QUÊ HƯƠNG & DU LỊCH
Mỗi khi bấc thổi
(Ngày đăng: 23/01/2015   Lượt xem: 609)
Mỗi khi bấc thổi già, cái lạnh thấm vào da thịt, tủa ra từng hơi thở đặc sệt đến khô môi. Người ở quê tôi, lạnh không có nghĩa là co ro trong áo ấm, chỉ có cái áo dài tay bám nhiều vết "nhựa" của thời gian, mang cả màu phù sa của đất, khoác trên người cho bớt lạnh ở tận đồng sâu.

Người ta dậy từ rất sớm, gà vừa gáy canh tư, chái bếp đã nghi ngút khói, mùi cơm chín ngọt lịm với cái thơm lừng của mẻ cá bống kho tiêu, tất cả gói gọn trong cái giỏ xách đệm, theo họ ra đồng.

Bấc thổi, trái mắm rụng đầy mé sông. Cá bống ăn trái mắm. Tạo hóa cũng thiệt ngộ! Loại cây mọc hoang ở đồng bằng ven biển Nam bộ, đến mùa là trái rụng đầy. Lũ cá từ biển kéo về cửa sông, ăn no nê, cá bống trong sông thì mập thôi là mập! Cũng là mùa tụi nhỏ chúng tôi kéo nhau đi bắt cá bống. Chúng trầm mình trong những bẹ dừa nước, mỗi khi nước ròng, nước còn đọng lại trong bẹ dừa, bẹ nào cũng có cá. Cứ lấy cây chọc vào bẹ lá, nghe rột rột là có cá, chọc thêm vài cái nữa, cá nhảy ra, lấy vợt lưới mà hứng. Mỗi buổi đi bắt, mỗi đứa đem về hai ba ký cá. Rồi chia cho nhau bà con lối xóm. Bắt cá được nhiều, đâu có ai đem đi bán! Má đem chia cho nhà chú ba, cô tư, cho bà con lối xóm. Nhà ai có trồng hành, trồng ớt, trồng dừa... thì lại chia đều cho nhau để có nồi cá bống kho ngon ơi là ngon!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Má tôi thường kho cá bống với nước cốt dừa. Dừa khô, nhưng không lựa trái khô quá vì sợ khi kho lên bị hắc mùi dầu. Chọn trái vừa khô tới, vỏ mới rám vàng. Nước cốt dừa thì phân ra hai loại, nước nhất và nước dão. Lúc đầu, cho nước dão vào trước, kho cho đến khi cạn nước, rồi đổ chén nước nhất vào, nêm lại cho vừa ăn, cho thêm hành ớt. Vậy là... nồi cá bống kho nước cốt dừa ngon bá cháy. Ăn cơm với cá kho thì phải có canh, canh nấu bằng những con tép bạc bắt được bằng cách đặt lú, đặt lợp đem về, rau là những thứ rau mọc dại, mọc hoang, đọt trại, đọt rán, rau diệu, rau sam... hay những lá bồ ngót được ba trồng trước nhà. Bữa cơm chỉ có vậy, từ trong cơ cực mà làm nên.

Những người miền quê lại hiền hòa, chất phác, làng xóm thường chia nhau những mớ cá, con cua, mớ cà, rổ khoai... tất cả những thứ ấy nó đã ngọt. Cái ngọt của tình làng nghĩa xóm, cái ngọt của bữa cơm nhà... khó mà tìm lại. Để rồi bao năm sau, khi con người đã thành thị hóa, lòng người chợt dừng lại khi nhớ đến hương vị quê nhà. Để rồi người ta gọi đó là đặc sản. Phải chăng, đặc sản ẩm thực có từ trong cái khó khăn, nhọc nhằn trộn lẫn cái chân tình ấm áp của người miền quê?


Nay bấc lại thổi già, co ro trong cái mền dày khi nghe đâu đó vẫn còn tiếng gà gáy canh tư. Mà nhớ đến ngổn ngang. Trong miền nhớ của ký ức, thi thoảng lại bất chợt hiện về bởi một cái gì đó đi ngang qua. Rồi để lại, rồi bước tiếp bằng những trải nghiệm của bản thân. Và đôi khi, lại chứng kiến cách sống nhân ái, nhân văn của những người nơi đất khách, cái ngọt ngào của tình người làm tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ của miền quê ngày ấy!

                                                                   Theo : phunuonline.com.vn

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.464.847
Tổng truy cập: