TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(25)- Lai Châu: Giữ gìn bản sắc các dân tộc đặc biệt khó khăn
(Ngày đăng: 13/04/2021   Lượt xem: 190)

Đến thăm nơi sinh sống của 4 dân tộc đặc biệt khó khăn: Cống, La Hủ, Mảng, Si La của huyện Mường Tè, chúng tôi thấy cuộc sống của bà con đã thay đổi nhiều so với trước đây. Ngoài được đầu tư cơ sở vật chất, các nét văn hóa truyền thống dần được khôi phục.

Nghề thêu của người La Hủ (xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè) luôn được gìn giữ qua các thế hệ

Không phải cứ dịp lễ, tết mà hàng ngày người dân duy trì mặc áo truyền thống và tham gia các trò chơi dân gian. Bà con quan tâm giữ gìn nghề rèn, đan lát để tạo ra các sản phẩm mang giá trị truyền thống. Tranh thủ những lúc tụ họp gia đình, người già kể lại cho con cháu về giá trị văn hóa tinh thần để thế hệ trẻ không quên cội nguồn. Các di sản văn hóa cũng đang được phục dựng, không chỉ tô điểm nét đẹp của 4 dân tộc mà còn làm phong phú thêm bản sắc của các dân tộc trong huyện.
Hiện nay, 4 dân tộc đặc biệt khó khăn sinh sống ở 11/14 xã, thị trấn với dân số chiếm gần 1 nửa dân số của huyện. Để khôi phục và gìn giữ nét truyền thống, UBND huyện giao Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các xã tích cực xuống bản tìm hiểu về cuộc sống, phong tục, tập quán, tuyên truyền bà con xóa bỏ những hủ tục, giữ lại những nét đẹp, giá trị cốt lõi của truyền thống dân tộc. Cán bộ văn hóa xã, huyện chủ động gặp gỡ người già, người có uy tín, nghệ nhân để ghi chép lại những câu chuyện, thơ cổ, bài hát, lễ hội, ngành nghề truyền thống, rồi tìm hiểu, tham khảo thêm thông tin để tham mưu UBND huyện tìm cách khôi phục, duy trì. Ngoài ra, chú trọng xây dựng đội văn nghệ ở các bản, tạo dựng sân chơi, chế tạo nhạc cụ, dụng cụ thể thao để người dân thường xuyên tham gia.

Hiểu được giá trị truyền thống, người dân tự giác xóa bỏ những hủ tục và tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương khôi phục lại bản sắc văn hóa, từ “Tết ngô”, “Tết mùa mưa” đến “Lễ hội Mừng cơm mới”, phong tục ở rể, trò chơi dân gian: đi cà kheo, bập bênh, đá cầu lông gà... đều được khôi phục. “Tết ngô” của người Cống xã Nậm Khao trước đây bị mai một nhưng nay đã được phục dựng. “Tết ngô” diễn ra vào tháng 6 âm lịch. Để chuẩn bị cho tết, người dân thu hoạch ngô, xay thành bột để làm bánh, tìm cua đá, rêu đá và ngày đầu của tết, bà con ra sông, suối tắm rửa, rũ bỏ hết những cái không may của năm cũ để đón nhận cái mới. Còn “Tết mùa mưa” của người La Hủ diễn ra vào thời điểm mùa mưa để cúng bái thần linh, trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Trong những ngày tết, bà con không chỉ chúc nhau sức khỏe mà còn cùng nhau múa hát, tranh tài ở các môn thể thao. Chị Khoàng Thị Yêu (bản Lãng Phiếu, xã Nậm Khao) chia sẻ: Trước đây, tôi biết đến các phong tục tập quán của dân tộc mình qua lời kể của người già. Giờ đây được phục dựng và tổ chức trong các ngày lễ tết, hội hè, tôi thấy phong tục của dân tộc mình đẹp và văn minh lắm. Tôi sẽ tích cực gìn giữ và vận động con cháu trong gia đình tham gia đội văn nghệ để biết đến nét đẹp truyền thống.
Nét văn hóa không chỉ được thể hiện ở các lễ hội mà còn trong đời sống hàng ngày, ngoài xây dựng, tu sửa nhà theo phong cách đặc trưng của dân tộc, người dân còn khôi phục lại nghề may mặc, dệt thổ cẩm với những bộ quần áo, mũ, giầy dép mang đậm đà bản sắc. Người già dạy con trẻ cách thêu thùa, dệt vải để lớp trẻ biết giữ gìn. Ngoài ra, nghề rèn đúc, đan lát được lưu truyền với đa dạng các loại sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cho người dân mỗi khi xuất bán ra thị trường.
Bà Hù Cố Xuân (bản Seo Hai, xã Can Hồ) cho biết: Là nghệ nhân, tôi luôn tìm hiểu về nét văn hóa của người Si La, sưu tầm các nhạc cụ, thơ ca truyền thống. Tôi còn truyền dạy cho người dân trong bản làn điệu dân ca, dân vũ để thế hệ sau này hiểu biết nhiều hơn về truyền thống dân tộc.
Mỗi năm 1 lần, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc đặc biệt khó khăn để bảo tồn giá trị văn hóa. Trong ngày hội, đồng bào mỗi dân tộc không chỉ được gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống mà còn được giao lưu văn hóa, thể thao, kết nối tình đoàn kết giữa các dân tộc. Mỗi lần tổ chức, các hoạt động văn hóa truyền thống được quay phim, chụp ảnh lại để làm tư liệu và đưa lên các phương tiện truyền thông quảng bá hình ảnh. Huyện còn sử dụng quỹ đất cạnh bờ hồ trung tâm phục dựng một số nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để người dân trong huyện tìm hiểu, tham quan. Bên cạnh đó, 100% các bản có đội văn nghệ với đa số là thế hệ trẻ, đó là lớp kế cận để lưu giữ nét văn hóa truyền thống.
Anh Tống Văn Kem - Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Tè cho biết: Để lưu giữ nét văn hóa các dân tộc đặc biệt khó khăn, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Phòng tham mưu với UBND huyện khôi phục, duy trì bản sắc; thường xuyên tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao; đề xuất tuyên dương các cá nhân có đóng góp trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa.
Tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, văn hóa truyền thống của các dân tộc sẽ mãi lưu truyền theo thời gian.

                                                 Theo; baolaichau.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.463.763
Tổng truy cập: