Tin tức nổi bật
Cần sớm quyết định “Ngày Truyền thống làng nghề, phố nghề Việt Nam”
(Ngày đăng: 25/05/2015   Lượt xem: 996)
Langnghevietnam.vn -   Đã bao đời nay, làng nghề thủ công truyền thống trên mọi miền nước ta là nơi hội tụ tinh hoa của nhiều thế hệ, được  bảo tồn, kế thừa và phát triển, làm ra những sản phẩm có giá trị thiết thực và đặc sắc phục vụ đời sống. Đặc biệt, các làng nghề còn là nơi gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc.  
     
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNN, tính đến tháng 12-2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề  truyền thống được công nhận theo tiêu chí của Chính phủ là 1.748 làng, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Các làng nghề Việt Nam có tới 53 nhóm nghề thủ công khác nhau. Nhiều nghề thủ công truyền thống được các gia đình, dòng họ nối tiếp nhau gìn giữ, phát triển qua hàng trăm năm. Làng nghề phát triển đã và đang đóng góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt là khu vực nông thôn.


Hàng năm, thường vào mùa lễ hội, để bày tỏ sự biết ơn giá trị sáng tạo của các thế hệ đi trước, nhiều làng nghề đã tổ chức hoạt động dâng hương tưởng niệm Tổ nghề theo nghi lễ, phong tục truyền thống địa phương. Đây là nét đẹp đã trở thành di sản văn hóa, cần được quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này (tháng 5- 2015) làng nghề Việt Nam vẫn chưa có ngày truyền thống. Hiện nay, hầu hết các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp nước ta đều có ngày truyền thống. Đây là dịp cùng nhau tôn vinh giá trị lao động, sáng tạo, cổ vũ mọi người ra sức góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần đó, việc các làng nghề, phố nghề, nghệ nhân và người lao động thủ công nước ta đến nay vẫn chưa có ngày truyền thống là vấn đề rất đáng quan tâm!
        
 Đến bao giờ, điều mong đợi chính đáng này mới thành hiện thực?

Tháng 8- 2011, tôi có nhận lời với “Ban Truyền thông- Quan hệ quốc tế” (Ban Truyền thông) thuộc Hiệp hội làng nghề Việt Nam tham gia biên tập bản thảo cuốn sách “Báu vật Làng nghề” nhằm giới thiệu chân dung các nghệ nhân tiêu biểu trên cả nước. Nhờ đó, tôi có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu kỹ hơn về thực trạng làng nghề Việt Nam. Qua nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, tôi rát ngạc nhiên vì làng nghề nước ta chưa có ngày truyền thống. Cũng chưa thấy có bất cứ văn bản nào của các Bộ, ban, ngành liên quan đề cập tới việc xem xét, tìm chọn ngày truyền thống làng nghề, phố nghề Việt Nam.
 Từ  băn khoăn này, tôi tiếp tục nghiên cứu, sàng lọc các tài liệu liên quan với hy vọng tìm được sự kiện có ý nghĩa, có giá trị thuyết phục cao để kiến nghị bổ khuyết. Tôi vô cùng mừng rỡ khi tìm được tài liệu về sự kiện Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng vào ngày 20-2-1959. Càng phấn khởi khi tình hình phát triển kinh tế- xã hội của xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) nói chung, đặc biệt là sự phát triển của làng nghề truyền thống gốm sứ tại đây rất tốt, tôi càng tin tưởng mình đã đi đúng hướng. Ngay sau đó, tôi đã trao đổi với Ban Truyền thông về ý tưởng cần tìm một ngày xứng đáng làm ngày truyền thống của làng nghề Việt Nam và mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình. Được sự nhất trí cao của Ban Truyền thông, chúng tôi cùng sang Bát Tràng, vừa để xác minh tài liệu cho bản thảo cuốn sách “Báu vật Làng nghề”, vừa để tìm hiểu sự kiện Bác Hồ về thăm Bát Tràng.
  Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại thôn Bát Tràng còn lưu giữ một số tài liệu, hình ảnh quý ngày Bác Hồ về thăm. Trong khuôn viên Nhà tưởng niệm có một tấm bia với nội dung:“Ngày 20-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Bát Tràng, thăm công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải, hợp tác xã gốm Minh Châu và một số gia đình ở xóm 3 thôn Bát Tràng. Bác hoan nghênh nhân dân Bát Tràng đã góp phần xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải và căn dặn: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Bát Tràng tuy là thôn nhưng có hai con đường đặc biệt được gắn biển là “Đường 20-2” và “Đường 19-5”. Gia đình ông Phạm Huy Giáp, một trong số những gia đình vinh dự được Bác Hồ vào thăm, sau này đã làm bia trang trọng gắn bên cửa ra vào, coi đây là kỷ niệm thiêng liêng của gia đình và của nhân dân Bát Tràng.
Tiếp đó, tôi đề nghị Ban Truyền thông làm văn bản gửi lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam về đề xuất ý tưởng chọn ngày Bác Hồ về thăm Bát Tràng (20-2-1959) làm ngày truyền thống của làng nghề cả nước. Ban Truyền thông đã gửi công văn này tới ông Vũ Quốc Tuấn, khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nay là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.              
 Được biết, Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Hiệp hội Làng nghề Việt Nam họp phiên mở rộng lần thứ V, nhiệm kỳ III ( 2012-2016) đã thông qua đề xuất lấy ngày 20-2 hàng năm là ngày “Ngày truyền thống làng nghề, phố nghề Việt Nam”. Đề xuất này được sự đồng thuận của hầu hết các làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tháng 6-2014, tại Bát Tràng, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến về “Ngày truyền thống làng nghề, phố nghề Việt Nam 20-2”.                   
 Nếu tính từ năm 2011, thời điểm Ban Truyền thông gửi văn bản tới HHLN Việt Nam đề xuất chọn ngày truyền thống cho làng nghề, phố nghề Việt Nam đến nay ( năm 2015) đã 5 năm. Làng gốm sứ Bát Tràng cũng như làng nghề cả nước đang nóng lòng mong chờ chính thức có “Ngày truyền thống làng nghề, phố nghề Việt Nam”. Dẫu biết Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng rất quan tâm vấn đề này, nhưng tôi vẫn băn khoăn: đến bao giờ, điều mong đợi chính đáng này mới thành hiện thực?
   Bát Tràng luôn phấn đấu làm tốt những lời Bác dặn
       
Tháng 5 năm nay, tôi trở lại thăm Bát Tràng trước dịp kỷ niệm 125 năm ngày Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng bộ xã Bát Tràng cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ 21, nhiệm kỳ 2015-2020.
  Ông Đào Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng cho biết: Trong 5 năm qua (2011-2015) giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu của xã hàng năm đạt trên 400 tỷ đồng, tăng bình quân trên 12%; thu nhạp bình quân đầu người năm 2010 đạt 24.300.000đ/người, năm 2014 đạt 32.500.000đ/người. Giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng hàng năm đạt trên 226 tỷ đồng, tăng bình quân trên 12%; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ hàng năm đạt trên 186 tỷ đồng, tăng bình quân 18,3% so với năm trước. Bát Tràng còn là điểm du lịch tham quan khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm có gần 2.500 đoàn với trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 40.000 lượt khách trong nước đến Bát Tràng tham quan, mua sản phẩm gốm sứ.


  Ngày 2-5-2015, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định số 530/QĐ-UBND công nhận xã Bát Tràng đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014, giai đoạn 2011-2015. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội, an ninh- quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đạt được những kết quả, thành tựu mới. Hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Năm năm liền MTTQ xã được cấp trên công nhận là “Đơn vị xuất sắc”. Năm 2014, Hội Người cao tuổi của xã được  Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng khen. Năm 2014, có 10/11 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, nhiều năm liền xã Bát Tràng được thành phố công nhận là “ Đơn vị tiên tiến xuất sắc về TDTT”…
 Về giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho làng nghề phát triển trong giai đoạn 2015-2020, ông Đào Xuân Hùng cho biết: lãnh đạo xã Bát Tràng sẽ tạo điều kiện cho các hộ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại cụm sản xuất làng nghề tập trung; triển khai thực hiện dự án xây dựng khu thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao và Làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, xây dựng Bảo tàng gốm sứ, Chợ sáng Bát Tràng…góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
 Đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi xã Bát Tràng rất tài hoa, sung sức trong lao động, sáng tạo: 3 nghệ nhân của xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, xã có 5 nghệ nhân danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, 18 nghệ nhân danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Xã còn có 2 CLB nghệ nhân làng nghề truyền thống Bát Tràng và CLB nghệ nhân làng nghề truyền thống Giang Cao.
                                                                    Bài & hình : Từ Ngọc Lang
Xem thêm:
>>
Tọa đàm lấy ý kiến về “ Ngày truyền thống làng nghề , phố nghề Việt Nam 20-2”
>> Ký sự làng nghề : Tìm ngày truyền thống cho Làng nghề Việt Nam
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.466.098
Tổng truy cập: