QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Khám phá làng đá Non Nước
(Ngày đăng: 03/08/2011   Lượt xem: 421)
300 năm hình thành và phát triển

 
Theo phổ ý ở Đền thờ Thạch nghệ Tổ sư thì làng nghề đá được thành lập do những người thợ đá đầu tiên từ Thanh Hóa đến địa bàn thôn Khái Đông - Non Nước mở đất, khai thôn, lập ấp sinh sống. Trong quá trình mưu sinh, họ đã lấy đá sẵn có từ núi để đục đẽo thành vật dụng thô sơ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, từ đó truyền nghề cho nhau và hình thành nên làng đá ngày nay . Ngày 16-3 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tổ của làng ở đền thờ Thạch nghệ Tổ sư. Đây còn là dịp để các nghệ nhân, các thợ điêu khắc, các cơ sở sản xuất và kinh doanh đá của làng nghề có dịp ngồi lại với nhau để tri ân và tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công khai phá và tạo dựng nên làng nghề truyền thống.

Ở làng, nghề đá ban đầu chỉ là một nghề phụ và tạo ra những vật dụng đơn giản, thô sơ như: chày, cối, bia mộ với kỹ thuật chế tác đá cũng hoàn toàn thủ công: từ cưa đá, đập đá, đẽo đá, mài đá đến chạm khắc những bức phù điêu, viết chữ Hán trên bia mộ… Việc đào tạo cũng được thực hiện theo kiểu truyền nghề, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và trí nhớ. Nhưng do nhu cầu phát triển của xã hội, nhiều nghệ nhân đã mở lớp đào tạo bài bản chuyên nghiệp, kết hợp giữa sáng tác cổ truyền và hiện đại, tạo nên những sản phẩm tinh xảo hơn, tính mỹ thuật ngày càng cao hơn như các tượng Phật, Chúa, sư tử, rồng, đồ trang sức, bộ tách trà, bàn ghế và cả những tượng nghệ thuật hiện đại, tạo nên một thương hiệu rất riêng của Làng nghề.

Khám phá
 làng đá Non Nước, Tin Đà Nẵng, Tin tức trong ngày,
Mô hình đề án quy hoạch làng nghề đá Non Nước. (Ảnh: H.N) 

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay rất phong phú về màu sắc và đa dạng về chủng loại. Gồm có các màu đen, trắng của đá vôi; màu xanh biếc, màu hồng, hường, tím, vân gỗ của đá cẩm thạch; màu vàng, xanh và đất của đá sa thạch… Từ những màu sắc đó, các nghệ nhân và thợ điêu khắc đã lựa chọn và thực hiện các tác phẩm hoàn hảo hơn, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm như: tượng Phật, người với chất liệu đá trắng; tượng sư tử, lân, rồng, phượng… thường chọn đá màu trơn hoặc có vân; đá sa thạch thường dùng để tạc tượng vũ nữ Chăm và một số đá quý khác dùng để tạc bàn ghế, trang sức, tách trà… Do nguồn đá tại chỗ không còn nên các cơ sở sản xuất từ nhiều năm trước đã đặt mua đá ở các tỉnh phía Bắc. 5 năm trở lại đây, làng đá nhập các loại đá quý ở Ấn Độ, Pakistan về làm nguyên liệu sản xuất, duy trì công việc để làng nghề không bị mai một.

Làng nghề đá Non Nước hiện có hơn 500 hộ sản xuất và kinh doanh đá, thu hút gần 3.000 thợ và nghệ nhân, trong đó có những gia đình đã theo nghề trên 3 đời. Dưới thời vua Tự Đức, các nghệ nhân của làng đã được vua triệu về kinh đô Thuận Hóa làm công việc đốc công theo dõi việc điêu khắc đá ở các cung điện, lăng tẩm. Hiện nay, làng đá có rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng bởi sự tài hoa và đạt trình độ nghệ thuật cao trong tác phẩm điêu khắc đá của mình như: Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Hùng, Nguyễn Việt Minh… Nhiều nghệ nhân điêu khắc của làng còn được mời tham gia chế tác trong quá trình xây dựng nhiều chùa chiền nổi tiếng trong cả nước, mà gần đây nhất là chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Một làng nghề hiện đại

Với lịch sử làng nghề lâu đời, đã tạo dựng được thương hiệu ở trong và ngoài nước, làng đá mỹ nghệ Non Nước mỗi năm sản xuất được 60.000-70.000 sản phẩm, giá trị thương mại ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Nhưng mặt trái của sự phát triển là ô nhiễm môi trường bởi bụi đá, chất thải và tiếng ồn, do nơi sản xuất nằm trong khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân.

Mới đây, thành phố đã quyết định quy hoạch lại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước với quy mô đầu tư lên đến 35,4ha, 605 hộ phải di dời để sắp xếp lại làng nghề. Sau khi quy hoạch, sẽ có từng phân khu chức năng của quy trình sản xuất sản phẩm đá, mang tính liên hoàn, khép kín. Như phân khu chế tác, đánh bóng sản phẩm, khu phố chuyên giới thiệu sản phẩm... Hiện nay, dự án đang triển khai giải phóng mặt bằng và trong năm 2010, 2011 sẽ tiến hành bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống và sản xuất cho người dân. Ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn khẳng định, trong những cuộc họp triển khai quyết định giải tỏa, sắp xếp lại làng nghề, người dân đều bày tỏ ý kiến là trước mắt, việc giải tỏa sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, sẽ có nhiều thiệt thòi do công việc, nơi sống có thay đổi; nhưng về lâu dài đây là một chủ trương đúng, để làng nghề phát triển quy mô, bền vững hơn.

Khám phá làng đá Non Nước, Tin Đà Nẵng, Tin
 tức trong ngày,  

Du khách tham quan làng nghề đá Non Nước. (Ảnh: V.T.L) 

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu cũng cho rằng, việc sắp xếp lại làng nghề sẽ tạo thành những điểm nhấn đối với một làng nghề đa dạng nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là những khu vườn tượng, để nghệ nhân có điều kiện thể hiện khả năng sáng tạo của mình: "Khi có từng khu vực thể hiện quy trình sản xuất, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh, dấu ấn làng nghề được thể hiện rõ thì việc thu hút du khách cũng dễ dàng hơn. Lúc đó lợi nhuận thu được từ nghề chế tác, điêu khắc đá sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều lần".

Làng nghề đá sẽ được quy hoạch song song với Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Lúc đó một quần thể phố du lịch-mua sắm sẽ giữ chân du khách lâu hơn với danh thắng nổi tiếng này; du khách cũng có điều kiện tiếp cận được với những sản phẩm đá tinh xảo tạo nên dấu ấn của làng nghề. Một trong những điểm nhấn được chú ý nhất trong đồ án quy hoạch này là hình thành Bảo tàng đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam trên diện tích khoảng 7,3ha để trưng bày, triển lãm, chế tác, trao đổi, mua bán các tác phẩm đá mỹ nghệ và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa về đá mỹ nghệ trong và ngoài nước. Bảo tàng được xây dựng theo dạng hang động (ngầm dưới lòng đất) tạo nên cảnh trí hấp dẫn.

Khám 
 phá làng đá Non Nước, Tin Đà Nẵng, Tin tức trong ngày,

Nét đẹp bất ngờ của làng đá khi nhìn từ trên cao.

Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu thì hy vọng rằng, cách đây 30 năm chỉ có mấy chục hộ dân theo nghề chế tác đá, nhưng nay con số này đã tăng lên hơn 500 hộ, lớp trẻ tham gia học nghề nhiều hơn, thì các nghệ nhân ngoài việc truyền nghề và lòng đam mê cho thế hệ trẻ, sẽ có sự phối hợp với chính quyền để có hướng đầu tư đào tạo quy mô và bài bản hơn về lâu dài để nghề điêu khắc của làng hòa nhập và không lạc lõng với nghề điêu khắc trong nước và thế giới, vừa tiếp cận được những mô-tip hiện đại, vừa bảo tồn được những giá trị nghệ thuật truyền thống của một vùng đất, vùng quê.

Đá mỹ nghệ Non Nước đã và đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần làm đa dạng cho sản phẩm du lịch của Đà Nẵng. Những sản phẩm của làng nghề là món quà lưu niệm ý nghĩa đối với du khách, đồng thời là nguồn sống, niềm đam mê sáng tạo của những người thợ điêu khắc đang ngày đêm miệt mài thổi hồn vào những phiến đá vô tri.

nguồn (http://danonnuoc.craftb2c.com/)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.464.802
Tổng truy cập: