Tin tức nổi bật
Làng điêu khắc đá dưới chân núi Trầm
(Ngày đăng: 22/05/2015   Lượt xem: 915)
Nằm dưới chân núi Trầm, làng Long Châu Miếu thuộc xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) được biết đến như “cái nôi” của nghệ thuật điêu khắc đá ở Thủ đô.
Nhiều chi tiết của sản phẩm điêu khắc đá vẫn phải thực hiện bằng tay.
Nhiều chi tiết của sản phẩm điêu khắc đá vẫn phải thực hiện bằng tay.
Trải qua hơn 200 năm, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ nơi đây đã góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống người dân, dù vậy, nghề này vẫn đang còn không ít nỗi lo.
Nghề lắm công phu
Theo QL6, đến thị trấn Chúc Sơn rẽ phải sẽ đến làng điêu khắc đá nổi tiếng Long Châu Miếu. Dọc con đường bê tông sạch sẽ, những cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ mọc lên san sát. Tiếng máy móc chạy, tiếng đục đẽo, khoan, cắt, xẻ đá… vang lên không dứt - những thanh âm dường như đã trở nên quen thuộc với ai từng có dịp đặt chân tới Long Châu Miếu. Ông Nguyễn Văn Củng, năm nay 83 tuổi là một trong những nghệ nhân điêu khắc đá lâu năm và có tiếng của làng kể rằng, từ lúc lên 5 tuổi, ông đã được tiếp xúc với công việc điêu khắc. Đó là thời kỳ mà mọi khâu chế tác đều thực hiện hoàn toàn thủ công. Đến nay, việc chế tác có sự hỗ trợ khá nhiều từ các thiết bị máy móc, nhất là ở khâu xẻ đá. Theo ông Củng, 15 năm trước, để xẻ một phiến đá, người ta phải dùng cưa tay, rất vất vả và mất nhiều thời gian, thì nay, nhờ có máy xẻ đá, công đoạn này được thực hiện nhanh hơn nhiều. Sản phẩm điêu khắc đá Long Châu Miếu rất đa dạng về mẫu mã, kích thước. Từ những sản phẩm nhỏ để bàn cho tới các bức tượng lớn phục vụ nhu cầu trang trí, văn hóa – tín ngưỡng như: Con giống, phù điêu, thần phật, lan can đá, lăng mộ, cột đình – đền – chùa… Sản phẩm dù kích cỡ nào, hay phức tạp đến đâu, người Long Châu Miếu đều có thể chế tác được.
Ông Nguyễn Xuân Khế, năm nay 82 tuổi - một nghệ nhân điêu khắc của làng cho hay, dù đã có sự hỗ trợ của máy móc nhưng để có được những sản phẩm thực sự tinh xảo, nhiều chi tiết vẫn phải thực hiện thủ công. Sản phẩm đá mỹ nghệ Long Châu Miếu không chỉ có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn đang trên đường vươn tới thị trường một số quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan…
Nỗi lo môi trường
Trưởng thôn Long Châu Miếu Nguyễn Văn Lộc cho biết, toàn thôn có khoảng 300 hộ thì hiện có đến 2/3 tham gia làm nghề điêu khắc đá. Trong đó, có khoảng 25 cơ sở sản xuất lớn với quy mô từ 30 - 40 nhân công làm việc thường xuyên. Người lao động làm thuê cho các cơ sở lớn, tiền công được trả mỗi ngày khoảng 200.000 đồng. Với những thợ điêu khắc có tay nghề cao, có thể nhận làm khoán: Một sản phẩm có giá bán khoảng 40 - 50 triệu đồng, người làm khoán sẽ được trả chừng 15 triệu đồng, nếu tay nghề tốt, thành thạo, có thể hoàn thành trong vòng một tháng.
Không thể phủ nhận nghề điêu khắc đá mỹ nghệ mang lại thu nhập khá, tuy nhiên, hệ lụy của nó cũng đang hiện hữu ngày càng rõ nét, khiến người dân thôn Long Châu Miếu nói riêng, xã Phụng Châu nói chung hết sức trăn trở. Thực tế, việc chế tác đá mỹ nghệ đang tác động không nhỏ tới môi trường và cuộc sống của người dân nơi đây. Tiếng ồn trong quá trình xẻ đá phá vỡ không gian tĩnh mịch nơi làng quê. Trong khi đó, bụi đá khiến nhiều hộ dân sống gần các xưởng sản xuất bị ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, hoặc trước những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, khi lượng khách đặt hàng lớn, các cơ sở sản xuất phải tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân nơi đây bị xáo trộn. Trước những ảnh hưởng đó, ông Lê Bá Đồng – Chủ tịch UBND xã Phụng Châu cho biết, địa phương đã có kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của huyện Chương Mỹ đề xuất bố trí khoảng 4ha đất sau dồn điền đổi thửa thuộc khu đồng Cấp Tứ để quy tụ các hộ chế tác đá về sản xuất tập trung tại đây. Tuy nhiên, đến nay, đề án vẫn chưa được lãnh đạo huyện thông qua.
Để giảm bớt ảnh hưởng không tốt của chế tác đá tới cuộc sống người dân, chính quyền địa phương đã yêu cầu một số cơ sở di dời tới khu vực chân núi Trầm - nơi có ít hộ dân sinh sống hơn để sản xuất. Tuy nhiên, điều này lại vô tình khiến chùa Trầm - Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 1962 bị ảnh hưởng. Và rõ ràng, đây không thể là giải pháp về lâu dài. Mong mỏi lớn nhất của người dân Phụng Châu hiện nay là huyện Chương Mỹ sớm phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị kinh tế của nghề điêu khắc đá truyền thống, đồng thời giải quyết những vấn đề liên quan tới môi trường, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân nơi đây.
                                                                      Theo : ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.467.825
Tổng truy cập: