Tin tức nổi bật
Để làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân phát triển bền vững
(Ngày đăng: 26/04/2016   Lượt xem: 883)
Ở xã Ninh Vân (Hoa Lư) nghề chế tác đá mỹ nghệ đã gắn bó và tồn tại với người dân hàng trăm năm. Người Ninh Vân với khối óc sáng tạo, bàn tay tài hoa, cần mẫn, từ lâu đã “biến” những tảng đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, làm lay động lòng người. Theo thời gian, nghề chế tác đá mỹ nghệ cũng có lúc thăng trầm, song với tâm huyết, với tình yêu nghề, người Ninh Vân đã, đang nỗ lực để làng nghề ngày càng phát triển.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân tự hào: Trong nhiều năm qua nghề chế tác đá mỹ nghệ phát triển khá mạnh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nghề chế tác đá mỹ nghệ phát triển đã thu hút hàng nghìn lao động tham gia, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Nghề chế tác đá mỹ nghệ phát triển đã thu hút hàng nghìn lao động tham gia, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân đã có mặt nhiều nơi trên toàn quốc, từ tượng đài Bà mẹ chiến sỹ ở Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tượng đài Thanh niên xung phong (ở Quảng Trị), tượng Mẹ Suốt (Quảng Bình), tượng Bác Hồ (Nghệ An, Vĩnh Phúc), tượng Trần Hưng Đạo (Hải Dương)… cùng nhiều sản phẩm khác ở khắp các khu di tích, danh lam, thắng cảnh của Quốc gia như: cổng Tam Quan (đền Đinh Lê), trên 500 bức tượng La Hán (Chùa Bái Đính), các bức phù điêu, văn bia, lăng mộ và hàng trăm công trình công sở, đình chùa, đền thờ, miếu mạo… với quy mô to, nhỏ khác nhau, kiến trúc nghệ thuật kim cổ, Đông, Tây vô cùng phong phú.

Nghề chế tác đá mỹ nghệ phát triển đã thu hút hàng nghìn lao động tham gia, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay xã có 5/12 làng được công nhận làng nghề truyền thống, với 453 hộ sản xuất chế tác đá mỹ nghệ. Nghề chế tác đá mỹ nghệ trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, bởi nó chiếm tới gần 50% tổng giá trị thu nhập từ TTCN – dịch vụ của toàn xã (năm 2008).

Để thúc đẩy làng nghề phát triển, Ninh Vân đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ sản xuất đơn lẻ, trong đó coi trọng việc tạo hành lang thông thoáng giúp họ vay vốn. Năm 2004, xã đã xây dựng kế hoạch phát triển các làng nghề thành xã nghề. Năm 2005, UBND tỉnh đã chấp thuận kế hoạch và cho phép đầu tư xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích là 23 ha, được đặt ở 2 thôn Xuân Phúc và Xuân Thành.

Theo đó,làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2005 – 2008, với diện tích 11 ha và kinh phí ban đầu 17,5 tỷ đồng. Việc quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân sẽ khắc phục được tình trạng điểm sản xuất xen kẽ với khu dân cư, gây cản trở giao thông, gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường… Hiện nay, làng nghề đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, rãnh thoát nước… và đã có 30 hộ, doanh nghiệp chuyển đến sản xuất.

Tuy nhiên,làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đó là khu tập trung sơ chế đá chưa được hình thành. Cho đến nay, làng nghề vẫn chưa ai được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân”. Như vậy vừa chưa kịp thời động viên những người có tay nghề, kỹ thuật cao vừa ảnh hưởng đến việc truyền nghề cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp mang tính tự phát, chưa có kế hoạch phát triển cụ thể, cũng như chưa có sự liên minh, gắn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp. Sự cạnh tranh còn thiếu lành mạnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức…

Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết: Mặc dù làng nghề đã được quy hoạch và xây dựng căn bản nhưng đến nay vẫn chưa thu hút hết các doanh nghiệp, các hộ cá thể chế tác đá ra sản xuất bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do một số hộ và doanh nghiệp chưa đủ khả năng về tài chính để thực hiện san lấp mặt bằng làm xưởng. Sự chậm trễ của ngành Điện trong việc cung ứng điện cho các hộ sản xuất cũng là một vấn đề gây nhiều bức xúc. Sự hỗ trợ của khuyến công cũng cần cân nhắc, đảm bảo công bằng vấn đề tiêu chí, thủ tục để được phong tặng danh hiệu nghệ nhân chưa có hướng dẫn của ngành chức năng…

Thiết nghĩ, để làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân phát triển một cách bền vững rất cần sự quan tâm hơn

nữa của các cấp, các ngành. Song, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, khai thác nguồn hàng, không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, đa dạng loại hình sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, hướng tới xuất khẩu mặt hàng này. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần phải kiên quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp cố tình lấn chiếm đất công mở xưởng sản xuất, không chịu di dời, có như vậy mới tạo sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh.

                                                                                  Theo langvietonline.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.407.578
Tổng truy cập: