QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
(75)-Thừa Thiên Huế: Linh hoạt phục hồi ngành du lịch sau đại dịch
(Ngày đăng: 06/11/2021   Lượt xem: 259)

Sau khi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự chuẩn bị cụ thể để triển khai các bước phục hồi, trong đó tiếp tục chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu, khôi phục, phát triển du lịch, nhất là vùng đầm phá, ven biển…

 Thừa Thiên Huế được định hướng lấy du lịch làm mũi nhọn. (Ảnh: Quốc Việt)

Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc với gần 1.000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận, đó là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật bài chòi.

Thừa Thiên Huế có hơn 500 lễ hội; đặc biệt, Festival Huế đã tạo nên nét độc đáo cho vùng đất này. Nhiều làng nghề cũng đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy, tạo sự hấp dẫn khách du lịch như các làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới.

Ngoài ra, tỉnh còn có vịnh Lăng Cô, nằm trong các vịnh biển đẹp nhất thế giới; nơi đây còn có tới 1.700 món ăn độc đáo, hấp dẫn… Vì vậy, Thừa Thiên - Huế hội tụ nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành, lĩnh vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu…; trong đó khu vực dịch vụ chịu tác động trực tiếp. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đóng băng, sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu; nhiều công ty du lịch, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm du lịch... phải tạm dừng hoạt động, một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, không có thu nhập...

Song tại Thừa Thiên Huế, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, hiện nay nhiều khu vực đã trở về trạng thái bình thường mới. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương này phục hồi lại các hoạt động du lịch trên địa bàn giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo dự thảo kế hoạch phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên cho khôi phục du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch ven biển có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón khách du lịch nội địa để tiến hành phương án khai thác khách du lịch nội tỉnh, nội địa. Trong đó, tập trung ưu tiên đối tượng này, đẩy mạnh triển khai từ tháng 11/2021 (tùy theo tình hình dịch bệnh COVID-19 để triển khai cụ thể).

Điều kiện đối với khách nội tỉnh là thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Có thẻ kiểm soát dịch bệnh để quét mã QR trên thẻ tại tất cả các điểm đến. 100% các cơ sở dịch vụ du lịch cung ứng, phục vụ và đã được kiểm tra, thẩm định về việc đáp ứng an toàn trong hoạt động du lịch theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong tình hình mới; toàn bộ nguồn nhân lực trực tiếp trong ngành được tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19.

Điều kiện đối với khách nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú và làm việc ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam. Khách du lịch từ 18 tuổi trở lên phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19). Khách du lịch dưới 18 tuổi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.

Đối với đón khách du lịch quốc tế, từ tháng 12/2021 trở đi, thực hiện phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine bằng các chuyến bay thuê bao (charter) đến Thừa Thiên Huế sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép... Thí điểm đón khách du lịch quốc tế thực hiện tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch khép kín, thực hiện theo hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ tháng 12/2021): đón khách du lịch quốc tế đến khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô và một số resort, điểm dịch vụ khép kín khác. Giai đoạn 2, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 đón thí điểm, nếu triển khai thành công sẽ tiếp tục đề xuất các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có thỏa thuận song phương giữa hai nước thông qua chương trình du lịch trọn gói do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, châu Úc, Newzealand, Hoa Kỳ…

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng về giải pháp truyền thông, quảng bá kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, đơn vị, tổ chức tham quan, các điểm du lịch, di tích, di sản trong tỉnh, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nắm bắt tình hình để có kế hoạch triển khai. Đặc biệt, đẩy mạnh các hình thức quảng bá, truyền thông tại chỗ thông qua các trang mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ có liên quan. Việc hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch cũng nỗ lực được thực hiện.

Để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đơn vị về phương án cụ thể như ký kết thỏa thuận hợp tác với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài triển khai xúc tiến quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025; ký kết hợp tác với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về xúc tiến quảng bá di sản văn hoá cố đô Huế, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế…

Cùng với đó là các chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm kích cầu du lịch của địa phương, như giảm 50% phí tham quan các điểm di tích cho mọi đối tượng (dự kiến hết năm 2021 và phương án cho 2022).

Cũng như nhiều địa phương của cả nước, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với quyết tâm mạnh mẽ, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi ngành du lịch của tỉnh trong trạng thái bình thường mới, từng bước đưa ngành du lịch trở lại bình thường khi dịch bệnh trong nước và quốc tế đang dần được kiểm soát và ổn định. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần tiếp tục tạo diễn đàn, hình thành cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác hiến kế và đóng góp, tham gia chiến dịch thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong tình hình mới và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

                                           Theo:  dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.464.219
Tổng truy cập: