ẨM THỰC & ĐÔNG Y
Làng mứt vào vụ Tết
(Ngày đăng: 07/01/2017   Lượt xem: 478)

Những ngày tháng Chạp này, nghề làm mứt gừng truyền thống của làng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, H. Hải Lăng, Quảng Trị) càng rộn ràng hối hả. Với cơ sở nhỏ, đến trưa là thời điểm đỏ bếp nhưng cơ sở lớn thì từ sáng sớm đã thơm phức mẻ mứt đầu ngày. Dù trải qua nhiều thăng trầm, người dân Mỹ Chánh vẫn bám trụ với nghề và ngày càng mở rộng khiến đặc sản này thêm nức tiếng gần, xa.

Từ trên cầu Mỹ Chánh qua sông Ô Lâu đã cảm nhận rõ hương vị đặc trưng của làng nghề. Mùi gừng nồng cay chỉ lối dễ dàng đến bất kỳ hộ dân làm mứt nào. “Lò” của vợ chồng chị Hà – Tí ở đầu làng, chỉ cách QL1A vài chục mét. Chúng tôi đến khi chị Hà vừa luộc gừng xong, đang tất bật chuẩn bị công đoạn làm mát để trưa kịp cho ra mẻ mới. “ Khi đỏ bếp mới đông người làm, cơ sở nhà tui chỉ thuê 5 đến 6 người thôi, mỗi ngày làm 1 đến 2 tạ gừng, chứ bà con nhiều người sản xuất 3 đến 5 tạ mỗi ngày, nhân công cũng rất đông”, chị Hà cho biết. Là người An Lỗ (TT-Huế) ra làm dâu ở Mỹ Chánh 20 năm nay, chị Hà quanh năm làm thuê đủ việc nhưng tháng cuối năm nhất định phải đỏ bếp làm mứt gừng. “Lời lãi không mấy nhưng nổi lửa làm mứt là thấy Tết cận kề, xua tan mọi ưu phiền”, chị Hà phấn khởi. Bám trụ với nghề truyền thống không dễ, gian nan, cần nhiều kỹ thuật, có bí quyết, hơn nữa nhân lực luôn thiếu dẫn đến một số cơ sở bó hẹp sản xuất hoặc dừng. Hộ sản xuất nhỏ như vợ chồng chị Hà thì nhiều, nhưng hộ quy mô lớn hiện chỉ đếm đầu ngón tay. Mặc dù vậy, hoạt động của làng nghề chưa bao giờ thiếu không khí sôi nổi.

Nhộn nhịp rim gừng.

“Mới sáng nhưng nhà Tâm – Tuấn đã nổi bếp lâu rồi đó”, người dân Mỹ Chánh chỉ về hướng khu chế biến khá rộng phía trước. Chị Tâm (46 tuổi) phấn khởi khi có người hỏi thăm làng nghề mà chị đã gắn bó lâu nay. “Tui là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề ni. Mỗi năm chỉ có một tháng nên cũng không dễ dàng tìm được người làm vì trùng thời điểm gieo sạ. Nhưng mọi đơn hàng khắp nơi đặt về luôn sẵn sàng phục vụ. Đây là dịp để mọi người biết đến Quảng Trị, biết đến Mỹ Chánh. Hiện cơ sở thuê tổng cộng 42 nhân công”, chị Tâm chia sẻ. Câu chuyện bên lò mứt khiến chúng tôi càng hiểu hơn tấm lòng người dân đôn hậu quyết giữ nghề nơi đây. Nguyên liệu là gừng được lựa chọn khắt khe từ Tây Nguyên về. Người cạo vỏ, người xắt lát. Phía kia là luộc mứt. Công đoạn này khá nặng nhọc nên gần như đàn ông đảm trách hết. Đến khi rim gừng phải giao cho chị em có kỹ năng thuần thục, lành nghề thực hiện. Có một người phụ trách than củi riêng, bởi nếu không kỳ công, không có tính đặc trưng, mứt gừng Mỹ Chánh không thể nức tiếng như thế. Chị Tâm cho biết mỗi ngày sản xuất 5 tạ, ngoài thị trường Quảng Trị còn phục vụ cho các đơn hàng từ Huế ra Quảng Bình, Hà Nội rồi ngược vô TPHCM. Cũng như cơ sở của vợ chồng chị Tâm, mứt gừng của các hộ dân thơm, ngon, cay vừa và đảm bảo chất lượng, được ưa chuộng lâu nay.

Luộc mứt gừng thơm, vị cay vừa phải cần có bí quyết.

Đối với người dân Quảng Trị, xuân về phải chọn đúng mứt gừng Mỹ Chánh mới trọn vẹn hương vị Tết. Đó cũng là tâm nguyện của những người con xa xứ, như tiếng quê hương tha thiết, rất gần..

                                                                                             Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.466.665
Tổng truy cập: