Tin tức nổi bật
Nghề “thổ hoa” truyền thống 500 năm tuổi bên dòng sông Đáy
(Ngày đăng: 02/04/2018   Lượt xem: 796)
 
Nghề thổ hoa truyền thống làng Quyết Thành.

Bên bờ sông Đáy thơ mộng, từ xa xưa, làng gốm Quyết Thành (thị Trấn Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã nức tiếng gần xa, trở thành một trong những thương hiệu gốm nổi tiếng trong nước. Những thớ đất vô tri, vô giác, kết hợp cùng nguồn nước tả ngạn sông Đáy và bàn tay của những người thợ truyền thống làng nghề 500 năm tuổi, đã thổi hồn vào từng sản phẩm, tạo nên nét độc đáo của gốm Quyết Thành, bền bỉ với thời gian.

Thổi hồn vào đất...

Làng Quyết Thành có tên xưa là Quế Quyển. Theo lưu truyền, nghề gốm truyền thống trong làng đã có từ năm sáu trăm năm trước. Xa xưa, một vị tổ nghề từ nơi khác đến làng lập nghiệp đã truyền dạy kỹ thuật làm gốm cho dân làng, để rồi Quyết Thành trở nên nức tiếng gần xa.

Theo các cụ làm gốm cao niên trong làng, sự khác biệt của gốm Quyết Thành với các sản phẩm gốm sứ khác chính là màu gốm tự nhiên, không tráng men, được quy định thông qua quá trình nung gốm. Bên cạnh các sản phẩm gốm sành dân dụng như chum, vò, vại, cối thì những người thợ tài hoa ở nơi đây còn khéo léo dùng kinh nghiệm để chưng cất lên một loại gốm đặc biệt có màu đỏ tươi như son - đó là gốm son hay còn gọi là gốm mỹ nghệ, mang thương hiệu gốm Quyết Thành.

Theo Anh Lại Tuấn Sơn - một thợ gốm có tiếng trong làng: Người làng nghề trong làng luôn giữ quy tắc “chân truyền”, không vội vàng chạy theo số lượng, mà tuyệt đối tuân thủ kinh nghiệm của cha ông đã đúc kết và truyền lại đó là - “nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Tức nguyên liệu là khâu quan trọng nhất, thứ hai là nung sản phẩm, thứ ba mới đến tạo dáng, tạo hình và cuối cùng mới đến trang trí hoa văn lên sản phẩm.

“Nói đến gốm Quyết Thành thì khâu quan trọng nhất vẫn là nguyên liệu, mà nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm đặc biệt trong làng chính là đất sét được khai thác ven sông Đáy, độc nhất vô nhị chỉ có ở vùng này. Nếu lấy đất nơi khác thì sản phẩm gốm không còn giữ được chất lượng gốm mang thương hiệu Quyết Thành và rất dễ bị hỏng” - anh Sơn cho biết.

Quy trình để tạo ra sản phẩm gốm Quyết Thành cũng khá công phu, với nhiều công đoạn, được kiểm soát chặt chẽ. Đất sét sau khi khai thác về sẽ được để lộ thiên, hội tụ đủ khí âm dương và làm sạch, lọc bỏ tạp chất, trộn nước, luyện dẻo, nắn thành các con thoi rồi đưa tới khâu tạo hình, tạo cốt, tạo dáng sản phẩm. Đây được coi là khâu quan trọng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự khéo léo, tỉ mẩn.

Trong khâu này, thợ gốm sử dụng phổ biến lối "vuốt tay, be chạch". Thông thường, công việc trên do người phụ nữ với bà tay mềm mại, mịn màng đảm nhiệm. Phương pháp tạo dáng cổ truyền này được thợ gốm thực hiện trên bàn xoay, có sự kết hợp đều đặn giữa tay chuốt và chân quay, theo nguyên tắc, tay ngoài đỡ sản phẩm, tay trong tạo dáng và được chuốt đều từ dưới lên trên. Sau khi sản phẩm đã đạt tới độ cân đối, tròn đều thì sẽ được đưa ra phơi cho đủ nắng rồi cho vào lò nung.

Gốm phải trải qua 4 giấc đun là: sấy, ủ, ngâm và đốt, trong đó đốt được coi là khâu quyết định. Dựa vào kinh nghiệm của mình, người "thợ cả" có thể làm chủ được ngọn lửa trong toàn bộ quá trình đốt lò. Sau khi nung, lò được bịt hết các cửa, chờ 3 đến 4 ngày cho sản phẩm nguội dần rồi mới tiến hành ra lò và kiểm tra sản phẩm.

Là người duy nhất của làng gốm Quyết Thành được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, cũng là người luôn nghiên cứu, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của nghề chân truyền, nghệ nhân Lại Văn Tiến đã liên tiếp cho ra lò những sản phẩm được đánh giá cao trong giới mỹ thuật. Cách đây hơn 10 năm ông đã đạt giải Tinh Hoa, từ Festival Huế, với tác phẩm nghệ thuật chế tác hình tượng Rồng bằng gốm Son. Ông cũng là một trong những nghệ nhân tham gia phục chế 10 đầu rồng thời Trần tại Nam Định. Nay dù tuổi đã cao, sức khỏe thuyên giảm, nhưng nhiệt huyết và ngọn lửa nghề trong ông vẫn rực cháy, truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho lớp lớp cháu con, giữ gìn truyền thống trên quê hương mình.

Nói về công phu làm nghề, ông Tiến - cho biết: Nếu nung bằng công nghệ cổ truyền bằng than hoặc củi thì thời gian sản phẩm ở trong lò phải mất 15 ngày mới có thể lấy thành phẩm ra sử dụng được. Với hàng gốm mỹ nghệ, đất sét phải phơi khô rồi cho nước vào khuấy đều, sau đó tinh lọc các tạp chất, cô đặc lại rồi đổ vào khuôn hoặc in dát trên máy, sau đó cắt gọt, đánh bóng vào son, vẽ men và cuối cùng là đưa vào lò nung. Một mẻ gốm thành công, người thợ gốm mới đón nhận niềm vui trọn vẹn và bắt đầu chuốt những mẻ gốm mới. Cứ như thế, nhiều thế kỷ qua, người dân làng Quyết Thành vẫn nối nghiệp ông cha, trung thành với nghề cổ truyền. Các sản phẩm gốm ngày càng phong phú hơn được bạn hàng trong và ngoài nước tin tưởng.

Trăn trở nghề “thổ hoa”…

Từng là nghề đem lại cơm no áo ấm và sự hưng thịnh cho làng, nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường, không khí làng gốm Quyết Thành cũng có phần lặng lẽ hơn. Nhiều gia đình Quyết Thành không còn mặn mà với nghề truyền thống nữa, họ xoay hướng làm ăn khác, hợp thời và nhàn hạ hơn… Đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, năm 2004, UBND tỉnh Hà Nam công nhận làng gốm Quyết Thành là nghề truyền thống, do đó làng nghề được đầu tư nhiều hơn, thương hiệu gốm Quyết Thành cũng vì thế được khôi phục, thu nhập từ gốm ngày càng khấm khá hơn, công nghệ mới được áp dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Quyết Thành hiện đang có 4 lò gốm lớn hoạt động. Sản xuất tại làng nghề có sự thay đổi đáng kể với việc các lò áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu. Đồng thời, từng bước đa dạng các loại sản phẩm nâng cao giá trị.

Ông Nguyễn Đức Phú, chủ nhiệm hợp tác xã Quyết Thành - cho biết: Qua thời gian, các sản phẩm gốm sứ Quyết Thành cũng dần được thay thế, những sản phẩm mang nét văn hóa riêng, độc đáo vẫn được nhân dân trong làng giữ gìn, bảo tồn, phát triển… Địa phương ngày càng chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tạo nâng cấp nhà xưởng, đào tạo lại đội ngũ lao động có tay nghề, nhất là tuyên truyền giáo dục và dạy nghề lại cho thế hệ trẻ luôn được chú trọng. Mỗi năm, làng nghề cho ra lò trên 60 nghìn sản phẩm và bộ sản phẩm các loại. Lượng đất nguyên liệu sử dụng khoảng hơn 400 m3.

Khó khăn là vậy nhưng dường như người làng nghề vẫn thế. Không gấp gáp, vội vàng, âm thầm giữ cho lửa lò luôn cháy, màu gốm luôn đượm. Đây là cách người làm gốm gắn chặt đời mình với đất và sống trọn lòng với tâm huyết của ông cha đã dày công gây dựng, vun đắp hàng trăm năm nay, đúng như câu thơ được truyền tai nhau đời đời:

                                                                                                     Theo: laodong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.462.538
Tổng truy cập: