Tin tức nổi bật
Du lịch làng nghề: Văn hóa phải được đặt lên hàng đầu
(Ngày đăng: 26/08/2014   Lượt xem: 520)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.

Sản phẩm làng nghề có hàm lượng văn hóa rất cao

Sản phẩm làng nghề có hàm lượng văn hóa rất cao

Đánh giá của ông về chủ trương phát triển làng nghề gắn với du lịch?

Ông Tôn Gia Hóa

Theo tôi, phát triển làng nghề theo hướng du lịch là khả thi, phù hợp nhất, không những phát triển được kinh tế mà còn giữ được làng nghề. Bởi, nói đến du lịch là nói đến cảnh quan, lịch sử, văn hóa, sự khác biệt, nét độc đáo…, và những yếu tố này làng nghề lại có sẵn. Vì giàu hàm lượng văn hóa nên có những sản phẩm làng nghề luôn tồn tại và phát triển cho dù cuộc sống có nhiều xoay chuyển. Ví như làng nghề đồ sơn mài, khi nền kinh tế đi xuống nhưng vẫn phát triển ổn định, vì sản phẩm của làng nghề chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh không dễ bị mai một.

Vì sao hiện có hơn 3.000 làng nghề nhưng làng nghề làm du lịch lại chỉ đếm trên đầu ngón tay?

Du lịch có đặc điểm, yêu cầu riêng của nó, gắn với thưởng ngoạn, trải nghiệm, được phục vụ và dịch vụ phải bảo đảm. Tuy nhiên, hiện dịch vụ du lịch của làng nghề đang rất kém, thậm chí nhiều làng chưa có. Điểm du lịch phải khác với điểm sản xuất. Hơn nữa ngành du lịch xem làng nghề là một loại hình để khai thác, phục vụ khách, nhưng dường như chỉ “hớt ngọn”, xem làng nào làm được du lịch thì đưa khách đến, chứ chưa thực sự quan tâm, đầu tư vào làng nghề. Trong khi đó, chỉ cần góc nhỏ nguồn vốn của các dự án khác để làm truyền thông, xây dựng dịch vụ cho làng nghề thì kết quả sẽ rất khác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa:

Để giữ nghề, giữ làng ngoài yếu tố văn hóa phải có doanh nghiệp đầu tư, nhân lực tâm huyết biết khai thác thế mạnh, tìm hướng phát triển bền vững cho làng nghề.

So với các nước trong khu vực, sản phẩm làng nghề của Việt Nam như thế nào?

Nếu so về độ tinh xảo của sản phẩm, và sức sản xuất thì làng nghề Việt Nam hơn nhiều nước trong khu vực. Nhưng chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này. Mặt khác, sản phẩm làng nghề là sự tiếp bước không ngừng nghỉ của kế thừa từ thế hệ này sang thế khác. Tuy nhiên, những nghệ nhân đang dần già yếu và mất đi, nhưng thanh niên của làng nghề lại không tha thiết kế thừa… Ngay cả nhận thức, niềm tự hào của cộng đồng dân cư đối với sản phẩm của làng nghề cũng đang ở mức rất thấp. Điều này hoàn toàn trái ngược với ý thức của người dân làng nghề ở nhiều nước trong khu vực, đối với họ, cái gì nuôi sống làng nghề thì phải tôn vinh. Tại Thái Lan, ở mỗi làng nghề, từng hộ dân đều trưng bày sản phẩm của làng, và cả làng nghề trở thành một bảo tàng tôn vinh sản phẩm rất ấn tượng, hấp dẫn.

Theo ông cần thay đổi điều gì để cải thiện thực trạng cho du lịch làng nghề?

Ngành du lịch cần vào cuộc một cách quyết liệt, vì có làng nghề có thể “tự thân vận động” và phát triển nhưng hầu hết đều phải nhờ sự hỗ trợ, đầu tư của các đối tác. Năm 2003, nhờ dự án Photovoice do Nhật Bản tài trợ mà bản Na Sàng, Điện Biên với nghề dệt truyền thống đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Điều này cho thấy, để làng nghề làm du lịch, ngoài vấn đề vốn thì yếu tố quan trọng là có người để tâm, hỗ trợ làng nghề xây dựng sản phẩm, thực hiện quảng bá. Mặt khác, cần có sự liên kết giữa làng nghề với doanh nghiệp, địa phương và du lịch phải mang lại lợi ích cho các bên.

Chiến lược phát triển làng nghề phải cụ thể, không phải quy hoạch bao nhiêu làng nghề mà nghề được phân bổ như thế nào để bảo đảm cuộc sống cho người dân và phát triển bền vững. Mặt khác, do đặc thù là mặt hàng thủ công nên bản sắc văn hóa phải đặt lên hàng đầu, cần thể hiện đậm nét trong mỗi sản phẩm, có như vậy mới không bị sản phẩm ngoại chèn ép, chiếm lĩnh thị trường ngay tại sân nhà khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời.

Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                     Theo: baocongthuong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.459.609
Tổng truy cập: