Tin tức nổi bật
Để lan tỏa "tiếng thơm" lụa Vạn Phúc
(Ngày đăng: 20/05/2015   Lượt xem: 815)

Các em học sinh tham quan làng lụa Vạn Phúc.

Từng là vật phẩm cống vua ở các triều đại phong kiến, độ tinh xảo của lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã đi vào thơ ca và âm nhạc. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm cùng lịch sử, đến nay làng lụa với sản phẩm truyền thống nổi tiếng vẫn đang vươn mình đổi mới từng ngày để khẳng định giá trị trên con đường hội nhập.

Vạn Phúc là một trong những làng nghề hiếm hoi của nước ta đến nay vẫn phát triển nghề tổ trong dòng chảy thương mại hóa với 150 gia đình còn giữ nghề, tám nghệ nhân và 36 thợ giỏi. Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, mặt hàng lụa độc đáo nhất của làng là lụa vân, sản phẩm đúc kết kinh nghiệm và kỹ thuật dệt qua nhiều thế hệ. Đây là hàng lụa dệt hoa văn từ canh sợi tơ trên những chiếc go võng, sợi dọc được vặn chéo để khóa sợi ngang, nhờ đó mà tấm lụa mịn, mềm, thoáng mà vẫn chắc chắn, không bị xô dạt. Ông Hà cho biết: Trên một cen-ti-mét vuông lụa Vạn bao giờ cũng có ít nhất 80 sợi dọc và 50 sợi ngang. Mật độ các sợi ngang, sợi dọc cao nên nhìn mặt lụa Vạn thường dày hơn nhưng mềm hơn, mịn hơn, nhờ đó khi nhuộm, độ thẩm thấu màu cao hơn so với lụa nơi khác. Đây cũng là dấu hiệu giúp những người sành lụa nhận ra lụa Vạn.

Vạn Phúc đã thừa hưởng được nghề quý từ cha ông, song để giữ vững và phát triển được thương hiệu làng nghề trong nhịp sống thương mại hóa là cả một vấn đề hóc búa. Nhất là khi hiện nay, nghiệp canh cửi ở làng Vạn đang lâm vào thế "rối như tơ vò" trước sự cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã, giá cả của lụa Trung Quốc. Nhiều gia đình chưa có tính cộng đồng trách nhiệm trong công tác bảo vệ thương hiệu làng nghề, vì chạy theo lợi nhuận mà trà trộn, bày bán những sản phẩm kém chất lượng, thiếu trung thực trong niêm yết công khai chủng loại, chất lượng, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín lụa Vạn. Theo ông Phạm Khắc Hà, khó khăn lớn nhất mà làng lụa đang gặp phải nằm ở khâu đáp ứng nguyên liệu và xử lý sản phẩm, trong khi thị trường trôi nổi nhiều sản phẩm thậtgiả khiến lụa Vạn Phúc chính hiệu bị mất thế cạnh tranh. Nhiều hộ gia đình vì không bảo đảm được nguồn thu nên lần lượt bỏ nghề, đặt ra thách thức lớn hơn cho làng lụa với sự trống vắng của một thế hệ tương lai sẽ tiếp tục phát triển nghề tổ cha ông. Từ chỗ có hơn nghìn máy dệt cách đây mười năm, đến nay số máy dệt còn chưa nổi 300, một phần ba trong số đó chỉ là máy dệt thường, nhiều hộ gia đình chỉ dệt theo thời vụ...

Trong thế khó khăn bủa vây đó, Hiệp hội Làng nghề đang đề xuất sớm được quy hoạch vùng sản xuất và xử lý nguyên liệu cho ngành dệt, nhằm tạo nguồn cung ổn định giúp những hộ gia đình yên tâm dệt lụa quanh năm, nâng cao năng suất sản lượng và hàm lượng sáng tạo trong các sản phẩm. Dù hiện nay, lụa Vạn đang gặp khó khăn khi cạnh tranh nhưng Hiệp hội xác định không thể vì thế mà đơn giản hóa việc sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, ngược lại vẫn phải kiên quyết bảo đảm những tiêu chuẩn kỹ thuật truyền thống, bởi độ tinh xảo và cảm giác mang lại khi sử dụng mới là thứ làm nên thương hiệu riêng của lụa Vạn. Thời gian qua, làng Vạn Phúc đã nghiên cứu một số máy có thể dệt tên thương hiệu lên sản phẩm. Hiệp hội cũng đang vận động tất cả các hộ gia đình khi sản xuất lụa đều có ý thức dệt thương hiệu lụa Vạn lên từng cây lụa theo công nghệ riêng, từng bước đẩy lùi sự xuất hiện của các mặt hàng trà trộn.

Mới đây, làng Vạn Phúc khai trương Trung tâm kinh doanh lụa với bảy gian trưng bày, năm gian dành cho lụa và hai gian dành cho các mặt hàng lưu niệm độc đáo được làm từ lụa. Các sản phẩm lụa ở đây đều phải là hàng chất lượng cao đã qua thẩm định, được niêm yết công khai về chủng loại, giá cả. Sự hình thành của Trung tâm được coi là bước đi đúng đắn nhằm khắc phục tình trạng bán phá giá, bán hàng kém chất lượng tồn tại lâu nay, cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để khách hàng có thể thoải mái giao thương mà không lo mua phải hàng kém chất lượng. Vạn Phúc vừa nhập về máy dệt hoa văn riêng nhằm kích thích sức sáng tạo của các thợ giỏi, tránh tình trạng nhái mẫu mã trước đây. Khâu quảng bá, giới thiệu thương hiệu lụa Vạn Phúc cũng được chính quyền địa phương và Hiệp hội đặc biệt chú trọng thông qua việc tham gia các hội chợ, hội thảo trong, ngoài nước, mang về những đơn đặt hàng lớn. Bên cạnh đó là những hoạt động thường xuyên như mở khóa tham quan miễn phí cho học sinh, bồi dưỡng nâng cao tay nghề thợ dệt nhằm bồi đắp tình yêu nghề cho thế hệ trẻ, đồng thời tôn vinh các thợ giỏi có nhiều cống hiến cho sự phát triển nghề dệt Vạn Phúc. Đặc biệt, UBND phường Vạn Phúc xác định phát triển sản phẩm lụa truyền thống trên cơ sở khai thác du lịch làng nghề. Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Đặng Quang Hải cho biết, phường đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xây dựng lộ trình tua du lịch riêng cho làng lụa, trong đó trọng tâm là tìm hiểu, tham quan quy trình dệt lụa, khám phá vẻ đẹp riêng của những sản phẩm làm từ lụa Vạn Phúc. Với định hướng phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo tồn nghề dệt, gần đây, mỗi năm làng Vạn Phúc đón trung bình khoảng 15 nghìn lượt khách quốc tế, 120 nghìn lượt khách nội địa, mang về 70 đến 80 tỷ đồng, tăng 30 đến 40% doanh thu nhờ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân địa phương có thể phát triển kinh doanh dịch vụ.

Hành trình khẳng định và phát triển thương hiệu lụa Vạn Phúc còn không ít gian nan, nhưng tin rằng, tình yêu nghề và tâm huyết của những người gắn bó với làng lụa sẽ từng bước mang lại sự thay da đổi thịt để nghề tổ cha ông mãi được gìn giữ và phát triển như một nét văn hóa mang đậm bản sắc và đem về nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương cũng như cho đất nước.

                                                                 Theo : nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.467.261
Tổng truy cập: