Theo Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ tỉnh Vĩnh Long Đoàn Thị Ngọc Diệp, ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ 19 ở khu vực nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ 20, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói tại thời điểm đó có khoảng 600 đến 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ 21, tăng mạnh lên 2.284 miệng lò.
Riêng ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 trở lại đây với hàng nghìn mẫu mã khác nhau; các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới… Sản lượng sản xuất tăng lên gần 50 triệu sản phẩm/năm và dần trở thành thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong vòng 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 1.250 lò gạch gốm bị phá dỡ, hiện số lò gạch gốm trên địa bàn tỉnh còn lại khoảng hơn 850 lò.
|
Du khách tham quan làng nghề gạch, gốm Mang Thít. |
Trước những khó khăn của ngành, trong suốt thời gian qua lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành các chính sách để gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngành nghề sản xuất gạch gốm Mang Thít.
Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án di sản đương đại Mang Thít, được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch gốm truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng.
Mục tiêu của Đề án này nhằm bảo vệ và phát triển "Vương quốc gạch gốm” Mang Thít trở thành một quần thể Di sản đương đại, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của địa phương. Tham gia đề án, hiện đang có 649 lò gạch gốm của hơn 360 hộ dân được giữ lại để bảo tồn.
Thay mặt lãnh đạo huyện Mang Thít, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mang Thít, thông tin thêm về những nỗ lực của địa phương trong việc gìn giữ và bảo tồn làng nghề gạch gốm Mang Thít trong thời gian qua. Trong đó khẳng định chủ trương của tỉnh về việc hỗ trợ giữ lò để bảo tồn trước việc hàng loạt lò gạch bị tháo dỡ. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gạch gốm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
|
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Nhiều nội dung được các đại biểu tham gia tọa đàm với những chủ đề quan trọng và ý nghĩa như: “Từ miền ký ức "Vương quốc lò gạch" đến “Di sản đương đại Mang Thít”; ứng dụng mô hình quản trị đối ứng công - tư nhằm phát triển du lịch bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Khu làng nghề gạch ngói Mang Thít - “Di sản đương đại Măng Thít”; gìn giữ, bảo vệ và phát triển Khu làng nghề gạch ngói Mang Thít; ứng dụng hệ thống trạm sạc và tàu động cơ điện nhằm mục đích phát triển du lịch xanh tại sông Mekong và Khu làng nghề gạch gốm Mang Thít…
Tọa đàm nhằm gắn kết phát triển văn hóa với phát triển du lịch tại Mang Thít, định hướng đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương, bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa, môi trường cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, hướng đến phát triển du lịch làng nghề gạch gốm Mang Thít gắn với bảo tồn, phát huy và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới.