QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Làng tranh Đông Hồ thời hiện đại
(Ngày đăng: 30/11/2011   Lượt xem: 708)

"Tại đây chuyên làm ôtô, xe máy đẹp", "Nhận làm vàng mã"... những tấm biển quảng cáo to đẹp treo trong làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang khiến người ta quên đi một dòng tranh dân gian nổi tiếng của vùng Kinh Bắc.

Khiêm tốn nép mình dưới những tấm biển quảng cáo hoành tráng này là tấm bảng nhỏ cũ kỹ mang dòng chữ: "Tranh Đông Hồ".

Những ngày cận Tết, Đông Hồ tấp nập khách. Tuy nhiên, đa phần không phải là người tới mua tranh về chơi Tết mà về làng tranh để buôn vàng mã. Trên con đường làng đổ bê tông phẳng lỳ bày la liệt đủ loại giấy màu, từng chuyến xe chở mũ mão, nhà lầu, xe hơi... rầm rầp đổ về Hà Nội.

Biển quảng cáo hàng mã trong làng tranh Đông Hồ. Ảnh: T.D.

Tranh thủ cái nắng chiều hiếm hoi, nhiều người ngồi ngay trước cổng nhà làm hàng. Luôn tay phết màu vào đống mũ quan để phơi cho được nắng, anh Hùng nói, ở đây, sản xuất vàng mã đã được chuyên nghiệp hóa, mỗi nhà chỉ làm một loại hàng, lãi ít nhưng có việc quanh năm.

Chị Hoa, chủ một "xưởng" sản xuất xe máy lớn của Đông Hồ, cho biết, vài năm nay, loại hàng này bán khá chạy. "Chẳng nhớ mỗi năm làm bao nhiêu chiếc nhưng do đổ buôn nên lãi chẳng là bao . Mất cả chục công đoạn từ vót tre, làm khuôn... đến dán giấy mà mỗi chiếc xe cũng chỉ bán được chừng 25.000 đồng", vừa nói chị Hoa vừa chỉ tay vào đống xe máy cỡ trung bình bày la liệt trong sân.

Buổi chiều, con trai chị Hoa được nghỉ học nên cũng phụ giúp bố mẹ vót tre, dán giấy và đưa hàng cho những nhà lấy buôn. Theo chị Hoa, sinh ra và lớn lên với nghề mã nên khi rảnh rỗi, trẻ em ở đây cũng trở thành những thợ giúp việc đắc lực.

"Xưởng" sản xuất xe máy hàng mã ở Đông Hồ. Ảnh: T.D.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề tranh, từ 10 năm nay, gia đình bác Lộc đã chuyển hẳn sang làm giấy màu bán lại cho hàng mã. Nguồn thu eo hẹp từ nghề này cùng với 7 sào ruộng đã giúp gia đình bác nuôi được 2 người con học đại học và 2 người đang học trung học.

"In tranh thanh nhàn hơn làm mã nhưng chẳng có người mua nên đành nghỉ . Giờ nếu có điều kiện, tôi sẽ quay lại làm tranh", người đàn ông trạc ngũ tuần đứng tần ngần trước sân, bên đống giấy màu.

Người giữ "hồn" cho tranh truyền thống

Bên chén trà nguội trong ngôi nhà ngói nằm rìa đê, ông Nguyễn Hữu Sam, một trong những nghệ nhân cuối cùng của làng tranh cổ, buồn bã nói: "Giờ nhà nào chẳng làm hàng mã, số người làm tranh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình tôi quyết không làm mã bởi giữ nghề của làng cũng chính là giữ nghề của dân tộc".

Tranh Đông Hồ được bày la liệt trên chính chiếc giường ngủ của ông Sam. Ảnh: T.D.
Tranh Đông Hồ được bày la liệt trên chính chiếc giường ngủ của ông Sam. Ảnh: T.D.

Sinh ra đã nhìn thấy tranh nên năm 7 tuổi, cậu bé Sam đã theo nghề bằng cách "nhìn bố mẹ làm rồi bắt chước". Tuy nhiên, sau đổi mới, nghề vàng mã bắt đầu phát triển mạnh trong khi nghề tranh lại dần mai một . Nay nghề vàng mã đã lan ra nửa huyện Thuận Thành.

"Nét độc đáo của tranh Đông Hồ chính là chất liệu làm tranh được lấy từ thiên nhiên. Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng của điệp, màu đen của lá tre, màu trắng từ vỏ sò... Bức tranh có bao nhiêu màu thì phải in, phải phơi chừng ấy lần...", vị nghệ nhân gần 80 tuổi say sưa kể về các công đoạn làm tranh.

Theo ông Sam, đến với Đông Hồ là đến với cái cổ bởi đây là dòng tranh phản ánh chân thực nhất về cuộc sống: "Những bức như "Đám cưới chuột", "Chuột vinh quy"... mang nội dung phê phán nạn tham nhũng rất đúng với hoàn cảnh xã hội hiện nay".

Gắn bó cả đời với tranh cổ nên với vị nghệ nhân già, tranh Đông Hồ chính là cuộc sống, là hơi thở của mình . Ông tâm sự, mặc dù nghề tranh đang bị mai một nhưng niềm an ủi lớn nhất lúc cuối đời chính là việc con cháu đều quyết tâm theo nghề và ông vừa được phong tặng là nghệ nhân làng nghề Việt Nam.

Tốt nghiệp đại học ngành tài chính nhưng nghe lời khuyên của bố, anh Nguyễn Hữu Quả, con trai ông Sam, đã chuyển sang làm tranh. 12 đứa cháu nội, ngoại cũng được ông tận tình truyền nghề mỗi khi có dịp.

Anh Quảng. Ảnh: T.D.
Anh Nguyễn Hữu Quả, con trai ông Sam. Ảnh: T.D.

"Cũng hơi buồn vì hiện tranh nhái nhiều, giá lại rẻ, trong khi để làm được một tờ giấy dó phải mất tới... 40 công đoạn, mỗi tờ tranh in trung bình 5 lần. Ngay việc pha chế màu cũng là quá trình mất cả chục năm trời mới đúc kết được kinh nghiệm", anh Quả nói.

Ngoài nghề tranh, gia đình anh còn làm mấy sào ruộng, phòng khi "không bán được hàng vẫn có cái để ăn". "Năm 1980, đang lúc khó khăn, có ông khách ở ĐH Havard (Mỹ) tới hỏi mua bức tranh giá 70 cân thóc . Lúc đó, không có ăn thì nghĩ gì tới tranh", anh Quả thoáng chút ưu tư khi nhớ lại những ngày gian khổ.

Ngồi trong căn phòng trưng bày được bài trí đủ loại tranh Đông Hồ, người giữ hồn tranh cổ Nguyễn Hữu Quả ngâm nga: "Hỡi cô mặc quần bò xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái nay đã đổi nghề/ Chuyển sang hàng mã còn gì hỡi anh?".

Tiến Dũng

theo vnexpress.net

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.462.122
Tổng truy cập: