Tin tức nổi bật
Chán đi biển, hãy đến làng nghề
(Ngày đăng: 20/10/2016   Lượt xem: 822)
Huyện Bắc Bình cách TP. Phan Thiết không xa chính là một lựa chọn cho những ai muốn đến nông thôn tìm hiểu về những làng nghề lâu đời của tỉnh Bình Thuận.

Nếu đã sớm quen thuộc với những địa điểm du lịch quá nổi tiếng ở Phan Thiết, thì huyện Bắc Bình cách TP. Phan Thiết không xa chính là một lựa chọn cho những ai muốn đến nông thôn tìm hiểu về những làng nghề lâu đời của tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận có nhiều làng nghề, nhưng dường như đã bị ánh hào quang của những bãi biển, khu du lịch che lấp. Đến Bắc Bình, bạn có thể ghé thăm hai làng nghề ở đây – làng gốm xóm Gọ và bánh tráng Chợ Lầu.

Làng gốm gia truyền xóm Gọ

Xóm Gọ, còn gọi là xóm Nồi (tiếng Chăm là Play Gok), nằm ở làng Chăm Trì Đức, xã Phan Hiệp, Phan Điền, huyện Bắc Bình. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến cách làm gốm theo phương pháp cổ truyền đã có hàng trăm năm trước, xem các công đoạn nhào đất, tạo hình các loại sản phẩm nồi, lò đốt…của người thợ.

Xóm nằm khuất sau con lộ lao xao xe cộ. Những con đường vào xóm rất nhỏ và nếu không có người chỉ đường, chưa chắc bạn có thể tìm ra địa chỉ lừng danh đó.

Những sản phẩm độc đáo của láng gốm xóm Gọ.

Xóm làm gốm đã được nghìn năm, đời này nối tiếp đời kia, nhưng chỉ những người con gái nơi đây khi lớn lên mới tập tành nhồi đất, còn đàn ông thì chuyên trách việc lấy đất, nhào trộn. Đất nguyên liệu được lấy ở Xuân Quang. Đất sét nơi đây không cần sàng sảy, chỉ cần đập nhuyễn ra, khi trộn với nước là thành màu đỏ hồng.

Nghề làm gốm ở xóm Gọ mang tính “gia truyền”, con cái học từ cha mẹ. Có nhà từ già đến trẻ chỉ làm gốm, ban đầu là các sản phẩm truyền thống như nồi, trách, dụ, khạp, lu, chậu, mái, hỏa lò, khuôn bánh căn, ống nhổ trầu, sau đó là các sản phẩm mỹ nghệ theo nhu cầu của thị trường.

Trước sân, sau hè của mỗi nhà ở xóm Gọ luôn rộn ràng cảnh làm gốm. Đất để làm ra sản phẩm được lấy tận mỏ đất ở sông Phan, sau đó thuê xe chở về để sử dụng từ từ.

Nghệ nhân tạo hình cho sản phẩm trên chiến bàn tròn.

Việc tạo hình cho sản phẩm còn giữ nguyện vẹn cho tới ngày nay với chiếc bàn tròn nhỏ để tạo hình cho các sản phẩm gốm được đóng cố định, người thợ đi vòng quanh cái bàn để hình dáng của sản phẩm theo như ý của mình. Sau khi hoàn thiện xong phần tạo hình, người thợ đi vòng dùng thanh tre nhỏ uốn cong để gọt bớt những chỗ dư thừa trên sản phẩm. Gốm làm xong được thoa lên một lớp nước đất sét gọi là “thổ hoàng” để màu gốm sau khi nung đẹp hơn.

Sau đó, tất cả sản phẩm được tập trung ở bãi đất trống cạnh làng, phơi nắng cho khô rồi gom lại, chất rơm rạ và củi bọc quanh, một lớp gốm xen một lớp củi, nổi lửa lên, đốt qua đêm. Gốm của nhà nào thì đánh ký hiệu trên sản phẩm, sau khi lửa tắt, gốm nguội thì của ai nhà ấy đem về. Cách đốt theo kiểu ủ lửa tạo ra màu gốm lấm tấm vết đen rất độc đáo. Để tạo những vết đen loang lổ thẩm mỹ ấy, khi gốm còn nóng, người ta rảy lên bề mặt sản phẩm loại nước chế bằng quả dông, quả thị.

Trước sự phát triển của cuộc sống và nhu cầu tiêu thụ gốm trang trí, nhiều họa sĩ đã đến xóm Gọ, tạo dáng gốm, đặt hàng. Bán chạy nhất là các sản phẩm bình mẹ bồng con, bình trang trí hoa văn, tượng Chăm hoặc các loại sản phẩm gốm gia dụng. Trong những cuộc trưng bày tại các hội chợ, gốm Gọ bán rất chạy, thường thì các nghệ nhân đến tận nơi biểu diễn cách tạo sản phẩm.

Thoát ra khỏi không gian làng quê, gốm Gọ đã theo chân du khách có mặt tại nhiều quốc gia. Năm 1996, có ba người phụ nữ làm gốm ở xóm này được mời sang Nhật trình diễn. Không chỉ đem những mặt hàng gốm đất nung Chăm đi trưng bày ở xứ người, họ còn giới thiệu và dạy nghề làm gốm.

Bánh tráng chợ Lầu

Bánh tráng chợ Lầu nổi tiếng lâu đời bởi hương vị đặc biệt.

Là một trong những đặc sản tại Phan Thiết nhưng ít được biết đến, Bánh tráng Chợ Lầu là sản vật của Bình Thuận song đôi lúc những chuyến du ngoại nơi biển xanh cát vàng đã làm mờ nhạt điểm tham quan này. Nằm ở Bắc Bình, Chợ Lầu được xem như làng nghề làm bánh tráng gia truyền nhiều tuổi với những tấm bánh tráng thật thơm ngon.

Bánh tráng Chợ Lầu có hai loại gồm bánh tráng mỏng để cuốn và bánh tráng dày rất nhiều mè để nướng. Cũng được làm từ bột gạo như bánh tráng ở bao vùng khác, nhưng bánh tráng Chợ Lầu mang hương vị quê hương rất riêng khiến bao người thử qua một lần đều không khỏi thổn thức. Thường bánh tráng mỏng của nơi này rất dẻo, dai và dễ cuốn ít bị rách không như bánh tráng mỏng ở nhiều nơi hơi bở, nên khi dùng để cuốn thường làm cái cuốn không đẹp vì vỏ bánh nứt hoặc rách.

Những người làm bánh tráng ở Chợ Lầu đôi khi giải thích rất mộc mạc chân thành rằng, cũng chẳng có bí quyết nào lớn lao, vì khi pha bột, tráng bánh, mỗi khâu là một người phụ trách và làm rất cẩn thận. Với bánh tráng dày và có mè tuy đổ bánh dày hơn nhưng cũng phải thật khéo để bánh không được quá dày vì khi nướng lên rất dễ bị cứng. Từ khâu tráng bánh đến phơi cũng lại là những thao tác nhẹ nhàng cẩn thận. Bí quyết của người làm bánh Chợ Lầu được giải thích một cách giản dị như vậy, nhưng có lẽ không phải ai cũng có thể học theo dù nghe qua thật dễ.

Đến tham quan làng nghề, du khách sẽ chứng kiến đôi tay thoăn thoắt của người thợ khi bánh tráng, lấy bánh từ khuôn hấp ra tấm phên để phơi thành từng dãy trước sân nhà. Du khách có thể thưởng thức vài miếng bánh tráng nướng thơm giòn bên lò than đỏ rực để cảm nhận hương vị ngọt ngào của bánh Tráng Chợ Lầu. Hương vị thơm ngon của những chiếc bánh tráng nơi đây luôn song hành với những vất vả và sự chịu thương chịu khó của người nông dân.

Người dân Chợ Lầu còn giữ được nghề tráng bánh đến ngày nay, ngoài ý nghĩa tạo một việc làm có thu nhập tương đối ổn định, họ còn có một mục đích sâu xa hơn đó là gìn giữ cái nghề truyền thống của ông cha để lại.

Thời gian tới, với sự giúp đỡ của chính quyền UBND tỉnh Bình Thuận trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề, tin rằng làng gốm xóm Gọ và bánh tráng chợ Lầu sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành một trong những điểm đến níu chân và và và và và khách du lịch.

                                                                                            Theo: giadinhphapluat.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.459.614
Tổng truy cập: