Tin tức nổi bật
Liên kết nâng giá trị sản phẩm làng nghề
(Ngày đăng: 10/04/2014   Lượt xem: 1042)
Nếu các làng nghề biết “bắt tay” nhau thì không những sản phẩm của họ vừa có đầu ra, mẫu mã phong phú, đa dạng và quan trọng hơn là nó tôn vinh nhiều làng nghề chỉ trong một món quà lưu niệm.

Chuyển động từ làng nghề truyền thống

Cuối năm 2013, trong một triển lãm về sản phẩm làng nghề được tổ chức tại Hà Nội, cùng với các sản phẩm làng nghề khác trong cả nước, sản phẩm các làng nghề của Hội An đã thu hút được khá nhiều khách đến tham quan.


Các làng nghề biết “bắt tay” nhau sẽ đem lại giá trị mới cho sản phẩm

Tại các cuộc triển lãm mang tính chất báo cáo thành quả này, dân làng nghề Quảng Nam nói chung và ở Hội An nói riêng đã hoàn toàn nhận thức được rằng, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, phải có sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chất lượng tốt… Liên kết sức mạnh các làng nghề đang là xu hướng mới, giúp nhiều hộ sản xuất sản phẩm truyền thống vực dậy được nghề gia truyền của mình.

Hội thảo tổng kết dự án được tổ chức tại Hội An mới đây, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá: Mặt hàng thủ công đã luôn luôn được thừa nhận như một niềm tự hào về bản sắc dân tộc, đồng thời đem lại thu nhập cho cộng đồng địa phương. Nhưng trong thực tế, tiềm năng của ngành nghề tại Việt Nam chưa được phát huy tối đa, nhiều làng nghề đang trên bờ vực của sự suy giảm.

Sản phẩm của họ không đáp ứng được nhu cầu thị trường, lực lượng lao động làng nghề tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Ngoài ra, một số lượng đáng kể hàng lưu niệm và các sản phẩm thủ công được bán tại các điểm du lịch của Việt Nam, bao gồm Hội An và Mỹ Sơn được sản xuất hàng loạt bởi một số ít các cơ sở thủ công, thậm chí là của nước ngoài.

Một số nghệ nhân làng nghề cho biết, vấn đề mà họ quan tâm nhất vẫn là sản phẩm làm ra có bán được hay không. Mặt khác, họ cho rằng chính bởi không cho thu nhập cao, lại không có cơ hội để tiếp thu với cái mới, nên phần lớn thanh niên bỏ nghề, rời làng đi tìm công việc khác.

Thậm chí, thế hệ con cháu các nghệ nhân làng nghề cũng không một ai có nhu cầu chọn học những ngành nghề phục vụ cho làng nghề. Ví dụ như học về mỹ thuật, quản trị kinh doanh, hoặc công nghệ thiết kế và chế tạo sản phẩm làng nghề…

Ông Huỳnh Sướng, nghệ nhân làng nghề mộc Kim Bồng bộc bạch: “Gia đình tôi làm nghề mộc mấy đời nay, con cái cháu chắt đều có nghề là do học truyền khẩu và thực hành ngay trong xưởng sản xuất của nhà chứ chẳng qua một cơ sở đào tạo bài bản nào. Thực sự, chúng tôi cũng biết phải có mẫu mã phong phú, bắt mắt mới ăn khách.

Nhưng thực sự đang khó, vì chính chúng tôi làm cũng hoàn toàn bằng kinh nghiệm, mẫu mã toàn tự phát bằng cảm nhận, bằng sự sáng tạo bản năng. Những cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như gia đình chúng tôi rất muốn có một trung tâm đào tạo về chuyên ngành để đưa người đi học.

Ví dụ như một trung tâm đào tạo về công nghệ, quản lý, mỹ thuật… chứ không hẳn phải là trường đại học…”.

Cho nên, việc hơn 30 bộ sản phẩm thủ công mang đậm dấu ấn của các làng nghề ở Quảng Nam đang được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng là kết quả từ sự nỗ lực của dự án Phát triển sản phẩm thủ công làng du lịch tỉnh Quảng Nam.

Dự án này được tài trợ bởi Quỹ Tín thác (Trust - Hàn Quốc) thông qua UNESCO, với mục đích hỗ trợ các làng nghề thủ công tại Quảng Nam, đặc biệt là khu vực gần hai di sản thế giới - Hội An và Mỹ Sơn - trong việc tái định hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của du khách và củng cố các giá trị văn hóa.

Liên kết nâng giá trị

Nắm bắt được nhu cầu thiết thực của các làng nghề ở tỉnh Quảng Nam nói chung và ở Hội An nói riêng, thông qua UNESCO, Quỹ Tín thác Hàn Quốc khởi động chương trình hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công tại Quảng Nam, đặc biệt là khu vực gần hai di sản thế giới, triển khai từ tháng 2/2012.

Trong cùng thời gian, UNESCO cũng đã hỗ trợ tỉnh Quảng Nam để phát triển một chiến lược văn hóa và du lịch tích hợp của tỉnh, trong đó đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng cao lợi ích người dân địa phương từ du lịch.

Dự án tập trung vào việc tập huấn kỹ năng quản lý kinh doanh cho các nhóm sản xuất, như tập huấn quản lý sổ sách, cách tính giá thành và giá bán sản phẩm, giới thiệu các khái niệm tiếp thị cơ bản và hướng dẫn thực hành, giới thiệu mô hình quản lý tài chính quy mô nhỏ…

Đáng ngạc nhiên là sau khóa tập huấn, kết quả cũng như hiệu quả đạt được thật không ngờ, vượt yêu cầu. Bà Katherine Muller Marin chia sẻ, trong hai năm triển khai, dự án tập trung vào các việc phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu, những vấn đề được xác định là quan trọng nhất trong bối cảnh ngành sản xuất thủ công tại Quảng Nam.

Kết quả là có hơn 200 hộ sản xuất, DN đã cải thiện được tổ chức sản xuất và kinh doanh. Qua đó, sản phẩm thủ công mang dấu ấn của các làng nghề xứ Quảng không chỉ giữ được giá trị truyền thống và chất lượng mà còn cải thiện trong thiết kế và đóng gói bao bì.

Bà Katherine Muller Marin chia sẻ: “Triển khai dự án, chúng tôi hy vọng làm sao để người dân, nghệ nhân ở các khu di sản thế giới có thể tăng thu nhập từ chính những sản phẩm mang đậm dấu ấn của làng nghề địa phương. Sau 2 năm thực hiện, chúng tôi không muốn gọi đây là một dự án mà là một sáng kiến.

Theo đó, các tổ chức, đơn vị liên quan trong và ngoài nước phối hợp thực hiện, tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư ở các khu di sản thế giới; đồng thời thay đổi bộ mặt các sản phẩm thủ công làng nghề ở các khu di sản thế giới; thêm trải nghiệm cho khách du lịch”.

Điều đáng quan tâm từ dự án này là sự liên kết giữa các làng nghề. Theo như bà Lê Thị Xuyến, cán bộ tư vấn UNESCO: Nếu các làng nghề biết “bắt tay” nhau thì không những sản phẩm của họ vừa có đầu ra, mẫu mã phong phú, đa dạng và quan trọng hơn là nó tôn vinh nhiều làng nghề chỉ trong một món quà lưu niệm.

Ví dụ như chiếc đèn lồng vừa là sản phẩm của nghề làm lồng đèn, vừa kết hợp với sản phẩm của làng gốm Thanh Hà là đui đèn và cái đế đèn lại chính là sản phẩm của làng mộc Kim Bồng. Tất cả 3 làng nghề đều nằm trong một chiếc lồng đèn, đem lại giá trị mới cho sản phẩm làng nghề truyền thống, bà Xuyến nói thêm.

                                                                                      Theo: Thời báo  Ngân Hàng
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.464.275
Tổng truy cập: