Làng nghề chân truyền của nữ thần

Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cách thành phố Phan Rang 10km về hướng Nam.Tương truyền vào thế kỷ 17, nữ thần Po Yang Inư Nagar đã truyền nghề cho vợ chồng bà Chakleng đang sinh sống ở làng Chakleng, và bà trở thành nghệ nhân đầu tiên tạo ra nghề dệt thổ cẩm.

Làng Mỹ Nghiệp qua rất nhiều thăng trầm do thời cuộc, đến nay nó đã trở thành một thương hiệu của di sản văn hóa và ngành du lịch Ninh Thuận.

Ông Hàm Minh Thiện - Chủ nhiệm Hợp tác xã, cho biết hiện tại cơ sở này có 85 thợ dệt, gồm 2 nghệ nhân được công nhận và 7 thợ bậc cao có thể dệt phục chế các hoa văn xưa tinh xảo, phức tạp. Sản phẩm của cơ sở đa dạng, gắn khá chặt với nhu cầu thị trường, được khách tiêu thụ nhiều. Tôi hỏi ông sao mới 10 giờ sáng mà chỉ có chừng 10 người thợ ngồi dệt, tình hình du khách đến tham quan... Ông cười buồn, nói: “Giờ này các thợ của tôi về nhà đi chợ, cơm nước rồi. Còn khách đến tham quan thường vào cuối buổi, nhưng thợ về nhà ăn cơm, khách không được xem dệt, chán, mua mấy món đồ rồi đi, khách đến làng cũng thưa thớt…”. Hỏi ông về tình hình hỗ trợ của Nhà nước, ông bức xúc: “Cở sở vật chất, phương tiện thì Nhà nước cho như ngôi nhà và các khung dệt, giới thiệu cho tham gia các hội chợ, triền lãm…, nhưng việc quảng bá thì truyền thông ngay ở tỉnh như truyền hình, đài phát thanh, báo đều không ưu tiên quảng bá, chúng tôi đâu có nhiều tiền để thuê quảng cáo. Ngay một trang web để giới thiệu sản phẩm cũng không có… Nên việc tìm đối tác hay khuếch trương sản phẩm đều phải tự thân”.

Làng thổ Cẩm Mỹ Nghiệp ngày nay đã khấm khá hơn, trong làng có trên 400 hộ chuyên dệt thổ cẩm và cho xuất khẩu trên 1.000 sản phẩm các loại mỗi năm. Hiện nay, 80% trong số hơn 700 hộ dân của làng Mỹ Nghiệp giữ nghề.

Làng gốm cổ huyền thoại Bàu Trúc

Làng nghề gốm Bàu Trúc gần kề làng Mỹ Nghiệp, là làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á và được đưa vào danh mục 12 di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Khi tôi đến làng, mới khoảng 9 giờ sáng, nhưng làng thưa thớt, đìu hiu, vắng vẻ, không có không khí của làng nghề nhộn nhịp, khách ra vào tấp nập kẻ đến người mua, kẻ đi người chào hẹn gặp lại… Đến nhà nghệ nhân gốm là người đàn ông Chăm đầu tiên làm gốm ở Bàu Trúc tên Đàng Xem, tôi được ông khoe cái lò nung trị giá 30 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ. Chiếc lò nung này đổi mới, tiết kiệm nhiên liệu lại cho chất lượng nung cao, thành phẩm ít bị hư do lửa nung đều, tập trung nhiệt, trời có mưa không sợ tắt lửa như kiều lò cũ.… Ông nói, làng mới có 2 lò, một ở nhà ông, còn chiếc kia ở cơ sở sản xuất gốm Bàu Trúc của nghệ nhân khác.. Nhưng hỏi ông về trang web giới thiệu sản phẩm, về việc tiêu thụ sản phẩm…, thì ông lắc đầu: “ Trang web do con tôi lập, cũng chưa có gì khả quan. Việc tiêu thụ sản phẩm, tuy Nhà nước có giúp giới thiệu đối tác, nhưng vẫn là mình tự tìm để tự tiêu. Mẫu mã cũng do khách đặt, chứ theo mẫu mã truyền thống người Chăm thì ít khách thích…”.

Đến nhà bà Đàng Thị Gia (70 tuổi, chủ cơ sở gốm Bàu Trúc Mỹ Tiên, mẹ của nghệ nhân Đàng Xem), bà có thâm niên nghề trên 60 năm, và cũng đã truyền nghề cho con gái Út là chị Đàng Thị Trình (48 tuổi). Bà Gia có nguyện vọng: “Ước có lò nung như nhà con trai Đàng Xem, mà xem ra rất khó...”

Như nhà bà bán được sản phẩm, thu nhập hàng tháng cũng chỉ hơn 5 triệu đồng/1 hộ gồm 5 - 7 người, cả nhà gốm 4 hộ không tới 15 triệu đồng, có lẽ thế, cái lò nung giá 30 triệu mới là ước mơ???

Tôi rời làng Bàu Trúc sau khi mua cái bình gốm với lời dặn: “Đừng đổ nước” vì nó sẽ bị thấm và bục ra! Thì ra do công nghệ nung cổ, thủ công, chất lượng gốm thấp, đất chưa “chín” đều, nên đổ nước vào là thành “đất sống”, bình biến dạng?!

Trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 thì hai làng nghề truyền thống là gốm Bàu Trúc, và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nằm trong 5 địa chỉ du lịch trọng điểm.

Slogan của du lịch Ninh Thuận: “Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, nhưng tôi chỉ nhận thấy sự thân thiện, nhiệt tình của người Ninh Thuận, còn chưa thấy hấp dẫn.

                                                                                           Theo:laodong.com.vn