Với hàng ngàn điểm di tích, làng nghề truyền thống, mang trong mình bề dày lịch sử văn hóa, Hà Nội đang trở thành điểm đến được lựa chọn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhưng, để khai thác các lợi thế này  cho phù hợp, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, vừa đảm bảo giữ gìn, bảo tồn di tích, di sản, đã đến lúc, Hà Nội không thể chỉ quan tâm về thu hút số lượng du khách như lâu nay.

Du lịch Hà Nội liên tiếp có nhiều tín hiệu vui. Cụ thể, năm 2018, Hà Nội được đề cử là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng "Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018" của tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards. Hà Nội xếp thứ nhất trong 7 điểm đến tốt nhất châu Á dành cho du khách tự do do tạp chí Hello bình chọn…

Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, Thủ đô đã đón khoảng 4,8 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, có gần 1,2 triệu lượt khách quốc tế; 3,6 triệu lượt khách nội địa. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và cũng là một người chủ trì đề án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam thì Hà Nội còn nhiều tiềm năng phát triển, trở thành thành phố có sức hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN. Bởi lẽ, đây là một trong số ít, nếu không muốn nói là duy nhất trong các thành phố của các nước khu vực ASEAN có đến 4 mùa trong năm. Hà Nội hội tụ nhiều nền văn hóa, cả châu Á lẫn châu Âu.

 Về tiềm năng phát triển du lịch Hà Nội, dẫn đầu là du lịch văn hóa. Thế mạnh của du lịch Hà Nội là những gì thanh lịch nhất, nhẹ nhàng, nhỏ nhưng tinh tế, ý nghĩa, chạm đến trái tim của du khách như chùa Một Cột, tháp rùa cổ kính…

 
Ngày càng nhiều tour du lịch trải nghiệm, khám phá di sản văn hóa Hà Nội được đưa vào khai thác.

Sự cộng sinh giữa quá khứ và hiện đại, của nhiều tầng lớp văn hóa là thế mạnh của Hà Nội. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc du lịch Hà Nội không thể chạy ào ào theo số lượng, theo những gì có quy mô hoành tráng như chùa Bái Đính hay trong tương lai là chùa Ba Chúc…

Lợi thế phát triển du lịch của Hà Nội đang phù hợp với xu thế chung của du lịch thế giới. Cụ thể, theo bà SuniTara Jan, Phó Chủ tịch cao cấp Kênh truyền hình quốc tế CNN, châu Á – Thái Bình Dương, khảo sát của CNN cho thấy, xu hướng khách đi công tác kết hợp kéo dài thời gian để tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật tăng khoảng 30% và dự báo tiếp tục tăng thời gian tới.

Vì vậy, trong 2 năm 2017 – 2018, CNN luôn tập trung vào văn hóa, con người và di sản Hà Nội, tạo điểm nhấn là điểm đến mới khi quảng bá hình ảnh Hà Nội trên CNN.

Trao đổi về du lịch Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho rằng, khi Hà Nội đã được nhiều du khách biết đến, các điểm đến nổi tiếng đã được giới thiệu rộng rãi, thông tin nhiều thì những khám phá trải nghiệm văn hóa, khám phá lịch sử, di sản theo chiều sâu mới là “lãnh địa” hấp dẫn dành cho du khách.

Đây cũng là xu hướng mà đơn vị tập trung khai thác khi đầu tư xây dựng các tour, tuyến mới dành cho du khách đến Hà Nội. Ngay sau các tour tham quan, trải nghiệm, khám phá phố cổ, khám phá “báu vật” từ bảo tàng, đơn vị đang chuẩn bị ra mắt một tour mới theo xu hướng này.

Dù có nội dung khác nhau nhưng hầu hết các tour này đều hướng tới đối tượng khách yêu thích khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, khá kén khách, không phục vụ kiểu đại trà. Họ thường là khách đến từ các nước phát triển, có mức chi tiêu cao.

Nếu khai thác tốt, du lịch Hà Nội vừa có doanh thu cao, vừa giảm được các áp lực do sự liên tục tăng trưởng về lượng du khách đưa đến. Tuy nhiên, cách khai thác này không dễ và cũng không phải đơn vị lữ hành nào, hướng dẫn viên nào cũng phục vụ được.

Ngoài sự nhiệt tình, người khai thác du lịch theo hướng này phải thực sự đam mê, giàu kinh nghiệm, kiến thức và đặc biệt phải biết yêu Hà Nội. Nếu không yêu Hà Nội sẽ khó thuyết phục được du khách yêu Thủ đô cổ kính này.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, làng nghề, trong đó có làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Thủ đô Hà Nội nhưng đòi hỏi phải có thời gian xây dựng, tìm hiểu thị trường.

Muốn khai thác du lịch, cần có những làng nghề kiểu mẫu, đạt quy chuẩn về truyền thống, về sản phẩm. Chỉ có điều, hầu hết làng nghề truyền thống, kể cả làng nghề đã khai thác phục vụ du lịch vẫn phát triển tự phát, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Ngay việc khai thác làng nghề phục vụ du lịch cũng cần có quy hoạch bài bản, vừa tạo được môi trường sạch sẽ, có chương trình mẫu cho khách tham quan tương tác, cảm nhận giá trị của sản phẩm… Khi có sản phẩm cụ thể thì công tác quảng bá, xúc tiến liên hệ với các lữ hành rất cần thiết. Nếu không, làng nghề chỉ như một cô gái đẹp không ai biết đến. Thế nhưng, khâu hoạt động này, ở hầu hết các làng nghề đều đang rất hạn chế.

Cũng theo ông Thản, một hạn chế khác nữa là du khách quốc tế vào Việt Nam, theo quy định hiện hành chỉ có 1 tuần đến 15 ngày. Nếu du lịch trải nghiệm sẽ mất rất nhiều thời gian. Đổi lại, nếu khai thác tốt, không chỉ người làm du lịch có lợi ích mà bản thân cộng đồng, người dân cũng có điều kiện phát triển kinh tế một cách bền vững.
                                                                                           Theo: cand.com.vn