con đường quá mạo hiểm, nhất là khi những sản phẩm của Ỷ Vân Hiên đều là sản phẩm trung cấp và cao cấp, được hình thành sau quá trình nghiên cứu từ hoa văn, dáng áo, cho đến chất liệu… Thế nhưng, với niềm đam mê, Nguyễn Ðức Lộc cùng nhóm bạn 9x đã chinh phục được những nhà nghiên cứu và những khách hàng khó tính nhất.

 

Khi Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên cho ra mắt các trang phục truyền thống, những người hiểu biết về văn hóa mặc của người Việt Nam đều có cảm giác ngạc nhiên. Những chiếc áo dài của cả nam và nữ đều không giống những bộ áo dài mà mọi người thường thấy. Nó cũng khác xa so với những bộ "áo the, khăn xếp, guốc mộc" mà nhiều người vẫn bị "đóng đinh" hình ảnh khi nghĩ về trang phục xưa. Nhưng khi hồi tưởng lại, người ta nhận ra, họ đã gặp hình ảnh tương tự như thế trong những bức ảnh xưa cũ. Những chiếc áo dài năm thân, cổ đứng, khuy cài xẻ sườn thấp, tà xòe rộng kiểu lá sen, dù đứng, hay ngồi đều kín đáo tạo và toát lên vẻ sang trọng, quý phái. Ðó chính là trang phục điển hình của người Việt, nhất là người Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trước khi các họa sĩ Lê Phổ, Cát Tường cho ra đời áo dài cách tân - chiếc áo dài hiện đại ngày nay.

Làm thế nào để có thể phục chế được trang phục cổ? Vì sao một người trẻ tuổi lại dấn thân vào mảng công việc khó khăn như thế? Có mạo hiểm quá khi dành cả tuổi trẻ để nghiên cứu và may trang phục cổ không? Hàng loạt câu hỏi như thế đã được người thân, các nhà báo cho đến những người nghiên cứu… đặt ra cho chàng trai 9x Nguyễn Ðức Lộc, sau khi anh bỏ nghề phóng viên quay phim để khởi nghiệp bằng con đường nghiên cứu, kinh doanh trang phục cổ. Nguyễn Ðức Lộc luôn bắt đầu bằng câu trả lời: "Thực ra thì không phải ngẫu nhiên. Việc em chuyển sang lĩnh vực phục chế trang phục cổ có nguồn gốc sâu xa, từ nhiều năm về trước…". Sinh ra ở Hà Nội, từ nhỏ, Lộc đam mê lịch sử và đã tham gia đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Lịch sử. Ở mảnh đất mà "chỗ nào cũng có di tích", những hình ảnh về trang trí mỹ thuật đình, chùa ở các phố phường Hà Nội đã in sâu vào tâm trí Lộc từ thời thơ bé.

Lộc vẫn bảo rằng, chính văn hóa của Hà Nội đã nuôi lớn ước mơ phải "làm gì đó" trong lĩnh vực di sản, dù sau này lớn lên, Lộc rẽ sang lĩnh vực công tác khác. Chính suy nghĩ thường trực ấy khiến dù làm công việc nào, Lộc vẫn dành thời gian nghiên cứu văn hóa Việt. Khi những diễn đàn về trang phục, mỹ thuật cổ được thành lập trên Facebook, Nguyễn Ðức Lộc coi đó là cơ hội học hỏi, giao lưu. Lộc nhận ra, người Việt có nhiều "lỗ hổng" nhận thức về mỹ thuật cổ, trong đó có trang phục. Dẫu vậy, để "lấp đầy" lỗ hổng đó, không phải chuyện đơn giản. Bắt đầu từ nghiên cứu, cũng đã nhiều trở ngại. Ðến khi nhà nghiên cứu Trần Quang Ðức cho ra đời tập sách "Ngàn năm mũ áo", tư liệu về trang phục cổ của người Việt đều tản mát, thiếu những nghiên cứu có tính tổng thể. Nguyễn Ðức Lộc cùng cộng sự phải mày mò kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau để tổ hợp lại. Rất may là ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu về mỹ thuật, trang phục truyền thống và Lộc đã tập hợp được các bạn trong nhóm. Chuyện một bộ trang phục tưởng đơn giản, nhưng nếu muốn dựng lại trang phục sát nguyên gốc, phải bắt đầu từ chất liệu vải, rồi hoa văn, họa tiết, các chi tiết nhỏ như cái cổ, cái khuy, cho đến độ dài của tà áo… đều phải hiểu cặn kẽ. Nếu là trang phục dành cho quan lại, cung đình còn phức tạp hơn thế rất nhiều. Ngoài tư liệu sách vở, Lộc và cộng sự còn nghiên cứu những mẫu hoa văn, những mẫu vải cổ nghệ nhân các làng nghề còn lưu giữ.

Khi có đủ tư liệu, thì các bạn tiến hành cắt và may thử. Những công thức cắt may trang phục cổ đều đã thất truyền. May xong chiếc áo mà riêng vật liệu tốn cả tiền triệu nhưng mặc thử vẫn không "lên" được dáng áo xưa phải bỏ đi là chuyện nhiều lần phải trải qua. Không thất bại sao rút được kinh nghiệm. Lộc bảo bạn bè thế. Và qua không biết bao nhiêu lần thất bại, những chiếc áo dài mang "dáng xưa" dần hình thành. Nguyễn Ðức Lộc không nghĩ con đường mình đi mạo hiểm. Bởi theo chàng thanh niên trẻ tuổi này, khi cuộc sống vật chất đủ đầy, người ta thường có nhu cầu tìm về nguồn cội. "Trang phục cổ không những khắc phục được nhược điểm của cơ thể, toát lên vẻ quý phái mà còn tạo ra sự khác biệt. Khi mà những chiếc áo dài trở nên bão hòa, người ta có nhu cầu khẳng định mình. Một bộ trang phục cổ sẽ đáp ứng được mong muốn ấy. Khi bắt tay vào công việc rồi, em mới nhận ra một mạch chảy ngầm. Rất nhiều người yêu mến văn hóa truyền thống, cho nên khách hàng của em hết sức đa dạng, từ bác sĩ, nhà ngoại giao cho đến công an, nhà giáo… Các nhà ngoại giao thường mặc áo dài trong các cuộc tiếp khách quốc tế và họ rất tự hào. Có người làm công việc hay mặc đồng phục, thì họ mặc áo dài xưa trong dịp lễ, Tết, hội hè", Nguyễn Ðức Lộc thổ lộ. Ðáng chú ý, không chỉ các cá nhân, nhiều cơ quan, tổ chức Nhà nước cũng ý thức được việc sử dụng trang phục truyền thống. Ỷ Vân Hiên nhận được một hợp đồng khá lớn với khách hàng ở huyện Quốc Oai. Trong dịp lễ hội chùa Thầy năm 2019, các đội tế lễ đều mặc những trang phục "chuẩn xưa" chứ không phải trang phục "cải biên" như ta thường thấy.

Khởi nghiệp đang là một trào lưu. Nhưng khởi nghiệp từ di sản lại có những đặc thù riêng. Trước hết, cần vốn kiến thức dày dặn về văn hóa truyền thống. Hơn nữa, "đầu ra" cho các sản phẩm liên quan di sản, trong đó có trang phục cổ còn hẹp. Mặc dù là hoạt động kinh doanh, nhưng các bạn trẻ này đang góp phần bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Thành công bước đầu của các bạn trẻ của Công ty Ỷ Vân Hiên đang tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác gắn bó hơn với văn hóa dân tộc, và xa hơn, là có thể tiến tới cùng khởi nghiệp.

                                                                     Theo:  nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.463.167
Tổng truy cập: