Tin tức nổi bật
Giữ hồn nón Việt
(Ngày đăng: 20/01/2017   Lượt xem: 786)
Muốn ăn cơm trắng cá trê/ Muốn đội nón đẹp thì về làng Chuông. Trong suốt lịch sử cả mấy trăm năm về trước, trang phục làm nên dáng đẹp của các “quý bà, quý cô” nước Việt chính là những tấm áo mớ ba, mớ bảy với chiếc nón lá quai thao. Trải qua thời gian và đổi thay của đời sống, nhưng những chiếc nón vẫn theo các bà, các mẹ, các chị hằng ngày không chỉ che mưa, che nắng mà còn tạo nên cái “duyên” rất đặc sắc, trở thành nét văn hóa của dân tộc Việt và làm ngỡ ngàng bao du khách nước ngoài.

Theo quốc lộ 21B, chúng tôi tìm về Làng Chuông, (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội), – ngôi làng nổi tiếng với nghề làm nón có từ hàng trăm năm nay.  Phiên chợ Chuông diễn ra vào sáng sớm bên triền đê sông Ðáy với 6 phiên chính mỗi tháng vào các ngày mồng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán nón và các nguyên liệu để làm nón. Phiên chợ tuy đơn sơ nhưng tấp nập, kẻ mua người bán, từ những vật liệu làm nón, như lá cọ, vành nón, kim chỉ khâu,… đến những chồng nón trắng nõn nà. Ngay cả dọc hai bên đường, cũng bắt gặp những chiếc nón trắng phơi mình dưới ánh nắng sớm.

741
Cô Nguyễn Thị Dung vừa miệt mài đưa kim vừa tâm sự về những nét đặc trưng của chiếc nón Làng Chuông. Ảnh: P.V

Ông Phạm Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, làng Chuông hiện có khoảng 4.800 hộ dân, trong đó có trên 3.000 hộ vẫn duy trì nghề làm nón lá. Đã từ hàng trăm năm nay, các thế hệ con cháu làng Chuông vẫn luôn âm thầm truyền nghề cho nhau, không chỉ các bà, các mẹ mà ngay cả các em nhỏ cũng được dạy cách khâu nón sao cho đường kim mũi chỉ được bền, đẹp, chiếc nón đươc chắc chắn.

Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ để làm ra nó. Ðể tạo ra chiếc nón đẹp, người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá được lấy từ Quảng Bình, Phú Thọ… về vò trong cát rồi phơi cỡ 3 nắng đến khi mầu xanh của lá chuyển sang mầu trắng bạc, mỏng tang mà phải bền, dai, không giòn, không rách. Lá được cho vào lò hun cho trắng thêm rồi bắc bếp là thật nhanh cho phẳng bằng cách miết trên chiếc lưỡi cày được hơ nóng.

Cụ Phạm Trần Canh – Nghệ nhân làm nón nổi tiếng cho biết: “Là lá là khâu khó nhất bởi nếu là không tới thì mặt lá không được trơn, nhoáng. Là mà ẩu thì lá có thể bị sống, còn nếu quá tầm lá sẽ bị đỏ, cháy”.

Vòng nón làm bằng cật tre nứa vót nhỏ đều, sao cho dẻo dai, rắn chắc và tuyệt đối không được cong vênh, khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Nón làng Chuông có tới 16 lớp vòng, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Hơn thế người làng Chuông rất cẩn thận khi xếp từng lớp lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi mới khâu.

742
Các em bé gái ở làng Chuông cũng là những nghệ nhân nhí có tay nghề thuần thục. – Ảnh: XuanBq

“Khâu nón là công đoạn quyết định hình hài mặt nón nên nó đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo lách từng mũi kim đường chỉ, sao cho mềm mại, thẳng đều từ trong ra ngoài mà không làm rách lớp lá. Nón khâu xong được hơ qua và phết một lớp dầu thông mỏng để nón không bị mốc trong thời tiết ẩm hay mưa.” – Cô Nguyễn Thị Dung vừa miệt mài đưa kim vừa tâm sự.

Ngày nay, đến làng Chuông, chúng tôi không còn được gặp cái cảnh cả làng đông vui ngồi làm nón cùng nhau trước sân đình nữa. Quá trình đô thị hóa dần len lỏi, lớp thanh niên con cháu của làng phần nhiều thoát li đi làm ăn nơi xa, không còn mặn mà với nón lá, với những đường kim mũi chỉ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn rất tâm huyết với nghề, gắng giữ và truyền nghề cho thế hệ con cháu với tình yêu dành cho quê hương và niềm tự hào về một làng nghề truyền thống cổ của Việt Nam. Những người nghệ nhân làm nón Làng Chuông ấy vẫn hết mình vì sự nghiệp lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương, vẫn đang ngày ngày cần mẫn làm nên những chiếc nón mang đậm nét đẹp hồn quê.

Bên triền đê sông Đáy phơi lá lụi trắng xóa, bàn tay những người dân làng Chuông, từ em bé 7 – 8 tuổi cho đến cụ già 70 – 80 tuổi vẫn từng ngày cần mẫn, tỉ mỉ làm nên những chiếc nón để gìn giữ vẻ đẹp cho một nghề truyền thống, một nép đẹp bình dị của người phụ nữ Việt Nam, góp thêm niềm tự hào của chúng ta với bạn bè quốc tế.

                                                                                                               Theo: congluan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.409.983
Tổng truy cập: