QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Phát triển du lịch làng nghề ở đồng bằng sông Hồng
(Ngày đăng: 25/06/2018   Lượt xem: 542)

Đồng bằng sông Hồng còn được biết đến là cái nôi của vùng văn hóa Bắc Bộ, văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống nhất trên cả nước, đặc biệt phải kể tới Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định…

Dù các làng nghề đã có truyền thống lâu đời hoặc đã được khôi phục, sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị nhưng chỉ một số ít làng nghề đã gắn với phát triển du lịch như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), chạm bạc (Thái Bình)…

                                       Sản phẩm đúc đồng truyền thống. (Ảnh: HNV)

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch làng nghề được coi như là một trong những loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa, một “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, cụ thể, góp phần làm nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc

Đây chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách. Có thể thấy, với tiềm năng vốn có, đây là hướng đi đầy triển vọng cho ngành du lịch Việt Nam cũng như các làng nghề truyền thống của Việt Nam, trong đó có khu vực Bắc Bộ.

Thực tế khai thác trong nhiều năm qua cho thấy, đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đều có ấn tượng rất tốt về làng nghề truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm du lịch làng nghề vẫn thiếu sức hấp dẫn lâu dài với du khách cả trong và ngoài nước. Du lịch làng nghề chưa thật sự được khai thác hiệu quả và phần lớn còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng tầm để trở thành các điểm đến hấp dẫn. Hiện nay, các làng nghề chưa biết tận dụng hết các lợi thế nên chưa có hướng đi cụ thể cho phát triển du lịch làng nghề.

Do đó, để đưa các hoạt động du lịch làng nghề vào các tour du lịch thì làng nghề phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí của du lịch, đó là: sự hấp dẫn và độc đáo của tài nguyên; giao thông thuận lợi, kể cả giao thông nội bộ; nhà vệ sinh sạch sẽ, đạt chuẩn; vị trí nằm không quá xa so với điểm tham quan chính hoặc các trung tâm du lịch; có các cơ sở kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; lực lượng lao động phục vụ khách du lịch nhiệt tình, thân thiện, có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ; có những hoạt động, trải nghiệm thú vị phục vụ khách du lịch… .

Trong số hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề của cả nước với khoảng 1.700 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 50 nhóm nghề trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm như tơ lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, gốm Chu Đậu... khu vực đồng bằng sông Hồng ngoài các làng nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng như: làng dệt Vạn Phúc, làng dệt the lụa La Khê, làng Nón Chuông, các làng nghề sơn mài truyền thống như Hạ Thái, Sơn Đồng, Bối Khê, làng gốm Bát Tràng… còn có các làng nghề sản xuất nông nghiệp như làng hoa khu vực Hà Nội, Hưng yên, làng cây cảnh Vị Khê - Nam Định, những làng nghề chuyên canh nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà - Hải Dương…

Hiện, một số địa phương đã triển khai rất hiệu quả mô hình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. Mô hình này không chỉ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ thị trường mà còn tạo ra một số điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng được các chương trình du lịch cho khách trong và ngoài nước kết hợp tham quan và trải nghiệm tại một số làng nghề truyền thống đặc trưng của vùng đất châu thổ sông Hồng mới được khảo sát tại khu vực Hưng Yên, Hải Dương như làng đan đơm đó, làng làm hương, làng mộc…

Có thể thấy, tiềm năng du lịch làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng tương đối lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này thì không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Thực tế cho thấy, để phát triển gắn với du lịch, các làng nghề còn tồn tại những hạn chế, khó khăn. Đó là: chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của các ngành, các cấp chưa nhiều và chưa thực sự hiệu quả, nhất là sự vào cuộc của các ngành chức năng tại địa phương; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch kém về chất lượng, thiếu về số lượng, quy mô nhỏ chưa tạo sự hài lòng cho khách du lịch; hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các làng nghề mang tính tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có quy hoạch và quy định cụ thể đối với hoạt động kinh doanh này. Ngoài ra, sản phẩm sản xuất ra phong phú, đa dạng về chủng loại nhưng mẫu mã còn đơn điệu, chưa bám sát nhu cầu và thị hiếu của thị trường; chưa có nhiều các hoạt động và dịch vụ bổ trợ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: hoạt động biểu diễn nghề, mời khách du lịch tham gia trải nghiệm cùng làm nghề, trung tâm giới thiệu sản phẩm chung của làng nghề và các dịch vụ vui chơi, giải trí khác. Cộng đồng địa phương và lao động trong ngành du lịch thân thiện, nhiệt tình nhưng chưa chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch. Chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện thường xuyên, có hiệu quả việc xúc tiến, quảng bá tới các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch. Phần lớn các làng nghề vẫn rất thụ động trong việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề của mình. Chưa thực hiện liên kết giữa các làng nghề với nhau để học hỏi kinh nghiệm cũng như tạo ra những chuỗi sản phẩm hấp dẫn khách du lịch. Vệ sinh môi trường sản xuất làng nghề chưa được quan tâm xử lý, gây hậu quả nhiều trong cộng đồng địa phương và khó thu hút khách du lịch. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa có định hướng phục vụ khách du lịch, nhất là các thị trường khách quốc tế, chưa cập nhật mẫu mã đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Thiết nghĩ, để phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ khách du lịch nói chung và du lịch làng nghề nói riêng, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng, rất cần tiếp tục có được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, dân cư tham gia sản xuất nghề. Trong đó, các bộ, ngành liên quan cần phát huy theo đúng chức trách, nhiệm vụ để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề một cách hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống phải tập trung chú trọng vào nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình, mẫu mã phục vụ khách du lịch, nâng cao liên kết, hỗ trợ lẫn nhau thông qua các tổ chức các hiệp hội, nghiệp đoàn sản xuất, có định hướng rõ các sản phẩm, làng nghề phù hợp phục vụ khách du lịch, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện các sản phẩm thu hút khách đến với du lịch làng nghề./.
                                                                                       Theo: cpv.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.466.693
Tổng truy cập: