Tin tức nổi bật
Ksor Hnao - Sứ giả của Yang
(Ngày đăng: 24/04/2019   Lượt xem: 465)
Nghệ nhân Ksor Hnao hiện ở làng Kép, một ngôi làng cổ của người Jrai nằm phía Bắc thành phố Pleiku, Gia Lai. Ông là người còn lại hiếm hoi của Tây Nguyên đủ tài nghệ tạc tượng nhà mồ, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ, sử dụng nhạc cụ dân tộc, ủ rượu ghè, thuộc các bài ca cổ Jrai. Đặc biệt hơn nữa, ông còn có thể truyền dạy tất cả những kỹ năng trên và luôn than thở một điều: “Tôi thiếu người để dạy, sao ít người trẻ muốn học thế”.

iclq_22
Nghệ nhân Ksor Hnao với tác phẩm tạc tượng của mình. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Ksor Hnao năm nay đã 63 tuổi, nhưng trông ông giống như một trung niên Jrai khỏe mạnh, rắn rỏi nắng gió Tây Nguyên. Đáp lại lời chào của tôi, ông chia sẻ ngay việc vừa đi thăm một người bạn mắc bệnh hiểm nghèo về, lòng có chút chùng lại vì buồn. Những người như ông khi tuổi già tới, thường chỉ nghĩ tới việc truyền dạy cho thế hệ sau những tinh túy văn hóa của dân tộc mình.

Qua câu chuyện của ông, quả thật không có tượng đài văn hóa nào vững chãi bằng tượng đài sống truyền nối qua nhiều thế hệ. Mà chính bằng cách đó, văn hóa dân gian Jrai mới còn đến bây giờ. 12 tuổi, Ksor Hnao đã say mê tiếng chiêng, trống, tiếng kèn và không khí lễ hội làng, đã vác rựa lẽo đẽo theo người già bắt chước đẽo tượng nhà mồ. 14 tuổi, ông có thể ngồi nhìn hàng giờ những người lớn tạc tượng. Chờ lúc nhóm thợ đi ăn trưa, ông lén lấy rìu tạc tiếp bức tượng. Chỉ vài tiếng những người thợ cả quay lại, cậu bé Ksor Hnao đã làm hoàn chỉnh các bức tượng đẹp đẽ làm mọi người sửng sốt. Ông nói, sự say mê là thầy của những người thầy.

Ý nói niềm yêu thích từ bên trong ông đã dẫn dắt ông tới với nghệ thuật dân gian của dân tộc mình. Tất cả là tự học và chưa từng được một ai chỉ dạy cụ thể, Ksor Hnao “bung ra” từ bản thân ông những ý niệm về nghệ thuật, tự rèn giũa kỹ năng đến thành thạo và dần trở thành “tượng đài” lớn, tích trữ kho tàng nhiều loại hình văn hóa – một trường hợp hiếm gặp và sau này Tây Nguyên sẽ không có một người thứ 2 như ông. 

Trước đây, lễ bỏ mả (lễ pơ thi) của người Jrai là một lễ lớn. Ksor Hnao nói, gia đình nào làm lễ bỏ mả thì mới có dịp để tụ tập cả làng, ăn uống linh đình. Và đó là lúc đẽo tượng nhà mồ. Thậm chí, chỉ những nhà có của ăn, của để mới ôm mộng làm lễ bỏ mả được, vì nghi lễ này quá tốn kém. Riêng việc tổ chức ăn uống cho hàng trăm người suốt 5 ngày liền đã vãn phần lớn gia sản của nhà chủ. Thường thì người đẽo tượng nhà mồ không bao giờ có thù lao, chỉ đến ăn cơm và làm giúp. Căn nhà nhỏ bên trên nấm mồ, lợp lá, vẽ hoa văn, đặt xung quanh những pho tượng đẽo thô sơ bằng rựa và gỗ tạp chính là buôn làng dành cho người chết.

Để tượng gỗ bầu bạn với người chết, từ lúc bỏ mả, người sống không phải cúng giỗ mỗi tháng nữa. Những ngôi nhà mồ bỏ luôn không lui tới nữa để người chết thôi lưu luyến trần gian, siêu thoát, người sống thôi thương nhớ (theo tục lệ của người Jrai). Vì vậy, người đẽo tượng dường như dồn hết tinh lực vào sức tưởng tượng, làm ra những pho tượng sống động như có linh hồn. Bên mồ người đàn ông thường có con chim bồ cành lớn, một loại chim đi săn của người Jrai xưa, có rựa, rìu, ống nước, nỏ. Bên mộ người đàn bà có gùi, chóe, bát đũa, khung dệt...

Đó là những vật dụng quen thuộc trong đời sống. Ksor Hnao nói, hình ảnh quen thuộc nhất của tượng nhà mồ Tây Nguyên là tượng người chống cằm buồn khổ (ý nói buồn nhớ người đã khuất), người giã gạo bằng chày và em bé trên lưng mẹ. Một cuộc sống sum vầy được tái hiện lại dành cho người dưới mồ. 

Về sau này, cũng từ những bàn tay như Ksor Hnao, những tượng gỗ mới ra đời như tượng nam nữ ôm nhau, vợ chồng quan hệ, người mang bầu, đi săn... “Đó là những biến thể chấp nhận được” – Nghệ nhân Hnao cười, nói. Nó cũng giống như thỉnh thoảng có người làm nhà mồ lớn, đặt làm tượng tinh xảo, tượng lớn, làm bằng máy mài, máy cưa và sơn xanh đỏ. Đó cũng là sự biến đổi theo thời gian những hình thức nghệ thuật dân gian. Đó không còn nét thô mộc chân thực của đời sống người Jrai xưa, nhưng nó vẫn gắn bó với đời sống hôm nay. 

Tuy nhiên, nghệ thuật dân gian sẽ sớm đào thải những giá trị ảo. Các bảo tàng dân gian, khu du lịch của 5 tỉnh, thành Tây Nguyên đều có trưng bày tượng nhà mồ do nghệ nhân Ksor Hnao tự tay làm. Khu tượng nhà mồ tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam cũng do ông chế tác.

Ông không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò cách đẽo tượng nhà mồ, tỉ mỉ từ chọn gỗ, chọn vân gỗ cho phù hợp với chi tiết bức tượng, nét rựa sắc ngọt để điểm thần thái tượng..., nhưng không ai đẽo được những bức tượng với nét rựa khoáng đạt, mạnh mẽ, cảm xúc như ông. Đó là điều nghệ nhân băn khoăn nhất. 

Đưa tôi đến bên xưởng chế tác trong vườn nhà, bên đống gỗ tạp đang chuẩn bị làm tượng cho một vườn tượng của một bảo tàng văn hóa đặt hàng, ông bảo, mỗi lần có một đợt đẽo tượng mới, ông phải gọi các học trò tới, tranh thủ truyền dạy. Ông dành cả một không gian lớn trong vườn nhà để trưng bày các tượng gỗ của học trò đẽo. Rồi mở cả quán bán mấy món đặc sản Jrai, rủ khách tới ăn, nhằm khoe vườn tượng đó.

Trong xưởng của ông chỉ có các dăm gỗ từ việc đẽo bằng rựa, không dùng máy móc. Đợt sáng tác nào lớn, ông cũng được giải Nhất – điều đó với ông là điều không thú vị lắm. “Phải có nhiều người biết đẽo tượng gỗ dân gian hơn, đó mới đảm bảo giữ được văn hóa Tây Nguyên” – Ông nói. 

Trong căn phòng nhỏ của nghệ nhân Ksor Hnao, treo đầy các bức vách là bằng khen, giấy ghi nhận đóng góp cho giữ gìn bảo tồn nghệ thuật đẽo tượng, chế tác, sử dụng kèn goòng, chỉnh chiêng, hát cầu huê... Đặc biệt là ông có tới gần chục bộ chiêng đồng các loại mà ông yêu quý như vật báu. Ông bảo, muốn chỉnh được chiêng thì phải mê tiếng chiêng, đếm nhẩm được tiếng rung của âm thanh, chừng mực từng ly, từng tí để gò chiêng theo tiếng bổng, tiếng trầm mà mình nghe chấp nhận được, thấy hay. Đừng có ham chỉnh quá tay, hỏng mất chiêng quý của người ta, đền không nổi. “Tôi có cả học trò người nước ngoài muốn học chỉnh chiêng, đẽo tượng nhà mồ. Tôi phát hiện ra rằng, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng về thanh nhạc thì cùng chung một mã thanh âm để hiểu nhau” - Ông nói.

Ksor Hnao là nghệ nhân gắn bó cuộc đời với nghệ thuật dân gian nên ông giữ nguyên tính cách hồn nhiên, thân thiện của người Tây Nguyên. Hơn 60 tuổi đời, trong ông vẫn cuồn cuộn niềm say mê với văn hóa dân gian, tấm lòng rộng rãi, cởi mở với bất cứ ai muốn hiểu về vùng đất, con người, phong tục còn nhiều huyền bí này.

Trong khoảnh vườn rực nắng của ông, những bức tượng gỗ được ông tạc rất khéo như chứa đựng một đời sống riêng. Tôi chợt nghĩ, Ksor Hnao có lẽ là sứ giả của Yang (trời – theo quan niệm của người Jrai). Ông không những chỉnh chiêng, thổi kèn, ủ rượu, tạc tượng, mà còn nắm giữ đời sống tâm linh phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chia tay chúng tôi xong, ông ngồi lại vườn với phong thái dung dị, giản đơn và thong dong, gương mặt hòa lẫn vào sắc thái những pho tượng gỗ, đẹp như Tây Nguyên cuối tháng 3.
                                                                        Theo: bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.463.327
Tổng truy cập: