Tin tức nổi bật
Khi đàn ông là nghệ nhân thêu
(Ngày đăng: 15/12/2014   Lượt xem: 1195)
Thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi, Thường Tín (Hà Nội) hiện nay vẫn là một làng thêu. Trong đó, có cả những nghệ nhân là nam giới hàng ngày tỉ mỉ theo từng mũi kim để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. 



Nghệ nhân Vũ Văn Hải bên tác phẩm "Vườn tri ân”

Tôi ấn tượng với đôi tay khéo léo như con gái của chàng trai Vũ Văn Hải mới ngoài 30 tuổi, một trong những nghệ nhân nam của làng thêu Khoái Nội - một làng nghề đã tồn tại hàng thế kỷ. Anh là một trong những nghệ nhân nam còn sót lại của làng nghề đã gắn bó với nghề thêu tay hơn 20 năm. Hải tâm sự: Mình cố gắng theo cái nghề này, vì từ thời các cụ ngày xưa đã làm rồi. Và hơn hết, anh say sưa và đam mê với nó. Mới hơn 30 tuổi, Hải đã mở cho gia đình mình một cơ ngơi bề thế, mong gìn giữ được ngón nghề truyền thống. Ở địa phương, Hải cùng một số nghệ nhân cũng đã thành lập những câu lạc bộ thêu để nâng cao tay nghề và chỉ bảo cho những bạn trẻ. Mỗi lớp khoảng vài chục người, cứ giờ rảnh rỗi lại cùng nhau học. 

Nhà anh Hải hiện nay có 5 người theo nghề thêu tay. Ông bà vẫn đều đều thêu cùng con cháu. Anh Hải bảo, đã theo nghề rồi thì không bán được tranh cũng vẫn cứ theo, kể cả sau này cũng vậy. Làm nghề thêu không phải dễ. Càng đi sâu càng thấy khó. Và cái khó nhất là việc gìn giữ và phát triển nghề. Tham quan xưởng tranh nhà Hải mới thấy hết sự phong phú của thế giới tranh thêu, thấy được tài hoa của những người thợ sáng tạo ra nó. Các bức tranh đủ sắc màu, đủ chất liệu và hình ảnh. Bức tranh có giá rẻ nhất được làm để trang trí bàn có giá từ 70 đến 120 nghìn, cỡ tranh 20x30. Đắt thì cũng có giá vài triệu, có khi trên 100 triệu đồng. Anh Hải chỉ cho chúng tôi xem bức tranh "Vườn tri ân” có giá hơn 100 triệu. Đó là một khu vườn rộng, trang trí tỉ mỉ với nhiều ý nghĩa toát lên từ trong bức tranh. Anh bảo, định giá cho một tác phẩm cơ bản nhất là công sức của người thợ, còn chất liệu để làm ra sản phẩm chỉ chiếm từ 5 đến 10%. Và không phải sản phẩm nào xưởng làm ra cũng có khách tìm đến mua trong chớp nhoáng. Thỉnh thoảng lắm mới có một vài người mua những bức tranh lớn đắt tiền. Vì để họ có thể sẵn sàng bỏ tiền túi ra chi trả cho những bức tranh có giá vài chục, vài trăm triệu phải là một sản phẩm thực sự chất lượng.

Với Vũ Văn Hải, tình yêu dành cho những bức tranh thêu được nâng lên theo từng ngày. Anh cần mẫn sáng tác ra sản phẩm để gắn bó với cái nghề truyền thống. Dù tranh thêu có thể cả tháng không bán được bức nào thì anh vẫn say sưa, vẫn kiên trì chờ ngày hái quả bằng tình yêu và tâm huyết của mình.

Nhiều năm trước, làng thêu Khoái Nội đa số là thêu tay, nhưng một vài năm gần đây thì có tới 2/3 chuyển sang thêu máy. Nhà nhà tấp nập người làm nhưng chủ yếu là các mẹ, các chị. Tính trong tổng số các nghệ nhân thêu tay bây giờ thì cũng chỉ có khoảng 10% là nghệ nhân nam. Vì công việc này thường gắn với phụ nữ chứ ít nam giới có thể tỉ mỉ, dày công theo nghề này.  

Trên nền vải, chỉ với vài nét phác thảo bằng phấn mờ, bằng đường kim mũi chỉ, kỹ thuật phối màu điêu luyện, người dân Khoái Nội đã tạo ra những bức tranh đặc sắc, màu sắc hài hòa, đường nét tinh tế, sinh động và có hồn. Mỗi bức tranh thêu thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và mang cả những thông điệp, những câu chuyện rất chân thật về cuộc sống và tình người nơi miền quê yên bình này. Hỏi nghệ nhân Vũ Văn Hải về việc đánh giá một sản phẩm thêu, anh bảo, sản phẩm hoàn chỉnh được đánh giá dựa vào rất nhiều yếu tố. Người ta luôn gọi cái nghề thêu này là nghề lấy công làm lãi. Đó là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn chỉ, chọn vải đến thêu. Một sản phẩm thêu đạt chuẩn là sản phẩm được những người trong nghề thừa nhận và khách hàng công nhận. Họ sẽ đánh giá kĩ năng, sự tâm huyết của người thợ như thế nào. Định giá cũng như vậy, từ người đặt hàng đến người làm sản phẩm cùng trao đổi để nâng lên hay hạ xuống một tác phẩm. Chất liệu làm ra sản phẩm mắt thường cũng có thể nhận biết được nếu tinh ý. Người thợ thêu tranh bằng các loại cotton thường và tơ. Quan trọng nhất đó là công đoạn nhuộm để đánh giá độ bền, lâu phai của sản phẩm. Nếu nhuộm, hấp kém thì chỉ một thời gian sẽ không còn màu tranh nguyên vẹn, khiến bức tranh trở nên xấu. Để chọn được một bức tranh như ý, người mua nên lựa tranh theo 2 tiêu chí, vải để thêu có phải là tơ không và dùng loại chỉ nào? Vải lụa thì sẽ cho cảm giác thân thiện, mềm và không nóng. Còn tơ tằm sợi sẽ không bóng bằng tơ cotton.
                                                                      Theo : daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.458.743
Tổng truy cập: