Tin tức nổi bật
Chờ đến bao giờ?
(Ngày đăng: 10/04/2014   Lượt xem: 920)
Sự ra đi của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc - "cây đại thụ" của làng ca trù Thăng Long không chỉ để lại nỗi tiếc thương cho những người trong nghề mà một lần nữa đặt ra câu hỏi đến bao giờ nghệ nhân dân gian mới nhận được chế độ đãi ngộ xứng đáng?
Ra đi trong ngậm ngùi
Ngay sau khi nghe tin nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc qua đời, các ca nương, kép đàn đã họp mặt về ngôi nhà cuối ngõ ở thôn Ngãi Cầu để cùng gia đình chung tay lo chuyện hậu sự. Và điều đặc biệt nhất trong lời tiễn biệt bà trùm giáo phường không phải là tiếng kèn, tiếng trống khóc than; mà lớp học trò đã dâng lên bà những khúc ca như: "Tỳ Bà Hành", "Hồng hồng tuyết tuyết", "Non nước"... đúng theo ý nguyện của nghệ nhân trước khi nhắm mắt. 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cùng học trò - ca nương Phạm Thị Huệ trong một chương trình biểu diễn ca trù.     Ảnh: Minh Minh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cùng học trò - ca nương Phạm Thị Huệ trong một chương trình biểu diễn ca trù. Ảnh: Minh Minh
85 năm sống trên cõi đời, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã có 73 năm gắn bó với ca trù. Sinh ra trong gia đình hát ca trù truyền thống, năm 12 tuổi, ca nương Nguyễn Thị Chúc đã nổi tiếng khắp các giáo phường với kỹ thuật ém hơi, đổ hột tài tình và đậm chất ca trù. Khi nghệ thuật hát ca trù được UNESCO vinh danh, mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng nghệ nhân Chúc là một trong số ít ỏi nghệ nhân tích cực tham gia hát và truyền dạy cho lớp nghệ nhân mới. Chỉ có điều, sự mòn mỏi cống hiến của bà cho ca trù cho đến khi nhắm mắt, ngoài cái danh hiệu nghệ nhân do Hội Văn nghệ dân gian phong tặng, về mặt chế độ, bà chưa hề được ưu đãi gì. Đáng nói là, bà Chúc không phải là "báu vật" duy nhất của nghệ thuật dân gian ngậm ngùi ra đi khi chính sách, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân được bàn thảo suốt 20 năm qua vẫn chưa thể hoàn thiện để ban hành. 
Vẫn mòn mỏi đợi chờ!
Khi khảo sát nghệ thuật ca trù trong cả nước để lập hồ sơ di sản đệ trình UNESCO, cơ quan quản lý tìm được 22 nghệ nhân - là những ca nương, kép đàn cũ nhưng đến nay hơn ba phần tư trong số họ đã lần lượt về với tiên tổ. Đầu năm 2013, trước cảnh nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX - nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi trong nghèo khó, chưa một lần nhận được một đồng đãi ngộ của Nhà nước thì nội dung Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) lại được Bộ VHTT&DL đặt lên bàn hội nghị bàn bạc. Và những tưởng, trong tháng 6 năm 2013, Nghị định xét tặng sẽ được thông qua, nhưng đến phút chót, quy trình xây dựng Nghị định lại tạm dừng chờ Quốc hội thông qua Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Từ đó đến nay, gần như tháng nào, Nghị định xét tặng NNND, NNƯT cũng được cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa nhắc đến. Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi cũng đã được Quốc hội thống nhất cao hồi tháng 11/2013. Thế nhưng, những vấn đề của tiêu chí hồ sơ, thời gian cống hiến, quy trình xét tặng còn chồng chéo giữa hai Bộ (Bộ VHTT&DL và Bộ Công Thương) nên nội dung của Nghị định vẫn chưa ngã ngũ. 
Cùng với Nghị định xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT chưa được thông qua, là chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân vẫn phải chờ. Sau 20 năm chờ đợi thông qua Thông tư rồi Nghị định, số lượng nghệ nhân của các loại hình nghệ thuật dân gian đã giảm từ hơn 700 xuống còn 294 người. Trong số đó, rất nhiều nghệ nhân đã đến tuổi "gần đất xa trời", đời sống khó khăn, đang mong mỏi kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, dù chỉ vài chục ngàn đồng mỗi tháng. Chỉ nói riêng lĩnh vực ca trù, các nghệ nhân còn lại như cụ Nguyễn Phú Đẹ, cụ Nguyễn Thị Sinh, năm nay đã hơn 90 tuổi, các cụ Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn, hay các cụ Đỗ Thị Sông, Đỗ Thị Dị đều cũng đã ngoài tuổi 80, cũng không biết chính xác ai còn ai mất. Trong đám tang cụ Chúc, học trò của cụ là ca nương Phạm Thị Huệ đã phải thốt lên: "Mong Nhà nước sớm có chế độ chính sách quan tâm đến nghệ nhân để các cụ đỡ thiệt thòi". 
20 năm rồi, mỗi khi trông vào một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, người ta vẫn luôn tự hỏi, đến bao giờ, những nghệ nhân dân gian mới nhận được sự quan tâm và một chế độ ưu đãi công bằng với những gì họ đã cống hiến cho nghệ thuật nước nhà? Rất có thể chỉ khoảng 5 - 10 năm nữa thôi, sẽ không còn nghệ nhân cao niên nào còn sống để người đời chất vấn các nhà quản lý câu hỏi đau đáu này.
                                                                                     Theo: Kinh tế đô thị
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.466.671
Tổng truy cập: