QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Phát triển du lịch cộng đồng
(Ngày đăng: 15/12/2017   Lượt xem: 366)

Khách du lịch nước ngoài tham quan không gian sinh hoạt tại làng cổ Ðường Lâm. Ảnh: VĂN PHÚC

Với nhiều làng cổ, làng nghề truyền thống cùng nét văn hóa độc đáo, Hà Nội có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Từ hình mẫu ban đầu ở làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây), Sở Du lịch Hà Nội đang nỗ lực phối hợp chính quyền các địa phương đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người dân để khai thác lợi thế này.

Dạy nông dân cách làm du lịch

Những nông dân thôn Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) vừa được tham gia một lớp học làm du lịch. Chuyện này vốn rất xa lạ ở địa phương này. Một số người khi được thông báo về lớp bồi dưỡng còn chần chừ. Tuy nhiên khi học, người dân được các chuyên gia giảng giải về yếu tố con người trong hoạt động du lịch, nhất là cộng đồng, từ những người bán quà vặt, cho đến chủ các ngôi nhà cổ cần ứng xử ra sao khi có khách; giao tiếp thế nào để phù hợp với nguyên tắc làm du lịch mà vẫn giữ được vẻ đẹp của văn hóa vùng nông thôn... Làng Cựu là một ngôi làng có nhiều nhà cổ, có nghề may truyền thống nổi tiếng từ thế kỷ 19. Không quá xa nội thành, lại giữ được nhiều nét cổ kính, rêu phong, làng Cựu là điểm đến của không ít khách du lịch. Không chỉ khách trong nước, các đoàn khách đến từ Nhật Bản, Pháp... cũng tìm về làng Cựu để trải nghiệm không gian làng Việt cổ, với nhiều nét văn hóa truyền thống. Song, người dân ở đây vẫn chưa nhận thức được tiềm năng làm du lịch, chưa biết cách khai thác thế mạnh quê hương. Lớp tập huấn do Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Phú Xuyên tổ chức đã giúp người dân bắt đầu "vỡ vạc" dần: Muốn làm du lịch phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy. Mỗi gia đình ở thôn Cựu nếu biết giữ gìn, phát huy giá trị di sản, văn hóa lịch sử và phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống của quê hương; biết cách giao tiếp, ứng xử, quảng bá văn hóa, thì di sản đang bị bỏ quên sẽ có tiềm năng sinh lời. Nếu địa phương chưa có nhà nghỉ, khách sạn, người dân có thể khai thác mô hình homestay - khách du lịch sẽ ăn, ở, sinh hoạt cùng gia đình.

Trước khi lớp tập huấn tại thôn Cựu được tổ chức một thời gian ngắn, người dân làng Ðào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Ðông Anh) cũng được đi học "làm du lịch". Ðại diện phường rối nước Ðào Thục chia sẻ: "Chúng tôi đã quen với việc tổ chức các hoạt động đón tiếp, biểu diễn phục vụ khách xem múa rối, ăn uống, bán một số quà tặng du lịch... Song, hầu hết đều tự phát, người nọ bảo người kia. Những kiến thức từ lớp tập huấn hết sức bổ ích, giúp chúng tôi có thể đón khách một cách chuyên nghiệp hơn".

Ngoài hai địa phương nêu trên, năm 2017, nhiều cộng đồng dân cư đã được học cách làm du lịch như: cộng đồng dân cư ở xã Cổ Loa (huyện Ðông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), xã Mê Linh (huyện Mê Linh), xã Hương Sơn (huyện Mỹ Ðức)...

Ðể du lịch cộng đồng trở thành thế mạnh

Du lịch cộng đồng còn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Mô hình này tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực... thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Ở mô hình này, người dân đóng vai trò quan trọng trong cung cấp các dịch vụ, hướng dẫn khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống tại địa phương. Thậm chí, một số gia đình có thể kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ, sinh hoạt cho khách. Trên địa bàn thành phố, làng cổ Ðường Lâm có thể xem là hình mẫu đầu tiên trong du lịch cộng đồng. Với lợi thế di tích, di sản, nhà cổ..., khách du lịch đến đây rất đông. Chính người dân đã mở các dịch vụ ăn, nghỉ, bán hàng lưu niệm... phục vụ khách, đem lại lợi ích cho người dân bản địa, tạo động lực cho nhiều gia đình gìn giữ tốt hơn những nếp nhà cổ.

Với bề dày văn hóa, lịch sử, nhiều di tích, di sản, làng nghề, nghề cổ truyền độc đáo, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nhất là khu vực các làng nghề có kiến trúc đẹp như: làng rối nước Ðào Thục, làng nón Chuông (Thanh Oai), làng Cựu, làng nhiếp ảnh Lai Xá... Không chỉ ở vùng ngoại thành, ngay trong nội đô, một số khu vực cũng rất giàu tiềm năng du lịch như phường Quảng An, nơi có những đầm sen, có nghề ướp chè sen nổi tiếng. Song, lâu nay, hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát. Người dân thường thiếu kỹ năng, không nhận thức được hết ý nghĩa của từng khâu trong chuỗi giá trị du lịch, cho nên vẫn xảy ra tình trạng "chặt chém" khách, giao tiếp thiếu chuyên nghiệp. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cho biết: "Thành phố đã có nhiều biện pháp hỗ trợ du lịch cộng đồng phát triển, đầu tư cho các làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, làng cổ Ðường Lâm. Sở Du lịch chú trọng bồi dưỡng nhân lực thông qua các lớp tập huấn kiến thức cho người dân địa phương. Chúng tôi lựa chọn những địa phương có thế mạnh, có tiềm năng và phù hợp với Quy hoạch du lịch để tổ chức các lớp tập huấn cho người dân kỹ năng làm du lịch. Năm 2017, đã có 16 lớp được tổ chức. Công việc này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018".

Với những đổi mới trong hoạt động, du lịch cộng đồng tại Hà Nội đã đóng góp đáng kể vào thành tích đón 23,85 triệu lượt khách, trong đó có 4,95 triệu khách quốc tế trong năm 2017.

                                                                                             Theo: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.467.079
Tổng truy cập: