Tin tức nổi bật
Trường Sòn: Gã 'nghệ' thích mặc váy
(Ngày đăng: 19/06/2018   Lượt xem: 637)
 

Ở Việt Nam mấy năm gần đây bỗng nổi lên một vài nhà thiết kế (nam) tên tuổi ưa mặc váy. Trường Sòn nhất định không thuộc kiểu đu theo “trend”, gã mặc váy từ lâu, đơn giản vì váy mang lại cho gã cảm giác tự do, thoải mái. Mà phải là váy chữ A do chính tay vợ gã may mới chịu.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

                                         Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Thoạt trông đã thấy gã tự do: Ngồi trong quán sang vẫn khoanh chân trên ghế, ăn vận chẳng giống ai, nói “l”, “n” lẫn lộn vẫn cứ hồn nhiên nhắc đi nhắc lại, “lão (tức não) cũng nên luyện thể dục”, khiến người nghe nghĩ mãi mới hiểu đúng lời gã nói. Gã khai, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng chẳng học hành nhiều, những gì gã tích lũy được là nhờ sách. Trường Sòn chăm đọc sách, từ sách tôn giáo sang triết học.

Người ta khoác cho Trường Sòn “chiếc áo” nghệ sỹ nhiếp ảnh. Nhưng đó chỉ là nghề tay phải của gã, còn nghề tay trái thì đông vô kể, mảng nào gã cũng “nhúng” vào nhiệt thành và để lại dấu ấn đáng kể. Thử điểm qua sân chơi điện ảnh. Gã giữ vai trò sản xuất, đạo diễn hình ảnh, họa sỹ thiết kế phim “Người truyền giống” (Đạo diễn Bùi Kim Quy). Rồi đạo diễn hình ảnh cho “Thực giả” (đạo diễn Nguyễn Trung Kiên), loạt phim thuộc thể loại quảng cáo của đạo diễn Arnaud Soulier, góp công chọn bối cảnh cho phim “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên… Nhưng bộ phim khiến hắn “tự hào Việt Nam” nhất chính là “Bee”, thuộc thể loại hư cấu, của đạo diễn Fabrice Poirier, phát hành tại Pháp. Trường Sòn tâm sự: “Tôi vui vì những phim của nước ngoài quay tại Việt Nam ít khi thuê người Việt”. Nghe nói, ban đầu phim dự tính quay 1/3 ở Paris nhưng sau khi gặp Trường Sòn, kế hoạch thay đổi, họ quyết định quay 100% ở Việt Nam. Đã thế, gã đạo diễn hình ảnh người Việt còn đặt ra yêu cầu với nhà sản xuất: “Chúng tôi làm phim phải thư giãn, càng bị tạo áp lực thì ngôn ngữ hình ảnh càng bị khô kiệt”. Thế nhưng, gã hứa, đảm bảo về mặt tiến độ thời gian. Nói là làm, Trường Sòn “trả bài” sớm hơn 3 ngày so với tiến độ qui định. Gã là thế, không biết nói những lời bay bướm, thích thể hiện tình cảm bằng sự im lặng nhưng trọng danh dự, trọng lời hứa.

Trường Sòn còn có biệt danh khác, đó là “Trường Râu”. Nhưng cái biệt danh “Trường Râu” kém nổi hơn “Trường Sòn”. Nghe người ta đồn vì “Trường Râu” chỉ phản ánh trung thực cái vỏ ngoài của gã,  còn sai cơ bản khi soi vào bên trong: Vì gã trông thế mà cực kỳ nhạy cảm, hay rơi nước mắt. Cái biệt danh “Trường Sòn” do cha mẹ gã đặt cho, căn cứ vào một hoàn cảnh khá “nông dân”: Các cụ sinh nở “sòn sòn”. Gọi là “Trường Sòn” tuy kém “nghệ” nhưng gã kệ. Về khoản này gã có vẻ dễ dãi, trái với kế hoạch chi tiêu cuộc đời. Trường Sòn tuyên ngôn: “Bố mẹ sinh ra tôi nhưng tôi không sống cuộc đời của bố mẹ, tôi sống cuộc đời của tôi”. Gã ngại đám đông nhưng khát khao trải nghiệm, thích một mình lăn vào cuộc sống. Đó là lí do gã trở thành nhiếp ảnh gia của những đứa trẻ vùng cao.

Nhờ trẻ em nên “lớn hơn một tí”

Hỏi Trường Sòn: “Anh chụp bao nhiêu bức ảnh về trẻ em người Mông?”. Gã ngớ người, đáp chung chung: “Rất nhiều”. Cả hai triển lãm “Nhìn 1”, “Nhìn 2” gã chỉ khoe 35 bức (lần 1: 20 bức, lần 2: 15 bức)  nhưng đó là “hàng tuyển” trong suốt khoảng chục năm gã chu du từ  vùng Đông bắc sang vùng Tây bắc Tổ quốc. Gã khám phá vùng cao từ khi người ta còn chưa “đẻ” ra chữ “phượt”. Gã bị người vùng cao mê hoặc, đôi chân bị lãng quên chăm sóc của người vùng cao cũng được gã nâng niu, chớp lấy. Bởi gã quan niệm “Cái đẹp nằm sau cái chúng ta nhìn thấy”. Nhưng hớp hồn Trường Sòn nhất vẫn là những đứa trẻ người Mông. Gã lí giải tình yêu con trẻ: “Vì có trẻ em nên tôi mới biết mình đã là người nhớn một tí. Với lại vì có trẻ em nên tôi mới biết sống để làm gì. Cả nữa là trẻ em thì không bao giờ dối trá. Trẻ em đã nhìn là nhìn, không nhìn thì sẽ quay đi chứ không có chuyện nhìn mà không thấy gì cả”. Thế nên, cả hai triển lãm về trẻ em vùng cao gã đều lấy tên: “Nhìn” (Nhìn 1, Nhìn 2).Cũng đừng ngạc nhiên khi nhân vật của gã luôn nhìn thẳng: “Cái tối kị trong nhiếp ảnh là nhìn thẳng vào ống kính, chỉ có làm hộ chiếu hoặc “lên nóc tủ” người ta mới dụng kiểu này. Nhưng tôi thích chụp vậy. Tôi cần cảm giác đối thoại trực diện”.

Gã ưa nhìn thẳng và gã cũng bảo vệ cách nhìn của gã đến cùng. Đừng ai nói xấu về người vùng cao, nhất là trẻ em vùng cao trước mặt gã, thế nào gã cũng “sạc” một trận mới thôi. Gã kể, sau triển lãm Nhìn 2, gã chọn Sapa để nghỉ ngơi, một số người khuyên gã nên thay đổi lựa chọn: “Vùng đất ấy bị thương mại hóa, hỏng hết rồi”. Gã “đốp”:  “Chính suy nghĩ của các bạn mới hỏng. Phàm là người ai chẳng có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp? Cớ gì bạn cấm người dân tộc được ăn ngon, mặc đẹp? Vấn đề là bạn nhìn họ ra sao, bạn tiếp cận họ như nào. Khi bạn trao đi nụ cười hồn nhiên, bạn sẽ nhận được một sự hồn nhiên như thế!”. Về chuyện các em bé người Mông thường xin tiền du khách sau khi họ chụp ảnh, Trường Sòn đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta có thể tiêu 500 ngàn thậm chí đến cả triệu đồng cho một bữa nhậu ở thành phố, còn ở đây chúng ta chụp ảnh họ, họ có khuôn mặt, có trạng thái quá đẹp ít nhiều ngay khi bạn cầm máy ảnh, máy quay lên, bạn đã nhận được hạnh phúc. Mới mất 5 ngàn đồng, tại sao bạn lại từ chối hạnh phúc của bạn? Trong khi đó, 5 ngàn đồng chỉ đủ để các em bé ăn kem, mà là kem rẻ tiền?”. Nhiều người mách rằng, Trường Sòn lên vùng cao cứ như về nhà. Gã nắm thôn tin trong làng, trong bản chính xác như mấy người phụ trách kế hoạch hóa gia đình, thí dụ nhà này có bao nhiêu nhân khẩu, mới thêm thành viên nào, gã đọc vanh vách. Nghe nói, gã còn xăm đâu đó trên thân thể mình dòng chữ: “Hẹn gặp phía bên kia biên giới”. Tay gã đeo lủng lẳng những chiếc vòng dân tộc. Gã khai, có cái do các em bé Mông tặng, có cái gã tự mua. Và gã còn có bộ sưu tập 30 chiếc lục lạc cũng do các bé người Mông tặng. Chuyện thế này: Trong một lần lên Sapa, gã định mời mấy chục em nhỏ bán đồ rong vào một quán cơm bình dân để đãi các em cơm thịt, đậu. Sau khi nghe gã đặt hàng, chủ quán nói: “Anh thông cảm, nếu ngày thường anh mời các em bé vào ăn, em sẵn sàng. Nhưng thứ 7, chủ nhật, người Kinh lên nhiều, sự xuất hiện của các bé trong quán khiến người ta e ngại”. Trường Sòn không làm khó chủ quán, gã mua mấy chục chiếc bánh mì Kebab, cùng đánh chén với lũ trẻ nhem nhuốc. Bọn trẻ nhìn thẳng vào gã hỏi: “Bao giờ chú về xuôi?”. Gã trả lời: “Ngày mai”. Thế là sáng hôm sau tỉnh dậy vừa rời khỏi phòng để xuống dưới khách sạn làm tách cà phê trước khi tạm biệt vùng cao, gã thấy một đàn trẻ con ùa vào, mỗi đứa tặng gã một chiếc lục lạc. Gã đếm, cả thảy 30 chiếc, niềm hạnh phúc khiến gã rưng rưng suốt chặng đường về xuôi. Cho nên, vốn không có khiếu ngoại ngữ, tiếng Anh chỉ rành mỗi từ “yes” (Vâng, đúng), thế mà gã cũng cố gắng học hành, để có thể giao tiếp một chút bằng tiếng Mông với lũ trẻ.

Thích những kẻ dám chơi, dám thách thức

Chẳng ai nghĩ người như Trường Sòn lại thích chụp ảnh hoa. Nhưng gã có lí của gã: “Không có đời sống nào mở bằng hoa. Bất kể một bông hoa nào, dù là hoa dại, hoặc hoa nở trong môi trường khắc nghiệt nhất, vẫn căng trào sức sống. Khi đóa hoa này tàn, đóa hoa khác nở ra, vẫn cứ sức sống tràn trề ấy, mùi hương ấy. Đó là một đời sống mở”. Gã cũng đang tính  làm một triển lãm ảnh về hoa.

Cũng đừng ngạc nhiên khi thấy Trường Sòn góp mặt cả ở lĩnh vực thời trang với vai trò đạo diễn ánh sáng sân khấu cho những chương trình như “Khi gió đông về”; “Elle Fashion Show Thu Đông”; “F Amazing”; “Duyên”’; “Out door”… Hay gặp Trường Sòn trong hòa nhạc “Bóng”, “Gió”, “Lửa” của Phó An My,  trong liveshow Bảo Yến, Hồng Nhung… ở Hà Nội. Lĩnh vực sắp đặt nghệ thuật thị giác, Trường Sòn cũng “chơi”, gã chính là người thiết kế ánh sáng, tạo bố cục cho một số triển lãm nghệ thuật như “Văn hóa vùng Himalaya” (2012); “Giấc mơ Phật” (2012) của nghệ sỹ gốm Nguyễn Tuấn; “Tết Art” (2014);  “Today” (2016) của 50 nghệ sỹ trẻ  Việt Nam… Đặc biệt, gã rong chơi trong rất nhiều đêm nhạc của Tùng Dương: “Tùng Dương hát tình ca”; “Concert Tùng Dương và Nguyên Lê”; “Liveshow Thập kỷ hoan ca”… Mới nhất là đêm Tùng Dương hát nhạc của “Bộ tứ sông Hồng”. Thế mà gã nói: “Tất cả những gì tôi làm cho Tùng Dương cũng chẳng vì Tùng Dương”. Gã bắt tay với Tùng Dương, “chẳng qua vì cậu ấy dám chơi, dám thách thức”. Chàng ca sỹ hát như “lên đồng” cho phép Trường Sòn tự do trong năng lực sáng tạo của gã: Gã có thể vẽ lên gương, có thể tạo khối lập phương di chuyển vừa có tính hiện thực, lại vừa siêu thực, vừa kết hợp pop art hoặc có thể làm hai khối điêu khắc cứng và mềm… trên sân khấu Tùng Dương. Trường Sòn không chiều khán giả, gã thích bắt não người ta phải tập thể dục khi sống trong không gian âm nhạc. Hình ảnh và ánh sáng đều được gã sử dụng một cách chắt lọc, mang tính ẩn dụ cao, gã ghét nhất kiểu “hát trời xanh mây trắng là hiện ra hình ảnh trời xanh, mây trắng”. Ngay như bài “Một thoáng Tây hồ” của Phó Đức Phương, gã và êkip chỉ chọn một ánh sáng nhỏ nhoi long lanh dưới mặt hồ: “Đúng là cũng làm khó cho khán giả nhưng nếu ai đặt mình vào không khí ấy để cảm nhận thì sẽ thấy hạnh phúc”, gã phân trần.

“Khi bạn trao đi nụ cười hồn nhiên, bạn sẽ nhận được một sự hồn nhiên như thế!”.

Nghệ sĩ Trường Sòn

Sợ làm tổn thương người khác

Tự do trong lối sống, trong công việc song Trường Sòn biết kiềm chế mình để không ảnh hưởng đến người khác. Trong một liveshow ca nhạc, nếu ai hỏi gã giữ vai trò gì, gã sẽ đáp: “Tôi chẳng là gì cả”.  Nhưng ai cũng biết, gã bao giờ cũng là kẻ lọ mọ ra về sau cùng, bởi còn bận bịu cảm ơn từ anh kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật ánh sáng, kỹ thuật màn hình led… đến cô quét rác, đã giúp gã tạo nên một chương trình tốt, gã muốn tôn vinh tất cả, không muốn bất kể ai cảm thấy thiệt thòi. Song gã thú nhận có làm tổn thương một người: Đó là vợ. Bởi lý do thật thà: “Cảm xúc là thứ khó nói, bản năng là thứ mạnh nhất của nghệ sỹ, ý thức chỉ can gián và răn đe thôi

Trường Sòn: Gã 'nghệ' thích mặc váy - ảnh 1

                                                             Một tác phẩm của Trường Sòn.

Sẽ có người băn khoăn: Trường Sòn làm việc nhiều thế, gã có lắm… tiền không? Câu trả lời là không, gã từng chia sẻ điều này trong một phóng sự truyền hình do người Mỹ thực hiện. Bởi gã sẵn sàng tham gia những dự án không tiền, sẵn sàng bỏ tiền túi làm phim, nếu bị hấp dẫn.

 Trong cuộc sống bình thường, gã cũng bình thường như rất nhiều đàn ông khác: Lăn vào bếp băm thịt bò làm cháo cho con nhỏ và đội vợ lên đầu. Triết lý của gã: Vợ luôn đúng. Lý do: Vì cô ấy là mẹ của con tôi. 
                                                                                                 Theo: tienphong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.458.669
Tổng truy cập: